Chia sẻ một số kết quả nổi bật trong triển khai Chương trình GDPT 2018 ở Phú Thọ, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phùng Quốc Lập cho biết: Công tác lãnh đạo đạo, chỉ đạo đổi mới Chương trình, SGK giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh được thực hiện đúng lộ trình, đảm bảo nghiêm túc, chất lượng, hiệu quả. Quá trình triển khai thực hiện đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, ủng hộ, giúp đỡ của xã hội và nhân dân, phụ huynh.
Quy mô, mạng lưới, loại hình trường lớp phát triển phù hợp, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao và đa dạng của con em nhân dân ở cấp THCS, THPT. Công tác phổ cập giáo dục tiểu học, THCS tiếp tục được duy trì, củng cố. Các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục được tăng cường, phát triển. Chất lượng giáo dục các cấp học tiếp tục có bước phát triển toàn diện, cả về đại trà và mũi nhọn. Việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 được triển khai nghiêm túc, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương...
Từ thực tế, ông Phùng Quốc Lập chia sẻ một số bài học kinh nghiệm triển khai Chương trình GDPT 2018 của địa phương. Theo đó, đầu tiên là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc quán triệt, triển khai Chương trình GDPT 2018 theo kế hoạch, lộ trình; chú trọng công tác truyền thông để tạo được sự đồng thuận ủng hộ của xã hội và nhân dân.
Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp quản lý, tăng cường quyền tự chủ của nhà trường trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục. Nâng cao năng lực quản trị nhà trường, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu của đổi mới giáo dục. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018.
Ưu tiên nguồn ngân sách và huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, hạ tầng CNTT đáp ứng yêu cầu đổi mới. Thực hiện kịp thời, hiệu quả việc rà soát, tuyển dụng, bố trí, sắp xếp đội ngũ. Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, trong đó coi trọng việc tự học, tự bồi dưỡng của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; thực hiện tốt chế độ, chính sách gắn với công tác thi đua - khen thưởng.
Thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường, giáo viên triển khai dạy và học theo chương trình, SGK mới. Chú trọng đổi mới nội dung và hình thức sinh hoạt chuyên môn, đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo tổ/nhóm, trường, cụm trường, tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề các cấp nhằm kịp thời chia sẻ, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, lan tỏa những kết quả đạt được
Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng CNTT trong quản lý và quản trị nhà trường để giảm áp lực về hồ sơ, sổ sách, dành nhiều thời gian cho giáo viên quan tâm đến học sinh và đổi mới phương pháp dạy học cũng là một bài học kinh nghiệm được rút ra trong quá trình triển khai chương trình mới tại Phú Thọ.
Giải pháp cho giai đoạn mới
Chia sẻ kết quả đạt được trong triển khai Chương trình GDPT 2018 trên địa bàn huyện Than Uyên (Lai Châu), ông Đoàn Văn Đạt, Trưởng phòng GD&ĐT thông tin: Thời gian qua, UBND huyện Than Uyên đã chỉ đạo cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp về đổi mới chương trình, SGK GDPT đảm bảo phù hợp với điều kiện, tình hình cụ thể của huyện và từng xã, thị trấn; đồng thời bám sát các mục tiêu về nâng cao chất lượng giáo dục vùng đặc biệt khó khăn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và mục tiêu xây dựng nông thôn mới của huyện.
Việc đổi mới chương trình, SGK GDPT được triển khai thực hiện đúng lộ trình, tương đối đồng bộ các môn. Quá trình triển khai thực hiện nghiêm túc, đảm bảo theo hướng dẫn chuyên môn của Sở GD&ĐT Lai Châu.
Nhìn chung, công tác quản lý nhà nước về giáo dục được tăng cường và có chuyển biến tích cực theo hướng tăng cường phân cấp quản lý giáo dục, nâng cao năng lực quản trị, điều hành; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm của các cơ sở giáo dục; đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục tiếp tục được chuẩn hóa. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, phù hợp nhu cầu sử dụng, cơ bản đáp ứng yêu cầu của chương trình GDPT mới.
Trong điều kiện còn nhiều khó khăn về đội ngũ, song việc lựa chọn, bố trí, phân công đội ngũ giáo viên đảm bảo để tổ chức dạy đủ các môn học của chương trình GDPT mới. Đội ngũ nhà giáo cơ bản nắm được yêu cầu của chương trình, sử dụng khá linh hoạt và hiệu quả SGK mới.
Đa số giáo viên tích cực thay đổi cách dạy theo mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất học sinh, dần khắc phục lối dạy học và kiểm tra, đánh giá một chiều. Vì vậy quá trình học tập đã từng bước phát huy năng lực học tập cá nhân.
Đa số học sinh học chương trình mới đã tự tin, mạnh dạn chia sẻ, hợp tác với bạn bè, thầy cô trong quá trình học tập và sinh hoạt. Kết quả học tập của học sinh học chương trình, SGK mới cơ bản đáp ứng mục tiêu chương trình lớp học. Học sinh không chỉ ghi nhớ mà còn hiểu và vận dụng vào thực tiễn do được tham gia tìm hiểu, thực hành và khám phá, vận dụng kiến thức.
Bên cạnh các kết quả đạt được, việc triển khai Chương trình GDPT 2018 tại Than Uyên còn có khó khăn về đội ngũ khi chưa đáp ứng đủ số lượng và cơ cấu bộ môn theo yêu cầu của chương trình. Một số giáo viên triển khai dạy chương trình mới đôi khi chưa thật sự linh hoạt. Một số học sinh vùng đặc biệt khó khăn chưa hình thành được một số năng lực như: tự chủ, tự học, sáng tạo và giải quyết vấn đề. Việc tham gia đánh giá học sinh của phụ huynh và cộng đồng chưa nhiều. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chưa đáp ứng đủ yêu cầu thực tế khi triển khai chương trình.
Thời gian tới, ông Đoàn Văn Đạt cho biết, ngành Giáo dục huyện Than Uyên sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình giáo dục. Tiếp tục triển khai các chuyên đề nâng cao chất lượng giáo dục theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Đổi mới hoạt động công khai chất lượng giáo dục để quản lý chặt chẽ chất lượng, trên cơ sở đó có giải pháp điều chỉnh phù hợp, kịp thời.
Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, nâng cao tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn trình độ. Khuyến khích giáo viên dạy môn tổ hợp tự học bồi dưỡng để đủ điều kiện và năng lực dạy học môn học. Địa phương cũng tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để đáp ứng tốt hơn các điều kiện triển khai chương trình mới. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT và triển khai chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả quản lý và dạy - học.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.