Bài học công tác quản lý cán bộ từ vụ Vinashin

Thứ hai, ngày 06/09/2010 08:05 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - "Vinashin là một bài học điển hình trong công tác quản lý cán bộ. Nếu chúng ta không sửa đổi sẽ tiếp tục xảy ra những vụ việc tương tự", nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức T.Ư Nguyễn Đình Hương nói.
Bình luận 0
img
Nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức T.Ư Nguyễn Đình Hương

Ba vấn đề trong quản lý cán bộ

Thưa ông, những thông tin xung quanh vụ Vinashin hiện nay cho thấy, những sai trái của lãnh đạo tập đoàn này đã kéo dài nhiều năm nay nhưng vừa qua mới được phát hiện. Liệu đây có phải do công tác quản lý và giám sát hoạt động của cán bộ chưa chặt chẽ?

Trước Đại hội X cũng có người giới thiệu ông Phạm Thanh Bình vào Ban chấp hành T.Ư Đảng. Nhưng, lúc đó, chúng tôi thấy có một số tín hiệu không lành mạnh, đặc biệt là mua con tàu Hoa Sen trị giá 1.300 tỷ đồng. Như vậy là những dấu hiệu sai phạm của Vinashin là đã bắt đầu từ nhiều năm trước.

Sai sót ở Vinashin tồn tại, hoành hành, gây thất thoát lâu như thế có ba nguyên nhân.

Thứ nhất, do cơ chế hoạt động, làm việc của chúng ta hiện nay là không ai chịu trách nhiệm chính. Ở vụ việc này, không chỉ ông Pham Thanh Bình và ông Trần Quang Vũ (các nguyên Tổng Giám đốc Vinashin) phải chịu trách nhiệm mà cơ quan cấp trên cũng phải chịu trách nhiệm.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải có trách nhiệm sâu sát với Tập đoàn này. Vậy, Vinashin mua con tàu Hoa Sen to đùng như vậy sao Bộ trưởng GTVT không biết để ngăn cản? Bộ Tài chính với vai trò quản lý ngân sách nhà nước mà không biết số tiền lớn đi đâu, về đâu. Ngân hàng Nhà nước sao không giám sát được việc Vinashin vay trong và ngoài nước ra sao.

Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã giám sát hoạt động của các tập đoàn, các dự án kinh doanh của tập đoàn này như thế nào... Như trong một gia đình, bố mẹ đưa cho các con tiền mà không biết nó chi tiêu vào việc gì là không được. Nếu con chi tiêu sai, hư hỏng thì bố mẹ phải chịu trách nhiệm. Nhưng ở đây không ai chịu trách nhiệm và đây là điểm tôi trăn trở nhất.

Nguyên nhân thứ hai là tổ chức Đảng ở Vinashin tê liệt. Đảng viên ở Vinashin chắc chắn biết nhưng không dám nói vì sợ mất niêu cơm. Đảng viên không dám đấu tranh, sức chiến đấu bị khống chế bởi những người có quyền lực như ông Bình, ông Vũ....

Thứ ba là tổ chức quản lý cán bộ cấp trên. Chúng ta có Ban tổ chức T.Ư, Bộ Nội vụ và Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp T.Ư nhưng lại không giám sát được hoạt động của cán bộ ở một đơn vị kinh tế lớn như vậy.

Theo ông, phải làm gì để tăng cường giám sát hoạt động của cán bộ để tránh những hậu quả đáng tiếc?

Đây chỉ là một vụ việc điển hình bên cạnh nhiều vụ việc khác thể hiện điểm yếu trong công tác quản lý cán bộ của chúng ta, chẳng hạn vụ việc Chủ tịch tỉnh Hà Giang Nguyễn Trường Tô sống buông thả. Tôi cho rằng phải phân tích vụ Vinashin thật rõ ràng. Tôi đồng tình với việc Quốc hội mổ xẻ vấn đề này thật kỹ để thay đổi cơ chế quản lý cán bộ và phải quy trách nhiệm rõ ràng.

Nếu nói phải giám sát thường xuyên thì đó chỉ là khẩu hiệu. Phải đặt vấn đề là nếu không giám sát được, anh phải từ chức hay cách chức. Như vụ Lã Thị Kim Oanh thì Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Huy Ngọ đã phải chịu trách nhiệm.

Việc khởi tố, bắt giam một số người ở Vinashin và có lấy lại được 80.000 tỷ đồng cũng sẽ chưa giải quyết được vấn đề. Quan trọng nhất là phải quy trách nhiệm. Nếu không sẽ tiếp tục có các tập đoàn, tổng công ty lặp lại sự cố này.

Ông từng đi nghiên cứu việc đào tạo và tuyển dụng nhân tài ở Trung Quốc. Ông thấy có điều gì chúng ta phải thay đổi trong việc này?

Họ thu hút nhân tài gồm 3 cái rất rõ ràng: Người tài được tặng một biệt thự, bố trí công việc cho vợ con, và lương của người đó được trả bằng lương khi làm việc ở nước ngoài. Với chúng ta, việc quan trọng nhất là phải có một chiến lược tổng thể về nhân tài bao gồm từ việc đào tạo đến tuyển dụng. Trong đó, quan trọng nhất là đột phá về chế độ đãi ngộ cho nhân tài và những người có trọng trách. Nếu trả thấp sẽ buộc họ phải kiếm thêm và nảy sinh tình trạng tham nhũng.

Tăng số dư khi chọn cán bộ

Xu hướng tăng số dư trong việc lựa chọn cán bộ, công chức hay như việc thi tuyển, thuê Tổng giám đốc ở các Tổng công ty, Tập đoàn nhà nước được xem là chìa khoá cho công tác cán bộ. Nhưng thực tế việc triển khai vẫn còn hạn chế, theo ông, nguyên nhân từ đâu?

Đúng là khi bầu cử lựa chọn cán bộ chủ chốt đáng ra phải có số dư nhưng chúng ta chưa dám thực hiện. Tình trạng “độc diễn” sẽ dẫn đến nhiều tiêu cực như chạy chức chạy quyền, tham nhũng.

Chúng ta đang thí điểm bầu Bí thư tại đại hội là dân chủ trực tiếp, rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, nếu muốn tăng tính dân chủ nên có số dư cho các chức danh này. Quốc hội khoá VIII có hai người được lựa chọn và bỏ phiếu cho chức danh Thủ tướng là đồng chí Đỗ Mười và đồng chí Võ Văn Kiệt, cuối cùng đồng chí Đỗ Mười đã giành được nhiều phiếu hơn. Như vậy là đã có tiền lệ.

Ngoài việc bầu cử phải có số dư, nếu chọn cán bộ theo hướng bổ nhiệm cũng cần có số dư để lựa chọn. Nếu chỉ bổ nhiệm không thì khó tránh được việc chạy chọt, tham nhũng. Tóm lại, trong việc lựa chọn cán bộ phải tăng thực hiện cơ chế dân chủ trực tiếp chứ không phải dân chủ gián tiếp. Quá trình bầu cử hay bổ nhiệm phải có số dư. Đó cũng là nguyên tắc trong việc tổ chức cán bộ trong Đảng.

Thưa ông, việc lựa chọn cán bộ lãnh đạo là người ngoài Đảng cũng khiến nhiều người mong đợi. Vậy vì sao việc lựa chọn cán bộ theo hướng này vẫn còn hạn chế?

Thực tế chúng ta không có quy định nào nói rằng các cán bộ phải là Đảng viên, phải nằm trong cấp uỷ. Tuy nhiên, hiện nay, việc lựa chọn cán bộ lãnh đạo ngoài Đảng khó khăn hơn. Nguyên nhân là người ngoài Đảng được cái này lại mất cái khác, cũng chưa có người thật là tiêu biểu. Cá nhân tôi ủng hộ bởi người ngoài Đảng có nhiều người tốt, rất đáng trân trọng. Vì vậy, nếu các chức danh như Thứ trưởng, thậm chí là Bộ trưởng nếu chọn được ngoài Đảng lại càng hoan nghênh.

Sự kiện GS Ngô Bảo Châu không làm việc ở Việt Nam một lần nữa dấy lên nỗi lo về việc thực trạng nuôi dưỡng và sử dụng nhân tài. Ông có cảm nhận thế nào?

Ngô Bảo Châu được như hôm nay là có đóng góp rất lớn của gia đình và giáo dục trong nước. Như một cái cây, Ngô Bảo Châu ươm mầm trong nước và ra nước ngoài được thêm một cú hích nên đã đơm hoa kết trái. Có nghĩa là gia đình và nền giáo dục trong nước cũng góp đến 6-7 phần để tạo ra Ngô Bảo Châu.

Việc GS Châu không về nước làm việc hẳn, mỗi năm anh ấy về nước 2-3 tháng là tốt, cũng thể hiện tình cảm với đất nước. Vấn đề chính là môi trường làm việc phù hợp, trả lương cao và có cơ chế thích hợp sẽ thu hút được người tài về làm việc.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem