Bác sĩ trong vùng dịch Covid-19: "Quê hương cần là chúng tôi lên đường"

Diệu Linh Thứ sáu, ngày 26/02/2021 06:31 AM (GMT+7)
Trong 2 "trận chiến" chống giặc Covid-19 tại Đà Nẵng và Hải Dương, bác sĩ Vương Xuân Toàn đều là người đầu tiên có mặt trong đoàn bác sĩ "chi viện" cho 2 địa phương này.
Bình luận 0

"Nơi nào có Covid-19, tôi sẵn sàng có mặt"

"Là một thầy thuốc, nghe tin Hải Dương bùng phát dịch Covid-19 nguy hiểm, tôi rất nóng lòng, lo lắng cho người dân ở đây. Dù ngày Tết cận kề nhưng tôi đã luôn sẵn sàng tâm thế, quê hương cần là tôi lên đường. Trước đó, tôi đã xung phong được chi viện cho các địa phương, bất kỳ nơi nào cần tôi", bác sĩ  Vương Xuân Toàn (Khoa Hồi sức tích cực – Bệnh viện Bạch Mai) tâm sự.

Vừa trở về từ Đà Nẵng không lâu, nhận được tin nhắn của lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai rất ngắn gọn: "Toàn về Hải Dương nhé" vào ngày 6/2, bác sĩ Toàn lập tức lên đường. 

 Bác sĩ trong vùng dịch Covid-19: Quê hương cần là tôi có mặt - Ảnh 1.

Bác sĩ Vương Xuân Toàn (Khoa Hồi sức tích cực – Bệnh viện Bạch Mai) là một trong những bác sĩ trẻ nhất từng 2 lần chi viện cho điểm nóng chống dịch Covid-19 tại Đà Nẵng – Hải Dương.

"Dù là đợt dịch tại Hải Dương hay Đà Nẵng, Bạch Mai đều sẽ dốc hết tâm sức, trang thiết bị vật tư và con người cho các chiến trường, giảm thiểu tối đa thiệt hại về người. Ngày tôi đi, PGS.TS. Đào Xuân Cơ (Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai) cũng không dặn dò tôi gì nhiều, chỉ ngắn gọn 1 câu: "Cố gắng dồn hết tâm sức không để bệnh nhân nào tử vong". Và trong suốt những ngày qua, tôi và các đồng nghiệp đã cố gắng hết sức để đánh bại "giặc" Covid-19, cứu được 2 bệnh nhân nặng thoát khỏi cơn nguy kịch", bác sĩ Toàn kể. 

Bác sĩ Toàn được phân công cắm chốt ở Bệnh viện dã chiến 2 (Hải Dương). Đây là cơ sở chuyên để điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng. Tại đây, có 2 bệnh nhân nặng cần phải chăm sóc tích cực. Tuy nhiên, tại đây chưa có máy thở đáp ứng nhu cầu điều trị cho bệnh nhân. 

Vậy là chỉ có 1 tiếng chuẩn bị, bác sĩ Toàn đã "cắp nách" chiếc máy thở oxy dòng cao (HFNC) từ Hà Nội đến Hải Dương vào lúc 23h15 đêm. Không có thời gian nghỉ ngơi, anh lập tức bắt tay vào thăm khám và đặt máy thở cho bệnh nhân. "Chiếc máy thở đã có mặt kịp thời, trợ giúp các cơn khó thở của bệnh nhân, sức khỏe của bệnh nhân đã tốt lên", bác sĩ Toàn thở phào khi kể lại.

Trận chiến khốc liệt chống "giặc" Covid-19

 So sánh về hai "chiến trường" mà anh đều đứng ở tuyến đầu, trực tiếp đối mặt với "giặc" Covid-19 hàng ngày, bác sĩ Toàn cho biết, nếu nói về số lượng bệnh nhân nặng thì Đà Nẵng khó khăn hơn nhiều. Vào thời điểm tháng 8/2021, có những lúc khoa ICU tại Đà Nẵng có đến 12 bệnh nhân nặng. 

Bệnh nhân Covid-19 ở đây hầu hết là bệnh nhân tại khoa Thận nhân tạo, kèm theo nhiều bệnh lý nền khác. Sức khỏe của họ đã yếu sẵn, nay lại thêm Covid-19 giống như "sợi rơm cuối cùng áp chết con lừa già đã chở nặng". Tiên lượng sức khỏe của họ đã rất xấu ngay từ khi phát hiện ra Covid-19. 

Bác sĩ Toàn và đồng nghiệp đã không ít lần đã phải đối mặt với đau thương khi "lực bất tòng tâm" trước bệnh nhân quá nặng. Dù đã dành máy móc tốt nhất, thuốc tốt nhất, sự tận tâm và cố gắng nhất nhưng họ vẫn không cứu được. 

 Bác sĩ trong vùng dịch Covid-19: Quê hương cần là tôi có mặt - Ảnh 2.

Bác sĩ Toàn chăm sóc cho bệnh nhân Covid-19

"Ở chiến trường Hải Dương có nhiều may mắn hơn vì bệnh nhân đa phần là công nhân trẻ, khỏe mạnh, ít bệnh lý nền, sức đề kháng thấp. Do đó, có ít bệnh nhân diễn tiến nặng. Sau khi khám cho các bệnh nhân, bác sĩ Toàn cũng tiên lượng sức khỏe của đa số các bệnh nhân đều tốt.

Tuy nhiên, không vì thế mà họ có một phút nào lơ là, chủ quan. Các y bác sĩ ở đây đã theo sát từng nhịp thở của bệnh nhân, kịp thời phát hiện các bất thường để điều chỉnh phác đồ điều trị khi cần. Với quyết tâm xuyên suốt: "Cố gắng dồn hết tâm sức không để bệnh nhân nào tử vong". 

"Dù là Đà Nẵng hay Hải Dương, tôi vẫn luôn xác định rằng: Chống dịch như chống giặc và những y bác sĩ như chúng tôi chính là một người lính trên chiến trường chống giặc Covid-19", bác sĩ Toàn tâm sự.

Tết Covid-19 không thể quên

Tết Tân Sửu năm nay sẽ là những giờ phút khó quên trong sự nghiệp của bác sĩ Toàn và đồng nghiệp. Anh đã phải xa gia đình để cùng ăn Tết với các bệnh nhân Covid-19, đảm bảo cho họ được khỏe mạnh bình an trong năm mới. 

Dù xa bố mẹ, nhớ Tết nhà nhưng bác sĩ Toàn cũng không có thời gian mà buồn. Đêm 29 Tết, một bệnh nhân Covid-19 nhập viện trong tình trạng suy hô hấp nặng, tim đập nhanh, huyết áp cao, khó thở và toàn thân tím tái. Nhận định sơ bộ tình hình, bác sĩ Toàn thấy bệnh nhân có triệu chứng giảm ô xy máu thầm lặng khiến diễn biến bệnh trở nặng nhanh hơn.

Ngay lập tức, bệnh nhân được cho thở máy. Sau khi bệnh nhân đã có đáp ứng với máy thở, ê-kíp nhanh chóng xin chỉ đạo của các chuyên gia đầu ngành. Họ đề nghị dùng tất cả các trang thiết bị vật tư có tại Bệnh viện dã chiến 2 để điều trị cho bệnh nhân.

 Bác sĩ trong vùng dịch Covid-19: Quê hương cần là tôi có mặt - Ảnh 3.

Luôn theo sát những xét nghiệm, hình ảnh chiếu chụp của bệnh nhân Covid-19 để phát hiện những bất thường

Ngay trong đêm, ê-kíp đã tiến hành lọc máu liên tục cho bệnh nhân để loại bỏ bớt các chất độc trong máu, đồng thời bổ sung thêm thầy thuốc để theo sát bệnh nhân liên tục.

Bác sĩ Toàn nhớ lại "đêm trắng" hôm đó: "Tôi đang điều trị theo những khuyến cáo của Bộ Y tế thì bệnh nhân diễn biến cực kỳ nhanh, buổi sáng chỉ có biểu hiện khó thở nhưng đến chiều chỉ số oxy trong máu trung bình chỉ còn 60%, so với 95% của người bình thường. Đây là con số vô cùng thấp. Tôi và ê-kíp đã túc trực cùng bệnh nhân đến sáng sớm. Sau 6 tiếng cấp cứu, bệnh nhân đã vượt qua cơn nguy kịch, dần ổn định và đáp ứng tốt phác đồ điều trị".

Bác sĩ Toàn kể, hai lần vào trong vùng dịch, trực tiếp đối mặt với virus SARS-CoV-2, lần nào anh cũng giấu bố mẹ, chỉ đến khi dịch bệnh ổn định mới gọi điện về nhà để bố mẹ đỡ lo. Năm nay, anh không được về nhà chuẩn bị cúng tất niên với bố mẹ, ăn bữa cơm đoàn viên. 

"Nhà tôi chỉ cách đây 15km mà mấy tháng rồi tôi chưa về thăm bố mẹ. Bố mẹ tôi sốt ruột, có lúc còn đòi lên thăm tôi. Tôi xót cho bố mẹ quá, chỉ biết an ủi: "Bố mẹ yên tâm, con đi chống dịch, quê hương sớm yên bình thì con sẽ về". 

Hiện nay 4 bệnh nhân Covid-19 nặng tại Bệnh viện dã chiến 2 nơi bác sĩ Toàn và đồng nghiệp đồn hết tâm sức chăm sóc đã có tiến triển tốt. Rất nhiều bệnh nhân Covid-19 khác đã được ra viện. Đây chính là động lực mạnh mẽ nhất giúp những người lính áo trắng nỗ lực hơn nữa, củng cố niềm tin: "Chúng ta sẽ sớm chiến thắng dịch Covid-19 một lần nữa".

Và anh được nhanh chóng về đón Xuân muộn với bố mẹ mình. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem