Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 đang bước vào giai đoạn hoàn thiện khâu chấm thi ở từng hội đồng thi các tỉnh. Ngày 26/7 tới đây, Bộ GD-ĐT chính thức công bố điểm thi.
Kỳ thi năm nay được đánh giá cơ bản đạt được mục tiêu kép, vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh, vừa nghiêm túc, khách quan, công bằng. Tuy nhiên, đề thi Ngữ văn gây chú ý hơn cả với Câu thứ 2- phần Làm văn về phân tích đoạn thơ trong bài "Sóng" của Xuân Quỳnh. Nhiều bài làm của thí sinh khiến mọi người cười ngả nghiêng vì viết "Ông" Xuân Quỳnh, thích Xuân Hinh lẫn... Xuân Bắc.
Mới đây, một bài văn được cho là của của thủ khoa khối D14 toàn quốc năm 2020 đã gây bão mạng xã hội khi phân tích đoạn thơ của Xuân Quỳnh trong đề thi.
Mở đầu bài phân tích như sau: "Nền tảng là một khái niệm đồng thời mang tính vật chất lẫn phi vật chất. Nó tồn tại hiển nhiên trong mọi dạng thức có mặt trong cuộc sống, lắp đặt nên các công trình và nằm ẩn yên bên trong miền hồn thăm thẳm của mỗi cá nhân.
Ở mọi cấu trúc tầm cỡ, nền tảng được tạo lập cho sự vững chãi, định hình bản thể của sự vĩ mô và ở đó, trong hình hài của các khối kiến trúc, con người được diện kiến vẻ đẹp tư duy ký thác bên trong sự hữu tồn của viên gạch, nền đất, lớp kính và bản vẽ...".
Bài văn dài 11 trang giấy được cho là của thủ khoa khối A14. Ảnh: FB
Phần phân tích được chấm sẽ đạt 3.5/5 điểm
Tuy nhiên, ngay sau khi bài làm được chia sẻ, nhiều người bày tỏ hoang mang vì đọc không thể hiểu được nội dung với cách viết quá hàn lâm, tư duy trừu tượng.
Chia sẻ với PV báo Dân Việt về bài làm này, cô giáo dạy Văn nổi tiếng trên mạng Tik Tok Lê Trần Diệu Thu cho biết: "Đây là bài văn dưới góc nhìn của một sinh viên chứ không phải học sinh. Bài văn có sự nhìn nhận kết hợp giữa nhiều yếu tố lý luận, triết học, vốn từ rộng, đặc biệt chiều sâu trong cảm nhận từng chi tiết, hình ảnh. Tuy nhiên, một vài phần liên hệ có vẻ hơi khiên cưỡng khi liên hệ bối cảnh đất nước hiện nay, trước diễn biến của đại dịch Covid với sự nữ tính trong tình yêu của Xuân Quỳnh. Lời văn bay bổng, thiếu thực tế vì bối cảnh hiện tại sẽ không ai đọc Sóng".
Cũng chia sẻ với PV báo Dân Việt, thầy Đ.N.N, một giáo viên chấm thi môn Văn tốt nghiệp THPT 2021 cho hay: "Bài viết cho thấy người viết có bút lực rất khỏe, tâm huyết và say mê văn chương. Mình đánh giá phần nhận xét về vẻ đẹp nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh là điểm sáng nhất của toàn bài.
Qua bài viết, có lẽ hơi khắt khe, mình nhận thấy đây không phải là một bài văn hay, dù người viết đã rất nỗ lực đưa những kiến thức "đồ sộ" vốn có của người viết vào bài với mong muốn kiến giải tận tường yêu cầu mà đề đặt ra. Có lẽ cũng chính vì thế, bài viết trở nên cồng kềnh, tạo cảm giác hàn lâm cho độc giả nhưng hàm lượng văn chương cũng như sự thiếu kết nối với thực tế đời sống sẽ khiến người chấm bài khó tính như mình thất vọng. Ngoài ra, lỗi cú pháp, lỗi logic xuất hiện trong bài khá nhiều, cách sử dụng khái niệm và dùng từ trong bài của người viết còn nhiều chỗ tối nghĩa và gượng ép.
Theo quan điểm cá nhân, mình cho rằng, sự tham lam trong làm văn là điều không nên, nhất là đối với những kiểu bài cảm nhận về đoạn thơ viết về tình yêu như bài thơ "Sóng", một bài thơ rất ngọt ngào của Xuân Quỳnh.
Học sinh chỉ cần sử dụng đủ các kiến thức cơ bản và cảm nhận đoạn thơ một cách giản dị với chính tâm hồn trong trẻo của các em, cũng đủ khiến cho phần làm bài có được cảm tình của người đọc, nhất là những thầy, cô chấm bài.
Tất nhiên, mình vẫn ủng hộ việc học sinh sử dụng các vấn đề về lý luận văn học để tăng sức "hấp dẫn" cho bài làm, nhưng để được có được điều đó, học sinh cần phải vô cùng cẩn trọng.
Theo thang điểm chấm thi của Bộ GD-ĐT, điểm chấm của mình dành cho riêng phần phân tích này là 3.5/5 điểm (đây chỉ là điểm số của câu số 2 - PV)".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.