Bài toán tiểu học khiến phụ huynh hốt hoảng: "Mỗi bữa gia đình Lan nấu hết 15kg gạo"
Bài toán tiểu học khiến phụ huynh hốt hoảng: "Mỗi bữa gia đình Lan nấu hết 15kg gạo"
Tào Nga
Thứ sáu, ngày 27/09/2024 13:00 PM (GMT+7)
Bài toán cấp tiểu học này cho dữ liệu "Mỗi bữa gia đình Lan nấu hết 15kg gạo" và sau khi học sinh tính toán xong thì ai cũng giật mình vì nhìn thấy đáp số 1 tuần nhà Lan ăn hết 210kg gạo.
Mới đây, một số phụ huynh đã chia sẻ hình ảnh một bài toán dành cho học sinh tiểu học thực hiện phép tính nhân. Tuy nhiên, sẽ không có gì đáng nói nếu như dữ liệu bài toán cho một con số hơi... bất thường.
Cụ thể, bài toán có đề bài như sau: "Mỗi bữa gia đình Lan nấu hết 15kg gạo. Hỏi trong 1 tuần lễ, gia đình bạn Lan nấu hết bao nhiêu ki-lô-gam gạo, biết một ngày gia đình Lan nấu cơm hai lần?".
Chi tiết mỗi bữa ăn nấu tới 15kg gạo được phụ huynh bất ngờ, hốt hoảng và sau đó đưa ra "mổ xẻ" vui vẻ như "Trời ơi, nhà cô ăn cả tháng mới hết 10kg gạo thôi Lan ơi"; "Mỗi bữa ăn thôi cũng quá áp lực với gia đình Lan. Thương Lan"; "Cho hỏi nhà ai ở đâu để mình mời mua gạo. Đảm bảo giá sỉ luôn"; "Bà nội hay bà ngoại nhận gửi gạo cho nhà Lan thì mệt luôn"...
Thậm chí có người nhận ra trêu đùa, "bạn Lan" này chính là nhân vật trong bài toán "Mỗi ngày đạp xe 200km đến trường đi học" nên nấu nhiều để vắt theo đi đường ăn.
Theo tìm hiểu, bài toán này có phiên bản gốc là "Mỗi bữa gia đình Lan nấu hết 3/7kg gạo". Có thể trong quá trình tìm bài tập để giao cho các em, phụ huynh hoặc giáo viên đã thay số liệu phù hợp với chương trình đang học dẫn đến số liệu gây chú ý này.
Đây cũng không phải là lần đầu tiên một bài toán gây chú ý. Trước đó, phụ huynh cũng không nhịn được cười với bài toán "Nhà Lan cách trường 200km, Lan đạp xe từ nhà đến trường mất 10 giờ, tốc độ đạp xe của Lan là?".
Dù biết chỉ là bài toán đơn thuần về cách tính tốc độ nhưng đề bài phi thực tế vì làm sao Lan có thể đi xe đạp 200 km trong 10 giờ đồng hồ.
Hay một bài toán tiểu học khác cũng áp dụng các phép tính nhân đơn giản nhưng lại khiến cộng đồng mạng tranh cãi gay gắt. Khi đọc kỹ đề, không ít người hoang mang về cách ra đề cho học sinh hiện nay.
Cụ thể đề bài đưa ra như sau: Hiện nay Nam 4 tuổi, tuổi của bố gấp 4 lần tuổi của Nam. Tuổi của mẹ gấp 3 lần tuổi của Nam. Hỏi: Bố Nam bao nhiêu tuổi? Mẹ Nam bao nhiêu tuổi?
Đáp số là bố Nam 16 tuổi, mẹ Nam 12 tuổi.
Có ý nghĩa toán học nhưng không có ý nghĩa thực tế
Liên quan đến những bài toán trên, Thạc sĩ Toán học Phạm Phúc Thịnh, hiện là giáo viên dạy Toán tại TP.HCM cho biết: "Bài toán này bình thường, không sai về phép tính và cũng không sai về nội dung. Mọi người đang mặc định nhà Lan nấu 15kg mỗi bữa là dành cho gia đình nhỏ. Nhưng thực tế biết đâu nhà Lan là công ty có nhiều công nhân nên nấu 15kg hoặc nhà Lan nấu ăn cho từ thiện. Không phải nhà Lan ăn hết số gạo này mà có nhiều mục đích để nấu".
Tuy nhiên, Thạc sĩ Thịnh cũng cho rằng: "Tôi vẫn hay nói vui bài toán thực tế nhưng không thực tế. Tức là người ra đề xuất phát từ nội dung toán học và để cho thực tế đã lồng dữ liệu đời sống vào. Đôi khi điều này gây cười cho mọi người.
Ngoài bài toán Lan đạp xe 200km đến trường hay tính tuổi bố Nam là 16, mẹ Nam là 12 thì còn có bài toán để chuẩn bị mua nhà thì gia đình An đã tiết kiệm mỗi tháng 1 triệu đồng. Nhưng không ai gửi ngân hàng 1 triệu đồng để mua nhà vì đến cả trăm năm gia đình An cũng không mua được với giá nhà tăng như hiện nay".
Dù vậy, Thạc sĩ Thịnh khẳng định: "Không quá lo lắng bởi bài toán không gây hại gì cho học sinh. Chỉ có điều sau khi làm xong rồi ngồi xem lại, chắc chắn học sinh và phụ huynh sẽ cười vì nội dung không có thật trong cuộc sống".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.