Suốt 50 năm qua, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tài liệu có ý nghĩa vô cùng to lớn, là di sản văn hóa vô cùng quý báu của Đảng và dân tộc ta. Năm 2012, Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh được công nhận là bảo vật quốc gia.
Hiện nay, bản gốc Di chúc đang được Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng bảo quản theo chế độ đặc biệt.
Ông Đinh Hữu Long- Phó Cục trưởng Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương cho biết, ngày 4/3/1987, theo quyết định của Ban Bí thư, bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được chuyển cho Vụ Lưu trữ của Văn phòng Trung ương Đảng (nay là Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng) tiếp nhận, lưu giữ và bảo quản.
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là tài sản vô giá, tiếp tục soi sáng việc nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay.
Cụ thể, hiện trạng bản Di chúc của Bác được viết trên giấy, gồm 8 tờ. Trong đó bản viết ngày 10/5/1965 có 3 tờ kích thước 21 x 27cm; bản viết tháng 5/1968 có 3 tờ kích thước 18,5 x 26cm và 1 tờ kích thước 18,5 x 24cm; bản viết ngày 10/5/1969 có 1 tờ kích thước 20 x 30,5cm.
Giới thiệu rõ hơn về từng tờ di chúc, ông Long cho biết, 3 tờ của bản Di chúc ngày 15/5/1965 được đánh máy chữ mực xanh (đánh máy một mặt) trên giấy thường, có chữ ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh phía cuối trang 3, bên cạnh chữ ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh là chữ ký của người làm chứng là Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lê Duẩn.
4 tờ tháng 5/1968 được viết bằng mực xanh, 2 tờ viết hai mặt, 2 tờ viết một mặt. Xen kẽ dòng viết mực xanh là những dòng viết bằng mực đỏ, có chỗ gạch xóa.
1 tờ ngày 10/5/1969 được viết bằng mực xanh ở mặt sau của tờ Tin tham khảo đặc biệt của Việt Nam Thông tấn xã) trang 15a, ra ngày 3/5/1969). Xen kẽ dòng viết mực xanh là những dòng viết bằng mực đỏ, có chỗ gạch xóa.
Bản di chúc viết tay của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Theo Phó Cục trưởng Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, từ năm 1989 đến nay, Cục luôn quan tâm, chú trọng đến công tác phát huy giá trị của bản Di chúc.
Do các tờ giấy các bản Di chúc đều có chất lượng không tốt, xuất hiện tình trạng ố vàng, một số dòng chữ hơi nhòe nên hiện Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng bảo quản theo chế độ đặc biệt.
Cục Lưu trữ của Văn phòng Trung ương Đảng chỉ phục vụ nhu cầu tiếp cận với bản gốc bản di chúc trong một số trường hợp đặc biệt như phục vụ nghiên cứu của Văn phòng Tổng Bí thư; phục vụ nghiên cứu tại phòng đọc của cán bộ nghiên cứu thuộc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch; một số tỉnh ủy; một vài lần phục vụ việc ghi hình của các đài truyền hình, hãng phim trong nước…
Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Bản đánh máy ngày 15/5/1969 có sự chứng kiến của Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành trung ương Đảng, Lê Duẩn và bản viết tay sửa chữa, bổ sung năm 1965 và năm 1969.
Cùng đó, để hạn chế tối đa việc phục vụ bản gốc Di chúc làm ảnh hưởng đến tình trạng vật lý của tài liệu, ngày 14/9/2015 Cục Lưu trữ đã có công văn về việc đề nghị sao Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Được sự đồng ý của lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, bản Di chúc đã được sao thành 3 bản in mầu. Ba bản in mầu này hiện đang được lưu giữ cùng với bản gốc của Di chúc.
Lãnh đạo Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng cũng cho hay, Cục từng đề xuất với Ban Bí thư, với Bộ Chính trị đưa bản gốc Di chúc của Bác ra trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh để công chúng được tiếp cận.
Nhưng Bộ Chính trị vẫn cho rằng trong điều kiện nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng ở Bảo tàng Hồ Chí Minh thì việc đảm bảo cho bản Di chúc được trường tồn sẽ khó khăn. Vì vậy, tới thời điểm này, bản gốc Di chúc của Bác vẫn chưa được trưng bày cho toàn dân được xem, mặc dù đã có rất nhiều cuốn sách và hàng ngàn bài nghiên cứu, bài báo viết về bản Di chúc vô giá này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.