Sau khi có ý kiến của các giảng viên về sư phạm tiểu học, sự phản ứng của phụ huynh và những người quan tâm tới giáo dục càng tăng lên. PV có cuộc trao đổi với một chuyên gia bộ môn đại số (vì lý do tế nhị, người được phỏng vấn xin phép không nêu tên) về bài toán này.
Chuyên gia: Đây là một vấn đề không còn chỉ nằm trong khuôn khổ của một bài toán lớp 3 nữa! Thật nguy hiểm vì toàn bộ SGK tiểu học (chẳng hạn xem SGK Toán 2 do Đỗ Đình Hoan chủ biên) đã viết như vậy, điều này đi ngược hoàn toàn với cách viết truyền thống trong khoa học và đời sống của nhân loại!
Lẽ ra những người giảng dạy ở khoa Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội phải biết và kiến nghị với Bộ GD-ĐT để thay đổi, thì họ lại đồng tình. Thật đáng ngạc nhiên!
Ông có thể nói rõ hơn sự ngạc nhiên của mình?
Cần nhớ rằng theo thông lệ đời sống và khoa học quốc tế từ xa xưa cho đến ngày nay thì: 8 con gà + 8 con gà + 8 con gà + 8 con gà = 4 lần 8 con gà = 4 x 8 con gà = 32 con gà.
Trong khi đó SGK tiểu học và ngay cả các giảng viên ở khoa tiểu học Trường ĐH Sư phạm HN cho rằng: 8 con gà + 8 con gà + 8 con gà + 8 con gà = 8 con gà x 4 = 32 con gà.
Một bài tập gây tranh cãi.
Phải chăng cách viết này cũng chính là cách thể hiện khác của cách viết: 8 con gà + 8 con gà + 8 con gà + 8 con gà = 8 con gà 4 lần?
- Đành rằng chỉ là quy ước số lần viết trước hay viết sau mà thôi. Với cách viết như thế sẽ tạo nên một thứ ngôn ngữ khoa học dị biệt. Lý giải này dựa theo tinh thần của SGK hiện tại. Nếu họ lại tiếp tục làm đổi mới giáo dục sắp tới thì không hề ổn, rất nguy hiểm.
Cần nhắc lại rằng, từ dân gian đến khoa học, từ SGK ở bậc tiểu học đến những cuốn sách khoa học hiện đại của thế giới, thì a + a +…+ a (100 lần) đều được viết là 100a, không ai viết là a100.
Nhớ rằng, mặc dù chỉ là quy ước, hay đặt tên, thì trong mọi lĩnh vực, người ta bao giờ cũng phải xem xét hết sức cẩn thận và khoa học, từ truyền thống, đến văn hóa và khoa của nhân loại, xem người ta đã làm như thế nào. Kẻo viết “4 cái nhà” thành “cái nhà 4”… mà những người biết lẽ sống sẽ không bao giờ dám làm liều như thế!
Vậy ông có cho điểm đáp án học sinh đã lựa chọn?
- Ở đây cần xem xét lại một chút. Nếu là bài về nhà học sinh có tính thể tùy tiện nhờ người lớn làm hộ nhưng là giáo viên có trách nhiệm anh chỉ cần hỏi học trò 4x8 là gì. Nếu trò giải thích là 8+8+8+8 thì vẫn cho điểm.
Tôi vẫn xin nhắc lại thông lệ quốc tế khi gặp 4 số 8 cộng vào với nhau (8+8+8+8) thì viết là 4x8 chứ không ai viết 8x4 cả.
Ngành giáo dục đang tiến hành đổi mới chương trình, SGK phổ thông. Ông có đóng góp gì cho Bộ GD-ĐT?
- Bộ phải sớm thức tỉnh để thay đổi, cách dạy như vậy thật nguy hiểm. Tất nhiên nếu được mời tham gia làm nội dung tôi chắc chắn sẽ góp ý để không còn cách hiểu như vậy.
Xem nội dung sách toán tiểu học từ lớp 2 đến lớp 5 hiện nay bạn sẽ thấy không chỉ bài toán này. Tôi ví dụ ở phần dạy như chu vi hình vuông (cạnh là a) đáng ra viết là 4a thì SGK hiện thời viết ax4.
Xin cảm ơn ông!
Tranh cãi chưa dứt
Nhiều giáo viên khi được hỏi cho rằng bài toán tính số gà là bài toán đố, yêu cầu học sinh phải nhận biết đúng bản chất vấn đáp án chỉ có thể là 8x4. Tuy nhiên vẫn có ý kiến trái chiều.
Một giáo viên tiểu học ở Mê Linh (Hà Nội) phân tích: Có 4 chuồng và mỗi chuồng 8 con, yêu cầu tìm phép tính đúng. Như vậy đáp án giáo viên lựa chọn ở đây hoàn toàn đúng, phải là 8x4. Nếu bình thường theo tính chất giao hoán thì 4x8 vẫn được. Nhưng ở đây muốn học trò hiểu ý nghĩa phép tính. Một câu hỏi đố, không chỉ đơn giản là phép tính nhân thông thường. Chuyện 4 chuồng nuôi gà, mỗi chuồng có 8 con khác có 8 chuồng, mỗi chuồng có 4 con.
Một giáo viên tiểu học khác tại Hà Nội cũng cho rằng nếu bài toán giải dưới dạng diễn giải thì việc trò ghi 4x8 hoặc 8x4 đều có thể đạt điểm vì các em hiểu bản chất. Chuyện một số 8 được gấp lên 4 lần khác với chuyện một số 4 được gấp lên 8 lần dù kết quả vẫn là 32.
Một giáo viên toán bậc THPT tại Hà Nội cũng cho rằng: “Ở góc độ giáo viên phương án 8x4 là lô-gic và chính xác, đảm bảo tính khoa học. Yêu cầu của bài toán là để học sinh nắm rõ quy trình. Điều này vô cùng quan trọng vì nếu quy trình hiểu sai sẽ hiểu sai bản chất. Cùng là đáp án 32 nhưng bản chất lại khác nhau hoàn toàn”.
Song nếu có trách nhiệm, người thầy ở đây phải có đóng mở ngoặc ở đáp án đúng, giải thích cho học sinh hiểu tại sao em lại sai. Đưa ra một bài toán đáp án có kết quả như nhau nhưng chỉ chọn một mà người thầy không giải thích gì thì chuyện xảy ra tranh luận cũng dễ hiểu.
Trong khi đó, giáo viên Tạ Anh Sơn hiện đang dạy toán tại một trường THPT tại Hà Nội không đồng ý với cách lý giải của các giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ông Sơn cho rằng cách giải thích của vị chuyên gia Đại số trên mới xác đáng.
(Theo VNN)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.