Bài học lớn từ việc trưởng thôn Kho Vàng đưa 115 người dân lên núi lánh nạn
Bài học lớn từ việc trưởng thôn Kho Vàng đưa 115 người dân lên núi lánh nạn
Định Nguyễn - Tạ Nguyệt - Ma Yến
Thứ bảy, ngày 14/09/2024 07:15 AM (GMT+7)
Việc 115 người dân thuộc thôn Kho Vàng (xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, Lào Cai) chủ động sơ tán đế tránh lũ quét, sạt lở cho thấy tầm quan trọng của việc đào tạo cán bộ về cứu trợ thiên tai ngay từ cấp cơ sở.
Mới đây, UBND xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, Lào Cai tìm thấy 115 người dân thuộc thôn Kho Vàng sơ tán lên núi tránh lũ quét, sạt lở. Thông tin được lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng, trở thành niềm vui của toàn bộ người dân Việt Nam sau nhiều ngày nhận liên tiếp các tin buồn về tình hình bão lũ.
Chia sẻ với truyền thông, anh Vàng Seo Chứ (33 tuổi), Trưởng thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà (Lào Cai) cho biết: Vào ngày 9/9, anh đã huy động nhóm thanh niên trong thôn đi kiểm tra quanh quả đồi gần bản. Sau khi phát hiện vết nứt rộng chừng 20cm, dài khoảng 30m, anh đã cùng nhóm người lên đồi tìm một vị trí cao, bằng phẳng để lên phương án di tản người dân.
Trao đổi với PV Dân Việt trong buổi tọa đàm trực tuyến "Cứu trợ thiên tai – Sao cho hiệu quả" do Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt tổ chức chiều 13/9, ông Nguyễn Trung Thành, Phó Trưởng phòng Chính sách Bảo trợ xã hội, Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐTBXH) chia sẻ: "Tôi cảm thấy nhẹ lòng khi đọc thông tin người trưởng thôn đưa dân lên khu vực cao hơn, ứng phó nhanh trước những diễn biến bất ngờ của bão lũ. Trước một cơn bão lớn, hậu quả nặng nề và quá bất ngờ với người dân như bão số 3, dù chúng ta đã thiết lập một hệ thống để ứng phó, sự gấp gáp của nó vẫn gây ra nhiều thiệt hại. Quyết định chính xác của một lãnh đạo cấp cơ sở đã đem lại kết quả tốt đẹp".
Ông Nguyễn Trung Thành cũng nói thêm, cơn bão số 3 đã đi qua, tuy nhiên những cơn bão tiếp theo trong năm hoặc xảy ra ở các năm tới vẫn có thể mang lại kết quả nặng nề, cần tổ chức bộ máy ứng phó một cách khoa học, kịp thời hơn để ứng phó với tình trạng như vậy. "Tình trạng người dân kêu cứu ở nhiều nơi trong những ngày qua cho thấy cần xây dựng một hệ thống cứu trợ hoàn thiện hợn, từ địa phương, cơ sở, có sự giúp sức của nhân dân và các đoàn thể".
Theo ông Thành, bộ máy thiết lập nhằm cứu trợ thiên tai từ cơ sở, tại chỗ cần được trang bị những kỹ năng kiến thức cơ bản. "Các địa phương đã thành lập các đội ứng phó, nhưng cần nâng cấp lên không chỉ về con người mà cả về trang thiết bị, sẵn sàng khi có trường hợp khẩn cấp xảy ra.
Thời gian qua, Bộ LĐTBXH đã tổ chức nhiều đoàn công tác về địa phương, tăng cường đội ngũ về con người, cơ sở vật chất, tuy nhiên rất cần sớm phải hoàn thiện, bên cạnh đó cần điều phối sự hỗ trợ, trang bị kiến thức cứu trợ cho những dân muốn làm việc tốt mang tính chất tự nguyện" - ông Thành chia sẻ.
Trong khi đó, GS.TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung Tâm Dư luận xã hội (Viện Xã hội học Việt Nam) khẳng định quyết định cả bản sơ tán lên rừng đã thay đổi con số thống kê về người mất tích. "Đó là bài học của việc cứu trợ tại chỗ, khi chúng ta được tổ chức, được đào tạo chính các địa phương, sự thiệt hại sẽ giảm đi một cách cao nhất. Các nhóm hộ dân tự nắm thông tin nên cần hơn hết nỗ lực cao nhất, quyết tâm cao nhất của cả hệ thống chính trị mới giúp khắc phục căn bản, căn cơ, qua đó đánh giá tình hình địa bàn một cách chính xác.
Ông Bình cũng đánh giá việc cứu trợ đang thiếu đi bàn tay tổ chức, cần phải có bộ máy phản ứng nhanh, quy chuẩn rất cụ thể, rõ ràng. "Khi sự việc xảy ra quá nhanh, rõ ràng cơ sở nên quyết định với thái độ chuyên nghiệp như trưởng thôn Kho Vàng. Điều này nằm trong ý chí, nhận thức, chúng tôi mong những người lãnh đạo luôn có tinh thần cảnh giác mang tính chất thường trực, thường xuyên, sẵn sàng cao độ, bên cạnh đó việc xây dựng đội ngũ vô cùng quan trọng".
Trao đổi với Dân Việt, lãnh đạo xã Cốc Lầu (Bắc Hà, Lào Cai) cho biết, việc 17 hộ dân ở thôn Kho Vàng sơ tán lên núi tránh lũ quét, sạt lở là do chính quyền địa phương đã lên kế hoạch, tuyên truyền, vận động từ trước nhưng do mất điện, mất sóng viễn thông nên không thể cập nhật tình hình kịp thời. Đến thời điểm hiện tại, thôn Kho Vàng vẫn mất điện và mất sóng điện thoại nhưng an toàn về con người. Do lực lượng của xã hạn chế trong khi lực lượng lao động trong thôn có nhiều nên xã đã liên hệ để trưởng thôn huy động lực lượng đến địa điểm tập kết, vận chuyển lương thực về cho bà con trong thôn; động viên bà con hỗ trợ lẫn nhau. Về điện lưới, dự kiến sẽ mất nhiều thời gian để khôi phục do các cột điện bị gãy, đổ hết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.