Nước lũ rút, Yên Bái ngổn ngang "chiến trường" bùn đất, nguy cơ sạt lở khắp nơi
Nước lũ rút, Yên Bái ngổn ngang "chiến trường" bùn đất, nguy cơ sạt lở khắp nơi
Hoàng Hữu
Thứ sáu, ngày 13/09/2024 13:31 PM (GMT+7)
Sau khi nước rút, trời nắng lên, người dân TP Yên Bái bắt đầu đối mặt với cơ man là bùn đất và rác thải từ trong nhà đến ngoài đường. Bên cạnh đó, trên địa bàn thành phố còn xuất hiện hàng nghìn điểm nguy cơ sạt lở cao ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng người dân.
Giờ đây, toàn thành phố Yên Bái ngổn ngang rác thải, rác sinh hoạt, đồ dùng của hàng nghìn hộ dân bị nước lũ làm hỏng, tràn lan từ trong nhà ra ngoài đường. Tất cả được phủ lên bởi bùn đất càng như thách thức với mỗi người đang phải gánh chịu sự nghiệt ngã của thiên tai.
2 ngày nay, trời thành phố Yên Bái đã có nắng, cùng với nỗi lo phải dọn dẹp một khối lượng bùn rác khổng lồ thì nguy cơ cao sạt lở đất vẫn luôn rình rập
Đã hơn 3 ngày đi tránh lũ, phải ở nhờ nhà người bạn, chị Lê Thị Nhung (tại phường Yên Ninh, TP Yên Bái) vẫn chưa dám về nhà để ở. Trong đêm 9/9, nước lũ dâng cao cùng với nguy cơ sạt lở đất, chị Nhung và gia đình đã phải di chuyển đến nơi an toàn. Đến nay, nước đã rút nhưng nguy cơ đất đồi sạt lở, vùi lấp nhà vẫn còn nên chị không dám về ở.
"Sợ lắm, hàng ngày tôi chỉ dám về kiểm tra xung quanh nhà khoảng 15 – 20 phút, xem tình hình như thế nào. Mỗi lần về tôi thấy đất sau nhà lại sạt xuống thêm một chút. Đất từ trên đồi đã sạt xuống khoảng gần 10m sân sau, tiến sát vào tường nhà tôi rồi. Về lâu dài, gia đình tôi phải tìm thuê nhà để trọ, ở tạm thời chứ không dám về ở nữa" - chị Nhung nói.
Cũng như nhà chị Nhung, gia đình anh Đỗ Hoài Nam trú tại tổ 1, phường Minh Tân, TP Yên Bái đã phải di chuyển đến ở nhà người thân ngay trong đêm 9/9. Đến nay, anh chị cùng các con vẫn chưa dám về nhà vì nguy cơ sạt lở cao. Anh Nam cho biết, ngay trong đêm 9/9, đất đá đã sạt trôi vào nhà từ phía sau, hiện nay quả đồi sau nhà vẫn có hiện tượng tiếp tục sạt xuống, rất khó khăn trong việc xử lý sau này vì quả đồi lại là đất của hộ gia đình khác.
Anh Nam cho biết: "Hiện nay trời nắng thì sau đó sẽ tạo ra các vết nứt trên thân đồi, sau đó từ các vết nứt này nếu tiếp tục gặp nước mưa thì nguy cơ sạt lở càng cao. Sau khi ổn định, gia đình tôi cùng với hàng xóm sẽ bàn cách xử lý với vết nứt, thậm chí cả quả đồi để ổn định cuộc sống lâu dài".
Ghi nhận tại thành phố Yên Bái, trên tất cả các xã, phường từ Minh Bảo, Bảo Hưng… đến các phường Minh Tân, Yên Ninh, Nguyễn Phúc… của thành phố đều có nhiều điểm nguy cơ sạt lở cao, nhiều quả đồi đã "no" nước, do đó nguy cơ đất đá tiếp tục sạt xuống, ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân rất cao.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Ngọc Trúc, Chủ tịch UBND thành phố Yên Bái cho biết, chưa có thống kê cụ thể, nhưng ghi nhận thực tế và qua công tác kiểm tra, nắm tình hình có thể thấy trên địa bàn thành phố hiện có hàng nghìn điểm nguy cơ sạt lở, và tiếp tục sạt lở cao.
"Hiện nay, trên địa bàn thành phố có nhiều điểm tiếp tục sạt lở và có nguy cơ sạt lở mới. Với những địa điểm này, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền cho người dân cần nhanh chóng di dời đến nới an toàn. Với những hộ không di dời chúng tôi buộc áp dụng biện pháp cưỡng chế". Chủ tịch UBND thành phố Yên Bái nhấn mạnh.
Theo tổng hợp của Ban chỉ huy PCTT – TKCN tỉnh Yên Bái, đến hết ngày 12/9, trên địa bàn toàn tỉnh Yên Bái đã có 47 người chết do sạt lở đất (thành phố Yên Bái 20 người; Trấn Yên 3 người; Lục Yên 13 người; Văn Chấn 2 người; Văn Yên 9 người).
Có hàng chục điểm sạt trượt trên các quốc lộ 32, 37, 32C, 70; Đường tỉnh sạt lở taluy dương với khối lượng khoảng 186.305 m3; sạt lở taluy âm với khối lượng 395m3 với 21 vị trí gây chia cắt. Nhiều công trình y tế, giáo dục, công trình an sinh - xã hội bị đất sạt lở gây hư hỏng, thiệt hại.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.