Bài học quý nhất trong xây dựng nông thôn mới ở Đồng Nai: Lòng dân
Bài học quý nhất trong xây dựng nông thôn mới ở Đồng Nai: Lòng dân
Thăng Bình
Thứ bảy, ngày 08/05/2021 11:49 AM (GMT+7)
Bài học quý giá nhất của Đồng Nai trong xây dựng nông thôn mới (NTM) là phát huy tối đa vai trò chủ thể của người dân với phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng".
Triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, tỉnh Đồng Nai tiếp tục bám sát mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, xem đây là kim chỉ nam của chương trình trong giai đoạn mới.
Xây dựng nông thôn mới tại Đồng Nai tạo cơ hội đổi đời cho nhiều nông dân nghèo
NTM đã mang lại sức sống mới cho những vùng quê của Đồng Nai, tạo môi trường thuận lợi cho người dân, trong đó có nhiều nông dân nghèo, cận nghèo vươn lên khá giả, làm giàu.
Bà Thạch Thị Khuynh - người dân ở ấp Bình Tiến, xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc) kể: "Xưa vùng này chỉ toàn đường đất nhỏ, mùa mưa đi lại phải xắn quần lên đầu gối vì đường đất sình lầy.
Mảnh vườn của gia đình tôi trồng rau, trồng mía, mỗi sáng thu hoạch tôi chất rau, trái lên chiếc xe đạp cũ chở ra đường lộ lớn tận ngoài xã Suối Cát ngồi bán nhưng cũng chỉ đủ tiền sinh hoạt hàng ngày, cuộc sống khó khăn lắm. Giờ đường sá được đầu tư khang trang, xe tải vào được tận vườn nên gia đình tôi mạnh dạn chuyển đổi vườn tạp sang cây ăn trái như dâu, bưởi, quýt... với sản lượng lớn".
"Phát huy tốt vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM kiểu mẫu có ý nghĩa quyết định. Phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" là kim chỉ nam của địa phương trong quá trình xây dựng NTM kiểu mẫu bền vững".
Ông Đặng Ngọc Đức - Bí thư Đảng ủy,
Chủ tịch UBND xã Bảo Hòa
Vườn cây đẹp nên nhiều người xin vào vườn của bà Khuynh chụp hình rồi được nhiều người biết tiếng. 3 năm nay, nhà vườn của gia đình bà Khuynh mở cửa đón khách du lịch, cây trái trong vườn chủ yếu bán cho du khách đến thưởng thức mua về làm quà.
Cùng diện tích đất này nhưng khi đầu tư khai thác du lịch, thu nhập của gia đình bà tăng lên gấp đôi, gấp ba so với bán nông sản cho thương lái.
Ông Phan Văn Thìn - nông dân xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu) chia sẻ, trước đây, xã Mã Đà là địa phương có nhiều hộ nghèo nhất huyện. Người dân ở đây chỉ trồng cây hàng năm, làm vườn tạp nên thu nhập rất thấp. Bản thân ông Thìn sinh sống bằng nghề cá, tích lũy được ít vốn mới mua được 1ha đất làm vườn.
Lúc đầu, gia đình ông chủ yếu trồng các loại cây hàng năm cho thu nhập không đáng kể. Cùng với phong trào chuyển đổi sản xuất xây dựng NTM, gia đình ông Thìn được hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng để mạnh dạn chuyển đổi sang đầu tư trồng xoài kết hợp với nuôi ba ba. Thu nhập của gia đình ông từ đấy trở nên ổn định hơn trước.
Trước khi bắt tay vào xây dựng NTM, xã Xuân Bắc, huyện Xuân Lộc là xã vùng sâu, nghèo khó. Trong đó, vùng đồi Sabi chỉ có vài hộ dân đến khai hoang, cả sinh hoạt và sản xuất đều rất gian nan vì cơ sở hạ tầng hầu như là con số 0, thiếu điện, thiếu đường...
Người dân chủ yếu trồng điều, khoai mì (sắn) với năng suất thấp do thiếu nguồn nước tưới. Nay những tuyến đường nhựa khang trang nối dài vào tận ngõ nhà, điện được kéo về tận nơi sản xuất. Vùng đất đồi từng bị bỏ hoang khi xưa được phủ xanh bởi cây ăn trái như: Quýt, bưởi, xoài...
Ông Lại Hồng Chí - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp cây ăn trái đồi Sabi chia sẻ, nhờ sự đầu tư mạnh về hạ tầng trong xây dựng NTM, vùng quê khó khăn nhất của tỉnh đang thay đổi từng ngày.
HTX được thành lập nhằm liên kết với nông dân cùng chuyển đổi sang các mô hình trồng cây ăn trái an toàn, sản phẩm được bao tiêu với đầu ra ổn định. Nhờ đó, danh sách những triệu phú, tỷ phú nông dân sản xuất giỏi không ngừng được nối dài.
Chất lượng sống nâng lên
Cùng với phong trào xây dựng NTM, nhiều vùng quê trên địa bàn tỉnh đã thật sự "thay da đổi thịt", được đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng từ hệ thống điện, đường, trường, trạm...
Trình độ dân trí ngày càng tăng, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn cũng được hỗ trợ kịp thời; người dân được hướng dẫn, tập huấn về khoa học, kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp để chuyển đổi sang những mô hình sản xuất cho thu nhập cao hơn... Đặc biệt, đời sống tinh thần của người dân được nâng lên.
Xã Bảo Hòa (huyện Xuân Lộc) là địa phương đạt thành tích ấn tượng trong xây dựng NTM kiểu mẫu. Cuối năm 2018, Bảo Hòa được công nhận đạt chuẩn xã NTM nâng cao và sau hơn 1 năm phấn đấu, địa phương này đã về đích NTM kiểu mẫu vào năm 2020. Thành tích nổi bật của địa phương là chuyển đổi cơ cấu sản xuất để phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững.
Xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu) cũng là lá cờ đầu trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Nổi bật ở Phủ Lý là sự đầu tư về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, là địa phương đạt giải cao nhất hội thi Tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp cấp tỉnh năm 2020. Người dân Phú Lý đang chung tay xây dựng nếp làng văn minh, bộ mặt nông thôn sạch, đẹp từ nhà ra ngõ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.