Nhạc underground âm thầm phát triển
Dòng nhạc underground (tạm dịch là ngầm) vào Việt Nam được khoảng hơn 10 năm với hai dòng chính là Rap - Hiphop. Thời kỳ đầu,những bài Rap chịu ảnh hưởng của Hiphop Mỹ thô và xa lạ, đi ngược lại các giá trị văn hóa và âm nhạc truyền thống Việt nên bị khán giả kỳ thị. Nhưng mấy năm trở lại đây, dòng nhạc này tiếp tục được du nhập và xuất hiện mạnh mẽ trở lại.
Theo chia sẻ của một số nhạc sĩ, thế giới underground được xem như là nơi những người mê ca hát nhưng chưa hoặc không bước lên sân khấu chuyên nghiệp. Họ hát chỉ vì niềm đam mê âm nhạc, hát vì sở thích. Lợi thế của dòng nhạc này là sự tự do, người nghệ sĩ được thoải mái trên không gian hoạt động chính của họ là internet - nơi không có những quy định gò ép phải làm theo những khuôn phép.
Thực tế những gương mặt trẻ theo đuổi dòng nhạc underground chỉ hay được xuất hiện trên một số trang mạng dành cho những đối tượng là khán giả trẻ. Còn với báo chí chính thống họ không hoặc rất ít khi nhắc hoặc đưa tin giới thiệu về những nghệ sĩ theo đuổi dòng nhạc này.
Tuy vậy, theo thời gian, ngoài một bộ phận những cộng đồng mạng vẫn còn hoạt động theo phong cách nghiệp dư trong nội tại giới underground thì có một số nhân tố mới tiên phong mang Rap, Hiphop và R&B đến với đông đảo khán giả.
Thực tế, nhờ tài năng và cá tính đặc biệt, một số nghệ sĩ underground trở thành nhân tố mới giúp những nghệ sĩ chuyên nghiệp của showbiz Việt thay đổi mình trong các sản phẩm âm nhạc mới mẻ và có chất lượng nghệ thuật hơn.
Đó là trường hợp Suboi từng giúp Hồ Ngọc Hà tạo nên bản My Apologize lạ lẫm hay Cường Seven góp phần không nhỏ khi xuất hiện bên cạnh Lưu Hương Giang trong sản phẩm Đừng ngoảnh lại, Big Daddy với sự kết hợp tuyệt vời giúp bản hit Tình yêu màu nắng của Đoàn Thúy Trang làm mưa làm gió trên các bản xếp hạng âm nhạc năm 2013...
Không những thế, sự xuất hiện của Anh Khang, Thùy Chi, Hoàng Tôn, Karik, Lynk Lee, Hằng bingboong, Mr.T, Yanbi, Sơn Tùng M-TP, Thái Trinh... còn đóng vai trò ca sĩ đàng hoàng những chương trình ca lớn hay những gameshow truyền hình thực tế chứ không còn là một nghệ sĩ underground ẩn mình nữa.
Nghệ thuật không phải là "ăn sẵn", làm bậy
Đối với một người bước ra từ giới underground, việc sáng tạo dựa trên giai điệu, beat nước ngoài có sẵn vẫn được xem là không xa lạ gì, đặc biệt là nhạc Hàn và nhạc Nhật. "Butterfly" của Mr.T từng được cho là học hỏi từ "Flower" của Junhyung (B2ST) hay "Light It Up" của Tronie lại bị tố ảnh hưởng phong cách quá nhiều từ "Crayon" của G-Dragon.
Tuy nhiên thời gian qua những người yêu nhạc không khỏi cảm thấy "sốc" có những bản rap được chế lời gây phản cảm với người nghe và tạo nên nhiều tranh cãi. Không ít những ca khúc đang lưu hành rộng rãi trong cộng đồng lại chứa đựng vô vàn những ca từ khó có thể chấp nhận. Ngay cả một số ca khúc của nam ca sĩ Karik đình đám cũng mang nội dung thô thiển như: Áo mưa, Tao biết, Trả giá..
Mới đây nhất sự việc
Sơn Tùng M-TP được cho là "đạo nhạc" gây xôn xao dư luận những ngày qua, cụ thể phải nhận những lời chỉ trích từ dư luận, hình phạt của BTC chương trình Bài hát yêu thích là minh chứng cho những việc làm cẩu thả và thiếu chuyên nghiệp thời kỳ còn đóng mác "nghệ sĩ underground".
Sơn Tùng M-TP.
Thực tế cho thấy có một bộ phận ca sĩ đi lên từ giới underground vì muốn được chú ý (không ngoại trừ ý đồ muốn đắt sô hơn) coi việc sử dụng ngôn từ thô tục, thiếu văn hóa trong các ca khúc đã tạo hit trên mạng để đi biểu diễn ở các tỉnh là chuyện hết sức bình thường. Trường hợp ca sĩ Mr T và Yanbi bị phạt hành chính vì 'chế' phản cảm tiết mục Thu cuối trong một chương biểu diễn tại Hải Phòng là một ví dụ.
Bên cạnh đó còn có lực lượng ca sĩ khác tự xếp mình vào nhóm undeground phát hành (hoặc được một số trang mạng bảo trợ) để cập nhật những sản phẩm âm nhạc thô tục lên mạng. Đáng chú ý là những bài hát đó lại chiếm được lượng khán giả nghe rất “khủng”.
Một ca khúc có lời lẽ thô tục được nhiều người nghe.
Những ngày qua cư dân mạng nổi sóng với ca khúc Phiếu bé ngoan do Yanbi, MrT.. thể hiện trên một số trang mạng âm nhạc mà lượng nghe của nó vào dạng "khủng", trên mỗi trang lượt truy cập lên đến vài trăm nghìn. Điều đáng bàn là nghe những ca từ trong ca khúc này người nghe không còn nghĩ đó là âm nhạc nữa mà giống như một cuốn băng ghi âm sex với lời lẽ thô thiển, bậy bạ.
Ca khúc Phiếu bé ngoan nói riêng và còn nhiều ca khúc khác nữa vẫn đang tồn tại trên nhiều trang mạng âm nhạc phản ánh một "cái nhìn sai lệch"của một bộ phận giới trẻ thế hệ 8X hay 9X không ý thức được bản thân. Nhiều bạn trẻ có thể biện hộ "âm nhạc undeground là nơi có thể nói ra tất cả, những suy nghĩ của mình". Nhưng phổ biến những thứ "phi văn hóa" như vậy đến đông đảo bạn trẻ trên những trang nhạc lớn nhất Việt Nam là điều không thể chấp nhận được.
Ranh giới giữa nghệ thuật và dung tục vốn rất mong manh. Khi sáng tạo của nghệ sĩ vượt qua những chuẩn mực của văn hoá, nề nếp, lối sống nó rất dễ gây phản cảm. Với sự vào cuộc của thanh tra Bộ VH-TT-DL cùng các cơ quan chức năng khác hi vọng sẽ dẹp bỏ rác ca từ trong giới underground nói riêng, những 'thảm họa' âm nhạc Việt nói chung.
(Theo VietNamNet)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.