Và, sự “mập mờ” trong điều chỉnh quy hoạch của UBND TP.HCM đã đẩy hàng ngàn hộ dân ra đường, trở thành người vô gia cư với hành trình hàng chục năm đòi công lý.
Quy hoạch mập mờ
Trên cơ sở tờ trình của TP.HCM, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định 367 năm 1996 phê duyệt quy hoạch xây dựng KĐT Thủ Thiêm rộng 930ha với 7 phân khu chức năng.
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt với quy hoạch ban đầu dự án Khu ĐTM Thủ Thiêm. Ảnh: TL.
Lần lượt là khu trung tâm thương mại, tài chính, dịch vụ (từ 30-100 tầng) dọc hai trục đại lộ trung tâm Đông - Tây; khu trung tâm hội chợ triển lãm quốc tế ở phía Nam bán đảo; khu nhà ở cao cấp phía Bắc bán đảo; khu trung tâm văn hóa, du lịch, giải trí phía Nam và dọc sông Sài Gòn; công viên trung tâm; khu trung tâm hành chính; khu tái định cư rộng 160ha…
Đến năm 2005, UBND TP đã ra quyết định điều chỉnh quy hoạch chung 1/5.000 để phù hợp với “thực tế”. Một quyết định được cho là trái thẩm quyền, vượt thẩm quyền, khi khẳng định “quyết định này thay thế quyết định 367 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ…”. Ngoài ra còn xác định khu trung tâm ĐTM Thủ Thiêm là một công trình chiến lược.
Đến năm 2012, UBND TP.HCM lại một lần nữa phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch 1/2.000 KĐT Thủ Thiêm.
Quy hoạch lần này chia KĐT Thủ Thiêm thành 8 phân khu chức năng: Khu vực lõi trung tâm được chia thành khu chức năng số 1 và 2; khu dân cư phía Bắc là khu chức năng số 3 và 4; khu dọc đại lộ Đông - Tây là khu chức năng số 5 và 6; khu chức năng số 7 bao gồm khu dân cư phía Đông, khách sạn nghỉ dưỡng và bến du thuyền; khu chức năng số 8 là toàn bộ vùng châu thổ phía Nam.
Các công trình quan trọng trong dự án là trường học, nhà bảo tàng, trung tâm hội nghị triển lãm, khu ngập nước phía Nam, trồng đước, dành cho giao thông thủy và bảo tồn...
Tấm da beo Thủ Thiêm nhìn từ hướng quận 1. Ảnh: TL.
Nhưng qua nhiều năm phát triển, các cư dân Thủ Thiêm vô cùng thất vọng khi những công trình mọc lên đầu tiên ở Thủ Thiêm không phải là các công trình đã được người dân TP mong đợi như: nhà hát - công viên trung tâm, trung tâm trưng bày triển lãm hay quảng trường trung tâm… mà là các dự án bất động sản, biệt thự, nhà ở để bán… của các doanh nghiệp. Việc này đã biến ước vọng về một khu ĐTM hiện đại thành một tấm da beo loang lỗ, phá nát quy hoạch ban đầu, gây ra nỗi bức xúc lớn cho cư dân Thủ Thiêm.
Điều chỉnh liên tục
Xung quanh dự án xây dựng Khu ĐTM Thủ Thiêm kể từ khi lập quy hoạch đến khi triển khai, UBND TP.HCM đã ban hành hàng loạt văn bản, quyết định điều chỉnh. Cư dân Thủ Thiêm chịu ảnh hưởng của dự án như lạc vào “ma trận” văn bản, không biết được nhà đất của mình nằm trong hay ngoài ranh quy hoạch.
Ngày 16.9.1998, căn cứ cứ vào quy hoạch tổng thể mặt bằng (tỷ lệ 1/5.000) Khu ĐTM Thủ Thiêm đã được Chính phủ phê duyệt theo quyết định 367/TTg ngày 4.6.1996, Kiến trúc sư trưởng TP.HCM ban hành quyết định 13585/KTST-QH phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2.000 Khu ĐTM Thủ Thiêm.
Bản đồ quy hoạch Khu ĐTM Thủ Thiêm được điều chỉnh và thay đổi liên tục. Ảnh: H.V.
Theo đó, diện tích quy hoạch là 748ha bao gồm diện tích đất 618ha; mặt nước sông Sài Gòn 130ha. Phía Bắc giáp sông Sài Gòn và xa lộ Hà Nội, phía Nam giáp sông Sài Gòn (quận 7), phía Đông giáp phần còn lại của phường An Khánh (quận 2) và phía Tây giáp Sông Sài Gòn (hướng quận 1).
Đến ngày 6.3.2002, UBND TP.HCM có công văn 718/UB-ĐT gửi Ban quản lý xây dựng Thủ Thiêm, Sở Nhà đất… với nội dung: Giao trách nhiệm cho Sở Địa chính-nhà đất, Kiến trúc sư trưởng TP, quận 2… xác định rõ địa điểm, diện tích và ranh giao đất của 930ha (bao gồm 770ha xây dưng Khu ĐTM Thủ Thiêm và 160ha xây dựng tái định cư). Đặc biệt, công văn nêu rõ: “Nếu thiếu, cho phép điều chỉnh diện tích đất các dự án trên địa bàn quận 2 để đảm bảo đủ diện tích theo phê duyệt của Chính phủ”.
Đến ngày 22.3.2002, UBND TP.HCM lại có công văn hỏa tốc 77/TB-VP truyền đạt ý kiến của Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Hải điều chỉnh diện tích khu trung tâm Thủ Thiêm. Công văn có ghi: “Giao Kiến trúc sư trưởng thành phố, Giám đốc Sở địa chính-nhà đất có trách nhiệm cắm mốc giao đủ 770ha đất của khu trung tâm, theo giải pháp bổ sung diện tích khu tái định cư Bình Khánh vào khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm; đồng thời, rà soát lại quỹ đất trên địa bàn quận 2 đề xuất phạm vi giao đủ 160ha tái định cư…”. Và thêm công văn hỏa tốc 78/TB-VP cũng kết luận của Chủ tịch Lê Thành Hải ký cùng ngày 22.3.2002 ghi: “Xác định diện tích đất dành cho khu tái định cư (160ha) … không nhất thiết nằm tại một địa điểm, có thể bố trí từ 3, 4 địa điểm trên địa àn quận 2… chỉ có một khu vực khoảng 10-20ha tái định cư gần Khu đô thị Thủ Thiêm".
Theo các chuyên gia cũng như người dân, đây là một trong những điều chỉnh khiến 160ha tái định cư theo quyết định 367 của Thủ tướng Chính phủ là “Tái định cư phải sát hoặc liền kề khu trung tâm” đã biến mất. Thay vào đó, đất tái định cư được chia nhỏ ra tại nhiều phường không nằm trong quy hoạch ban đầu, lấn ranh chồng chéo gây bức xúc cho người dân.
Đối với dự án có quy mô diện tích lên tới 930 ha, ảnh hưởng hơn 10.000 hộ gia đình (khoảng 15.000 người) thì việc xác định ranh giới quy hoạch và ranh giới thực địa như dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Trong suốt quá trình thực hiện dự án, do tình trạng pháp lý mập mờ, không công khai bản đồ quy hoạch cho người dân nên dẫn tới khiếu nại, khiếu kiện kéo dài đi cùng với vấn đề thu hồi đất trong ranh, ngoài ranh. Cho đến tận hôm nay, vẫn còn khoảng 100 hồ sơ khiếu nại về vấn đề trên.
Điều này sẽ dẫn đến hàng loạt phát sinh, tranh chấp, khiếu nại về sau liên quan đến ranh dự án xây dựng khu trung tâm và ranh giới thu hồi đất phục vụ khu tái định cư.
Cũng do mập mờ quy hoạch, ban hành một rừng văn bản nên đến ngày 27/12/2005, ông Nguyễn Văn Đua, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ký Quyết định số 6565/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng 1/5.000 và quy hoạch chi tiết 1/2.000 Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm.
Sự mập mờ trong quy hoạch đã đẩy người dân Thủ Thiêm đến tận cùng nỗi khổ. Ảnh: H.V.
Mập mờ nhất vẫn là diện tích đất khu phố 1, phường Bình An, quận 2, có khi được xác định một phần nằm trong ranh giới, có khi lại xác định toàn bộ. Thậm chí, lại được chính quyền đưa vào ranh giới, trái với Quyết định 367 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong khi Quyết định số 13585/KTST-QH ngày 16.9.1998 phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2/000 Khu đô thị mới Thủ Thiêm xác định chỉ có 1 phần diện tích khu phố 1, phường Bình An nằm trong ranh quy hoạch. Quyết định 367 của Thủ tướng Chính phủ không nêu rõ 4,3 ha của xã An Khánh, nay là khu phố 1, phường Bình An nằm trong phạm vi quy hoạch dự án Khu ĐTM Thủ Thiêm.
Nhưng với Quyết định điều chỉnh 6565/QĐ-UBND thì Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa 4,3ha đất này vào ranh giới dự án để rồi tiến hành thu hồi đất. Và theo bản đồ hiện trạng vị trí 1/5.000 lập để làm hồ sơ thu hồi - giao đất của Ban Quản lý đầu tư xây dựng Khu đô ĐTM Thủ Thiêm thì toàn bộ khu phố 1, phường Bình An nằm trong diện tích thu hồi của dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Đây là nguyên nhân dẫn đến việc 43 hộ dân Khu phố 1, phường Bình An khiếu nại ranh giới dự án.
Đặc biệt, tại điều 2 của Quyết định 6565 do Phó chủ tịch Nguyễn Văn Đua ký, có nội dung: “Quyết định này thay thế Quyết định 367/TTg ngày 4.6.1996 của Thủ tướng Chính phủ. ? Điều ngạc nhiên là, trên phần căn cứ ghi “căn cứ vào Quyết định 367/TTG 4.6.1996 của Thủ tướng…” thì điều 2 như vừa dẫn lại “phế truất" luôn quyết định này.
Tại kết luận thanh tra của Thanh tra TP.HCM ngày 1.10.2008, điều 2 của quyết định 6565 không “phù hợp” về thẩm quyền.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.