Lớp học khiêu vũ đặc biệt của Huấn luyện viên chỉ nhận mình là người "bật công tắc"

Thanh Bình - Khánh Linh - Minh Phương Thứ sáu, ngày 03/01/2025 08:00 AM (GMT+7)
Đồng hành với người khiếm thị như một chữ duyên, thầy Tô Văn Hoà không ngừng nỗ lực truyền ngọn lửa đam mê mãnh liệt với bộ môn khiêu vũ và tinh thần thể thao cháy bỏng tới các bạn học viên "đặc biệt".
Bình luận 0

Huấn luyện viên Tô Văn Hòa, sinh năm 1984, là người đã có hơn 10 năm kinh nghiệm thi đấu trong nước và quốc tế.

Buổi phỏng vấn với huấn luyện viên khiêu vũ Tô Văn Hoà vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới như một cuộc trải lòng nhìn lại năm 2024. 

Cuộc trò chuyện ngắn gọn nhưng cũng đủ để nhóm phóng viên cảm nhận sự tận tâm, tận hiến của thầy Hoà dành cho bộ môn khiêu vũ thể thao và cộng đồng những hội viên “phiêu” theo âm nhạc một cách rất riêng.

Xin chào thầy Tô Văn Hòa. Thầy có thể chia sẻ về hành trình gắn bó với bộ môn khiêu vũ thể thao?

Tính đến nay, tôi đã gắn bó với bộ môn khiêu vũ thể thao hơn 20 năm, mục đích ban đầu chỉ là để cải thiện sức khỏe. Qua thời gian luyện tập đủ lâu, đủ dài, tôi phát hiện rằng bộ môn này khá phong phú, tổng hợp nhiều môn ở trong đó. Bằng một điều kỳ diệu nào đó, khiêu vũ thể thao đã cuốn hút tôi tiếp tục học và nuôi dưỡng niềm đam mê tới tận bây giờ, trở thành một giáo viên dạy khiêu vũ thể thao.

Cơ duyên nào khiến thầy bén duyên với việc mở các lớp học khiêu vũ thể thao miễn phí cho người khiếm thị?

Điều thôi thúc tôi mở lớp học dành cho người khiếm thị về bộ môn khiêu vũ này bắt nguồn từ viện Rich với 1 dự án hỗ trợ học nghề, thể chất và thể thao. Sau khi kết thúc khóa học, do nhu cầu của các bạn học viên tăng cao, muốn được tìm hiểu sâu thêm về bộ môn này nên tôi đã quyết định ở lại và dạy hoàn toàn miễn phí cho các bạn từ đó tới nay. 

Động lực lớn nhất là tôi cảm thấy các bạn hội viên khiếm thị có nhu cầu, mong muốn, khao khát được tập luyện như người bình thường. Tôi sẵn sàng dành một giờ rảnh trong ngày để hỗ trợ cho các bạn.

Tính tới nay, Câu lạc bộ (CLB) khiêu vũ người khiếm thị Hà Nội (Solar Dance Club) đã hoạt động được gần 6 năm, và một điều tôi có thể tự hào nói rằng hội viên ngày một tăng, không có giảm đi. Trên địa bàn thành phố Hà Nội, chúng tôi đã có từ 6 đến 8 lớp khiêu vũ thể thao dành cho người khiếm thị, với số lượng tham gia của mỗi lớp trên dưới 10 người. Hiện tại, tôi đang tiếp tục hành trình lan tỏa rộng khắp các tỉnh miền Bắc và xa hơn là các tỉnh, thành trong cả nước.

Lớp học khiêu vũ thể thao cho người khiếm thị có những điểm khác biệt như thế nào, thưa thầy Tô Văn Hòa?

Khác biệt ở mọi mặt. Khác biệt đầu tiên là không giống các lớp giảng dạy của tôi, nơi mà giáo viên thường đứng đầu để làm mẫu. Giáo trình thường ngày sẽ không còn phù hợp với hội viên khiếm thị mà chúng tôi phải đưa giáo trình riêng biệt để dạy cho các bạn. Chúng tôi sẽ phải nói nhiều hơn là làm, và kết hợp dạy bằng hành động cùng với lời nói.

Tôi dạy các bạn thì tôi “được” va vấp nhiều hơn, từ đó có rất nhiều kỷ niệm. Buổi nào cũng có những việc như tôi bị giẫm vào chân hay bị đánh vào người. Đặc biệt, đến với các bạn hội viên khiếm thị, tôi phải chào trước, như một cách đánh tiếng tới các bạn là có giảng viên tới.

Là một giảng viên đứng lớp, thầy làm thế nào để tạo ra một môi trường học tập tích cực, giúp học viên khiếm thị vượt qua nỗi mặc cảm và tự ti để hoàn thành những điệu nhảy khó?

Tôi vẫn luôn nói với các bạn là không có khuyết tật, không có khiếm thị, chỉ có duy nhất tinh thần thể thao. Nhờ đó giúp các bạn kết nối gần hơn với xã hội bên ngoài, tương tác của các bạn trong buổi tập sẽ có nhiều năng lượng tích cực hơn.

Ngoài tinh thần thể thao, tôi sẽ hướng dẫn các bạn theo phương châm "lạt mềm buộc chặt". Tức là tôi không thể ép các bạn tập theo kiểu của một vận động viên chuyên nghiệp nhưng tôi đưa ra quy trình mà các bạn sẽ được tập như các vận động viên chuyên nghiệp. Muốn vậy, tôi sẽ phải tìm ra sợi dây tương tác để các bạn học viên mong muốn được chia sẻ, nói chuyện với giảng viên. Chỉ khi họ tìm thấy niềm yêu thích, bản thân giảng viên đưa các động tác mới, họ sẽ tự tin thực hiện được và có niềm phấn khích riêng.

Do đó, lúc nào tôi cũng phải thay đổi không khí, tôi luôn đặt địa vị của tôi là chính họ. Tôi là người khiếm thị để hòa cùng với các bạn, từ những câu nói vui đùa thoải mái và sự kết hợp giữa năng lượng tích cực để xoá nhoà suy nghĩ họ là người khiếm thị nên có những khó khăn riêng mà họ được tập như những vận động viên bình thường trên thế giới.

HLV khiêu vũ Tô Văn Hoà: “Tôi chỉ là người bật công tắc, tiếp thêm ánh sáng cho người khiếm thị” - Ảnh 1.

Huấn luyện viên Tô Văn Hoà nỗ lực cố gắng đưa các học viên khiếm thị đến với đấu trường quốc tế. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Với chủ đề “Bước nhảy xoá mọi khoảng cách”, mới đây, câu lạc bộ đã tham gia Hội thi các câu lạc bộ khiêu vũ thể thao người khiếm thị toàn quốc năm 2024. Thầy có thể chia sẻ thêm về những trải nghiệm đặc biệt từ giải thi đấu này?

Việc tổ chức các giải thi đấu như một ước mơ để dần chạm tới Paralympic (Đại hội thể thao dành cho người khuyết tật). So với những giải mà tôi đã từng tham gia hỗ trợ, việc tổ chức giải lần này khá phức tạp, nhưng cuối cùng cũng đã thành công. Ủy ban Paralympic Việt Nam đã kết hợp với Hội Người Mù Việt Nam và Liên đoàn Thể Dục Thể Thao Việt Nam phối kết hợp để tổ chức giải khiêu vũ thể thao cho người khiếm thị nói riêng và người khuyết tật chung.

Khi được thi đấu, cảm xúc của các bạn như vỡ oà. Bởi các bạn học viên không nghĩ rằng mình lại được nhảy trên một sân chơi lớn như vậy và họ lại càng không thể tin một ngày có thể chạm được đến huy chương quốc gia danh giá so với người khiếm thị nói riêng và người khuyết tật nói chung.

Nhiều người nói thầy đã mang ánh sáng đến với nhiều người khiếm thị, thầy nghĩ sao?

Tôi cảm thấy tự hào vì hành trình khổ luyện cũng thấy được sự tiến bộ ở từng học viên. Không chỉ là cách họ phiêu theo từng điệu nhảy, tiết tấu nhạc mà ngay trong cuộc sống thường ngày, họ tự tin hơn. Đồng thời, họ coi khiêu vũ như một phần trong cuộc sống, thu xếp thời gian tích cực tham gia tập luyện và đoàn kết xây dựng nhóm câu lạc bộ Solar.

Với người khiếm thị, tôi không phải là người mang lại cho họ ánh sáng mà chỉ là người bật công tắc để họ có thể cảm nhận ánh sáng từ âm nhạc, cơ thể, và tôi có cơ hội mở cánh cửa để họ bước tiếp.

HLV khiêu vũ Tô Văn Hoà: “Tôi chỉ là người bật công tắc, tiếp thêm ánh sáng cho người khiếm thị” - Ảnh 2.

Những học viên thể hiện kỹ thuật điêu luyện cùng thần thái tự tin toả sáng. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Thầy đánh giá như thế nào về sự thay đổi trong cách nhìn nhận của xã hội đối với người khiếm thị kể từ khi câu lạc bộ được thành lập?

Mọi người đã thay đổi cách nhìn nhận rất nhiều, đặc biệt là đội ngũ báo chí và phương tiện truyền thông. Trước đây, nếu như các bài viết chỉ mô tả người khiếm thị trong môi trường cố định như đọc sách, làm tẩm quất, làm tăm tre, công việc ngồi một chỗ. Nhưng giờ đây, họ tham gia nhảy khiêu vũ, mọi người sẽ ngạc nhiên. Giống như khi họ nhảy một bài nhảy, họ sẽ không còn cảm giác là người khiếm thị nữa. Đó cũng là rào cản lớn nhất đã được xóa bỏ hoàn toàn.

Điều mong muốn nhất của thầy đối với công việc vô cùng ý nghĩa này là gì?

Đối với các lớp đang tổ chức học khiêu vũ, tôi mong cộng đồng hãy giúp đỡ những người khiếm thị để việc đi lại của họ hiệu quả hơn, giúp các bạn có tinh thần tập luyện tốt hơn. Ví dụ như hỗ trợ kinh phí đi lại cho các bạn trong những ngày thời tiết thay đổi, như gió bão, mưa lớn...

Nhân đây, tôi cũng muốn nhắn nhủ các bạn khiếm thị hãy tích cực, chăm chỉ nhiều hơn nữa để lan tỏa tinh thần của mình đến với nhiều bạn khiếm thị khác nhằm giúp đỡ họ trở thành một người chơi thể thao, hỗ trợ cải thiện cuộc sống, sức khỏe, cách nhìn nhận cũng như cảm nhận với xã hội bên ngoài.

Chúng tôi sẽ luôn cố gắng. Chúng tôi không từ bỏ, và quyết tâm chiến đấu, tập luyện đến cùng.

HLV khiêu vũ Tô Văn Hoà: “Tôi chỉ là người bật công tắc, tiếp thêm ánh sáng cho người khiếm thị” - Ảnh 3.

Những học viên tự tin bước lên sàn diễn trong các giải đấu cấp quốc gia. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Trân trọng cảm ơn thầy đã nhận lời tham gia phỏng vấn!

Nói về những khó khăn khi tập luyện, học viên Nguyễn An Như (20 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Bình thường mọi người có thể nhìn thấy bước chân của thầy giáo nhưng với chúng mình thì điều đó là không thể. Do vậy, chúng mình phải vận dụng các giác quan khác như là tay cảm nhận cơ thể của thầy để bắt chước một cách chuẩn xác nhất hay thính giác để lắng nghe giai điệu nhạc”.

Đồng hành cùng CLB Solar từ những ngày đầu, chị Đỗ Thị Thắng (42 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã cảm nhận rõ sự đổi thay: “Những người khiếm thị như chúng mình rất khó trong việc vận động, khi tham gia khiêu vũ thể thao mình đi ra ngoài xã hội cảm thấy tự tin hơn rất nhiều, dáng người, hoạt động đi lại thường ngày cũng trở nên linh hoạt hơn.

Miêu tả về người thầy đặc biệt của mình, anh Vũ Thuỷ (44 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) nhấn mạnh: “Thầy Hoà là một người vô cùng tâm huyết, nhiệt tình, thầy dạy với mức 0 đồng và dành thời gian ở lại với chúng tôi tới tận bây giờ. Nhìn cách thầy chỉ dạy, chúng tôi có thêm động lực học thêm thật nhiều, thật sâu về bộ môn khiêu vũ thể thao”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem