Bài học “lòng dân”

Hải Phong Thứ bảy, ngày 25/04/2015 06:54 AM (GMT+7)
Chỉ vì mong muốn cho con trẻ có một chỗ học ổn định, thuận tiện, 9 người dân ở Hương Khê (Hà Tĩnh) đã phải lĩnh án, trong đó người nặng nhất là 30 tháng tù giam. Những người này ắt hẳn đã có được một bài học đắt giá. Nhưng, chính quyền cơ sở cũng cần phải thấm thía bài học “lòng dân”.
Bình luận 0

Những người này ắt hẳn đã có được một bài học đắt giá. Nhưng, chính quyền cơ sở cũng cần phải thấm thía bài học “lòng dân”. Vụ việc “600 trẻ em có nguy cơ thất học” xuất phát từ chủ trương sáp nhập trường THCS Hương Bình (Hương Khê, Hà Tĩnh) vào 2 trường Hòa Hải và Phúc Đồng trong năm học 2014 – 2015 đã làm nóng dư luận (trong đó có báo NTNN) trong suốt một thời gian dài vào giữa năm 2014. Sự việc nóng tới mức nhiều Đại biểu Quốc hội đã phải lên tiếng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phải trực tiếp làm việc với chính quyền tỉnh Hà Tĩnh để tìm biện pháp tháo gỡ. Đáng chú ý nhất có lẽ là phát biểu của ông Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội – khi ông nêu quan điểm: “Bao giờ lãnh đạo địa phương và người dân tìm được tiếng nói chung phù hợp thì lúc đó mới nên thực hiện chủ trương sáp nhập trường”.Bởi nếu không có sự đồng thuận của dân, không được lòng dân ủng hộ thì chủ trương dù đúng đắn đến mấy cũng khó lòng triển khai thành công.

img
Các bị cáo trong vụ gây rối trật tự công cộng liên quan đến vụ sáp nhập trường THCS Hương Bình tại tòa
 img

Đông đảo người dân theo dõi phiên tòa
Có thể, chủ trương sáp nhập trường học của UBND tỉnh Hà Tĩnh nói chung và UBND huyện Hương Khê là cần thiết, nhưng cách làm thì quá vội vàng. Điều này được thể hiện rõ qua phát ngôn của ông Trưởng phòng GD-ĐT huyện Hương Khê với PV NTNN: “Việc sáp nhập, giải thể trường thuộc thẩm quyền của UBND huyện, trong quy trình không có khâu lấy ý kiến nhân dân mà chỉ thông qua lãnh đạo và chính quyền” (?).

Một chủ trương ảnh hưởng trực tiếp tới cả trăm học sinh, kéo theo đó là hàng trăm gia đình, nhưng lại không hề lấy ý kiến đóng góp của dân là áp đặt và vội vàng. Đúng như ông Đào Trọng Thi nêu câu hỏi: “Tại sao một chủ trương đúng, đem lại lợi ích cho nhân dân mà lại không được nhân dân ủng hộ?”.

Và hậu quả nhãn tiền của việc triển khai chủ trương nhưng lại phớt lờ ý kiến của dân chính là sự phản ứng, chống đối dưới nhiều hình thức. Phản ứng từ mức không cho con em mình tới trường đến mức tụ tập đông người, gây mất trật tự công cộng để rồi 9 người phải lĩnh án tù, quả là một cái kết đau xót. Nhưng xót cho những người dân vì thiếu hiểu biết luật pháp dẫn tới hành vi thái quá, vi phạm pháp luật 1 thì đau xót cho sự thờ ơ, bàng quan trước tiếng nói người dân của chính quyền huyện Hương Khê tới 10.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong không ít phiên họp của Chính phủ bàn về tình hình kinh tế - xã hội, vẫn nhắc đi nhắc lại quan điểm: Các quyết định, chính sách của bộ, ngành, địa phương khi ban hành ra có xu hướng tác động lớn tới đời sống của người dân, doanh nghiệp thì phải lấy ý kiến của đối tượng bị tác động. Chắc hẳn hơn ai hết, Thủ tướng rất thấu hiểu câu nói: “Ý Đảng lòng dân”! Nhưng để quan điểm đó thẩm thấu tới từng bộ, ngành, địa phương, ăn sâu vào nếp nghĩ, nếp làm của các vị cho ra những quyết sách, chủ trương cụ thể lại cả một chặng đường dài về nhận thức.

Thế nên, bài học “lòng dân” dù cũ nhưng lúc nào cũng đầy tính thời sự, vì không phải vị cán bộ nào cũng thuộc bài!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem