Bài 2: Nguồn cơn giáo viên 3 điểm/môn

Tùng Anh Thứ sáu, ngày 18/08/2017 06:16 AM (GMT+7)
Việc ồ ạt đào tạo giáo viên khiến cử nhân sư phạm thất nghiệp nhiều, áp lực công việc, đồng lương ít ỏi cùng “tin đồn” sẽ bỏ biên chế giáo viên khiến cho ngành sư phạm dần mất giá. Đó cũng là nguồn cơn dẫn đến thảm họa chuẩn đầu vào 3 điểm/môn trong mùa tuyển sinh năm nay.
Bình luận 0

Những “cú sốc” giết chết đam mê

Có mức điểm thi khá cao (25,5 điểm) nhưng N.V.H (TP. Thanh Hóa) không chọn xét tuyển vào ngành sư phạm “nối nghiệp” gia đình mà chọn khoa kiến trúc ĐH Xây dựng Hà Nội. H cho biết, gia đình em có truyền thống làm giáo viên, ông nội, các cô, chú, bố mẹ và chị gái H đều đã và đang là giáo viên từ tiểu học đến cấp THPT.

img

Đang có hàng chục ngàn sinh viên sư phạm ra trường không kiếm được việc làm (ảnh minh hoạ). Ảnh: Tùng Anh

Bộ sẽ có các giải pháp quyết liệt để nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm, trong đó có chất lượng đầu vào. Từ sang năm, Bộ sẽ quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) riêng đối với các trường sư phạm và các ngành đào tạo giáo viên. Bộ cũng sẽ đẩy mạnh kiểm định chất lượng các trường và chương trình đào tạo; đẩy nhanh việc quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm”.

Bộ trưởng Bộ GDĐT
Phùng Xuân Nhạ

“Bản thân em trước đây cũng rất thích trở thành giáo viên, bố mẹ cũng mong muốn như vậy. Tuy nhiên, mấy năm nay cử nhân sư phạm thất nghiệp nhiều. Tỉnh cũng không có chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên, vào biên chế rất khó. Trong tỉnh có hàng loạt giáo viên bị chấm dứt hợp đồng, lại có “tin đồn” sẽ bỏ biên chế giáo viên. Bố mẹ thấy sư phạm “ảm đạm” quá nên cũng khuyên em chọn ngành khác” – H cho biết.

Tại buổi làm việc với các cơ sở đào tạo sư phạm về chất lượng đầu vào giáo viên mới đây, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ cũng thừa nhận, hiện nay nhiều thí sinh điểm cao không còn mặn mà với ngành sư phạm, nhiều trường mặc dù đưa ra điểm đầu vào thấp nhưng vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu.

Lý giải về nguyên nhân những thí sinh đạt điểm cao không còn mặn mà với ngành sư phạm, Bộ trưởng Nhạ thừa nhận, đó là do quy mô giáo dục đào tạo đã đi vào ổn định, vì thế, số lượng trường sư phạm hiện nay đã vượt quá yêu cầu thực tế. Nhiều thí sinh lo ngại sau khi ra trường không có việc làm từ thông tin dư thừa giáo viên cục bộ ở một số địa phương.

“Ngoài ra, việc vào biên chế khó khăn, thu nhập thấp, áp lực lớn, nhiều nơi lớp học quá đông nên giáo viên rất vất vả mà không được đãi ngộ xứng đáng cũng là một nguyên nhân khiến sư phạm khó có thể cạnh tranh với các ngành khác, khó tạo ra động lực cho những người đang có ý định theo đuổi nghề giáo” – ông Nhạ nói.

Thực tế, cụm từ “thừa giáo viên” đã được nhắc đi nhắc lại tại không ít cuộc hội thảo lớn nhỏ của ngành giáo dục trong thời gian qua. Con số “giật mình” về cử nhân sư phạm thất nghiệp đã được  ông Lê Viết Khuyến - Hiệp hội các trường ĐH-CĐ Việt Nam đưa ra. Cụ thể, theo thống kê 2014, cả nước thừa 35.000 giáo viên THCS, THPT trong khi đó mỗi năm ngành sư phạm tuyển gần 50.000 chỉ tiêu. Dự báo, đến năm 2020 Việt Nam sẽ thừa 70.000 giáo viên, bao gồm: 41.000 giáo viên tiểu học; 12.200 giáo viên THCS; 16.900 giáo viên THPT.

Để giải quyết lượng giáo viên dư thừa cục bộ, đầu năm 2017, Bộ GDĐT đã giao các trường ĐH sư phạm xây dựng chương trình cử nhân mầm non và cao đẳng mầm non văn bằng 2, dự kiến sẽ đào tạo lại khoảng 40.000 giáo viên phổ thông dôi dư chuyển về dạy ở cấp mầm non. Bên cạnh đó, chỉ tiêu đào tạo các trường sư phạm cũng được giảm mạnh theo lộ trình. Thừa giáo viên, nhiều địa phương đã tiến hành cắt giảm biên chế, siết hợp đồng tuyển dụng. Tình trạng giáo viên bị cắt hợp đồng trước năm học mới diễn ra ở nhiều nơi gây hoang mang.

Tháng 5.2017, phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri tỉnh Bình Định, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã đưa ra ý kiến cho rằng sẽ bỏ biên chế giáo viên trong tương lai để tạo tính cạnh tranh, giáo viên “có ra, có vào” để nâng cao chất lượng giáo dục. Theo các chuyên gia giáo dục, phát biểu của Bộ trưởng đã gây ra “cú sốc” lớn đối với không ít thầy cô đang đứng trên bục giảng và những thí sinh đang “nhen nhóm” mơ ước bước vào nghề giáo.

Những nguyên nhân trên là những nguồn cơn khiến ngành sư phạm bị “mất giá” trong mùa tuyển sinh năm nay.

Cần “sàn riêng” cho nghề giáo

Trước thực trạng điểm chuẩn đầu vào sư phạm thấp, các chuyên gia giáo dục cho rằng, “quốc sách hàng đầu” cần nhiều hơn cơ chế đặc thù. Đặc thù không ở những ưu tiên về học phí, lương, biên chế mà còn ở... điểm đầu vào.

PGS-TS Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT cho rằng, hiện cả nước đang thừa rất nhiều giáo viên, vì vậy các trường không nên cố gắng “vơ bèo vợt tép” mà cần “giữ giá” cho nghề rồi đề xuất những chính sách hỗ trợ từ Nhà nước và các bộ ngành liên quan. “Những thầy cô đầu vào chỉ 3 điểm/môn thì ra trường sẽ dạy ai? Họ sẽ làm hỏng không chỉ 1 “lứa” học trò mà ít nhất 35 năm đứng lớp họ sẽ làm hỏng hẳn… 35 lứa học trò. Tôi không bao giờ đồng ý với việc tuyển những người đầu vào thấp như vậy để sau này dạy học” – ông Nhĩ nói.

Ông Nhĩ cũng cho rằng, ngành giáo dục cần xác định  “miếng gỗ” nào là “miếng gỗ” tốt và dùng vào việc gì cũng như phải xác định được ngành nào là ngành quan trọng, cần ưu tiên. Ví dụ như sư phạm thì cần phải lấy điểm chuẩn là bao nhiêu chứ không thể đánh đồng như các ngành nghề khác được.

Đồng tình với quan điểm này, TS Lê Thống Nhất - Tổng Giám đốc Công ty CP Trường học lớn Việt Nam (BigSchool) cho rằng, cần phải coi ngành sư phạm là đặc  thù vì liên quan tới đào tạo con người, tới các thế hệ kế tiếp xây dựng đất nước; phải có sàn riêng khi xét tuyển và tiêu chí phụ cần thiết liên quan tới các tố chất của nghề dạy học.

Ngoài ra, theo TS Nhất,  phải có chế độ riêng với sinh viên học ngành sư phạm, kể cả học bổng và đặc biệt là đảm bảo học xong có việc làm. Điều này sẽ liên quan tới nhiều việc lớn: Quy hoạch lại mạng lưới, cầu nối giữa đào tạo và tuyển dụng giáo viên...

“Với những trường "lỡ tuyển đầu vào thấp", cần tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo và đặc biệt là quản lý chất lượng đầu ra, không đạt chuẩn là không xét tốt nghiệp và định hướng cho sinh viên chọn nghề khác phù hợp hơn” – TS Nhất nói. 

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem