Gặp người phụ nữ "coi mỗi hiện vật về Bác Hồ như một phần máu thịt"

Hoàng Thành An Thứ hai, ngày 02/09/2019 06:30 AM (GMT+7)
Hoàn cảnh gia đình khó khăn, chồng mất sớm để lại hai con, một mình bà phải lo toan mọi việc, vừa nuôi dạy con, chăm lo việc nhà, vừa tham gia công tác xã hội. “Những lúc gặp khó khăn tôi lại nghĩ đến Bác Hồ và vượt lên hoàn cảnh” – bà Hoàng Thị Nữ tâm sự.
Bình luận 0

Bà Hoàng Thị Nữ, 40 năm tuổi Đảng, nguyên là cán bộ công tác tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Hiện là Bí thư Chi bộ 10, Đảng bộ phường Liễu Giai (quận Ba Đình, TP.Hà Nội).

35 năm gắn bó với Bảo tàng Hồ Chí Minh

Năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, bà Hoàng Thị Nữ đang học tại Trường Đại học Công an - nay là Học viện An ninh nhân dân (bà là sinh viên khóa đầu tiên của ngôi trường này). 

img

Bà Hoàng Thị Nữ, 40 năm tuổi Đảng, nguyên là cán bộ công tác tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Hiện là Bí thư Chi bộ 10, Đảng bộ phường Liễu Giai (quận Ba Đình, TP.Hà Nội). (Ảnh: T.A)

Đến cuối năm 1969, để chuẩn bị cán bộ cho Bảo tàng về Bác, theo sự điều động, bà Nữ được chuyển về công tác tại Văn phòng Phủ Chủ tịch và được phân công công tác tại Ban phụ trách xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Năm 1984, sau khi làm xong luận án Phó Tiến sĩ Sử học Trường Đại học Tổng hợp Mátxcơva (Liên Xô cũ), bà tiếp tục về công tác ở Bảo tàng Hồ Chí Minh, được giao quản lý hệ thống kho cơ sở của bảo tàng, nơi lưu giữ, bảo quản các tài liệu, hiện vật, phim ảnh gốc về Chủ tịch Hồ Chí Minh

“Tôi cảm thấy đây là vinh dự, tự hào lớn, đồng thời là trách nhiệm nặng nề, đòi hỏi phải có sự cẩn trọng, tỉ mỉ, chăm chút, toàn tâm, toàn ý với công việc và hơn hết là với lòng kính yêu vô hạn đối với Bác Hồ”- bà Nữ bộc bạch.

Chia sẻ về 35 năm công tác tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, bà Nữ cho biết mình đã tự giác nghiên cứu, sưu tầm kiểm kê, bảo quản, khai thác và giới thiệu về các di sản của Bác Hồ; tham gia sưu tầm, tiếp nhận các tài liệu, hiện vật liên quan đến Bác trong và nước ngoài; tham gia xác minh, cung cấp các tài liệu để xác minh các sự kiện lịch sử liên quan đến cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đảm bảo độ chính xác cao; tham gia các công trình khoa học nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh; tham gia biên soạn các cuốn sách viết về Người.

“Tuy chưa một lần được gặp Bác, nhưng trong 35 năm, hàng ngày được đọc, được tiếp xúc với những trang bản thảo, trong đó có bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được nghe giọng của Người qua những cuốn băng ghi âm… Nói thật, với những di sản của Bác để lại, tôi luôn coi mỗi hiện vật này là một phần máu thịt của mình”, bà Nữ chia sẻ.

img

Bà Hoàng Thị Nữ đại diện gương tiêu biểu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi Lễ kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2019) và 50 năm ngày mất của Người (2/9/1969-2/9/2019) trước sự có mặt của hơn 3.5000 đại biểu tại Hà Nội tháng 8/2019. (Ảnh: T.A)

Với bà Nữ, những lần bàn giao tài liệu về Bác cho đơn vị khác quản lý là những lần bà cảm thấy khó khăn nhất trong cuộc đời. “Năm 1987, được ủy quyền của cấp trên, tôi có nhiệm vụ bàn giao bản gốc di chúc của Bác cho Văn phòng Lưu trữ Trung ương. Tôi ký bàn giao mà tay run bần bật bởi đây là kỷ vật gắn bó với tôi nhiều năm” - bà Nữ nhớ lại khi chia sẻ với báo giới.

Trong ký ức của bà, có một năm, Hà Nội mưa rất to, các tuyến phố đều ngập nước. Buổi tối về đến nhà nhưng trong bà luôn canh cánh nỗi lo nếu nước tràn vào kho bảo quản sẽ ngập hàng vạn tài liệu, hiện vật của Bác. Hơn 22h đêm, và quyết định lội nước ngang lưng đi dọc phố Đội Cấn, đoạn từ khách sạn La Thành đến Bảo tàng Hồ Chí Minh để kiểm tra. Khi đến một số phòng làm việc đã mênh mông nước, bà nhanh chóng cùng bộ phận trực của cơ quan xử lý, ngăn không cho nước tràn vào kho hiện vật. “Xong việc tôi thở phào nhẹ nhõm. Trời mưa, người rét vì bị ướt song tôi rất vui vì kho bảo quản tài liệu, hiện vật vè Bác được an toàn”, bà Nữ bồi hồi nhớ lại.

Tự hào được lưu giữ, bảo quản hiện vật về Bác

Không những sưu tầm, bảo quản tài liệu về Bác ở trong nước, bà Nữ còn trực tiếp tham gia sưu tầm, xác minh các tài liệu, di tích liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài. Mỗi chuyến đi với bà là một câu chuyện đáng nhớ. Năm 1991, khi được cơ quan cử đi sưu tầm tài liệu về Bác Hồ đang lưu giữ ở Trung tâm Lưu trữ của Đảng Cộng sản Liên Xô. Một mình đi ra nước ngoài, khó khăn không kể xiết song bà đã bình tĩnh xử lý, làm tốt công tác ngoại giao, tranh thủ mọi sự giúp đỡ, kịp thời thu thập khối tài liệu gần 1.000 trang để chuyển về Đại sứ quán Việt Nam.

img

Bà Hoàng Thị Nữ (bên trái) giới thiệu cuốn sách về Bác Hồ mà bà tham gia biên soạn. (Ảnh: I.T)

Bà Nữ chia sẻ, giống như bà, những cán bộ nhân viên của Bảo tàng Hồ Chí Minh luôn cảm thấy tự hào về công việc lưu trữ, bảo quản những di sản, hiện vật vô giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh để đồng bào trong và ngoài nước cũng như bạn bè khắp thế giới mỗi khi đến tham quan Bảo tàng được hiểu thêm về thân thế sự nghiệp và cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là những công lao đóng góp, cống hiến vĩ đại, sự hi sinh to lớn của Người đối với dân tộc ta cũng như với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

“Khách đến tham quan Bảo tàng được tận mắt chứng kiến những tài liệu, hiện vật về Bác luôn xúc động và tỏ lòng tôn kính ngưỡng mộ đối với Bác. Trong số này, không chỉ người dân Việt Nam mà cả khách quốc tế, trong đó có không ít các chính khách, nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ đã ngợi ca Hồ Chí Minh là nhân vật kiệt xuất, một nhà chính trị kỳ tài, tấm gương lớn về nhân cách, người có tầm ảnh hưởng lớn đối với nhân loại.

Đặc biệt, khi được nhân viên của Bảo tàng giới thiệu về Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tất cả các vị khách quốc tế đều có chung cảm nhận rằng có lẽ trên thế giới này không có vị Chủ tịch nước nào trên thế giới lại giản dị, khiêm tốn như Bác Hồ của chúng ta”- bà Nữ hồ hởi nói.

img

Bà Hoàng Thị Nữ (áo kẻ), cùng ông Vũ Kỳ (Thư ký riêng của Bác Hồ - thứ nhất hàng đầu) tiếp nhận 'Quyển sách bằng đá' do Hội Công nhân và Lao động Việt Nam tại Pháp tặng vào tháng 5/1990. (Ảnh: I.T)

Bà Nữ nhớ lần vào năm 2013, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam, Tổng thống Nga Vladimir Putin đến Hà Nội, thăm nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được nghe giới thiệu, được nhìn những hiện vật của Người, ông đã để lại những dòng chữ như sau: “Nhân loại đã bước sang thế kỷ thứ 21, thế kỷ hòa bình, tiến bộ và phồn vinh. Nhưng giá trị tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh như ngọn đuốc, là biểu tượng văn hóa tương lai. Vì thế lịch sử mãi mãi nhắc tới Người như một bậc thánh nhân”. 

“Những tình cảm tốt đẹp của bạn bè quốc tế đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và dành cho nhân dân Việt Nam càng khiến chúng tôi thêm tự hào, trân trọng và gắn bó hơn với công việc mình đang làm” - bà Nữ chia sẻ.

Mỗi lần khó khăn lại nhớ đến Bác

Trong tâm tưởng của mình, bà luôn nghĩ rằng, cả cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh hết lòng, hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ tổ quốc, phục vụ nhân dân. Khi phải từ biệt thế giới này, Người chỉ tiếc rằng không được phục vụ nhân dân lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa.

img

Bà Hoàng Thị Nữ (thứ 10 từ trái sang) được tuyên dương tại buổi giao lưu điển hình tiên tiến Cụm thi đua số 3 TP Hà Nội, tháng 5/2018. (Ảnh: I.T)

Đáng chú ý, trước khi đi xa, trong Di chúc thiêng liêng, Người gửi gắm muôn vàn tình thương yêu cho toàn đảng, toàn dân, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên nhi đồng, với mong muốn cuối cùng là toàn đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một đất nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

Là một người đảng viên phải luôn luôn phát huy lời dạy của Người, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết trong đảng. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đoàn kết cách mạng, thật sự cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư, phải giữ gìn đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.

Bởi thế, trong những năm công tác tại Bảo tàng rồi đến khi nghỉ hưu về địa phương cư trú (phường Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội), được mời tham gia công tác tại địa phương: từ Tổ Phó Tổ dân phố, Phó Ban Vận động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, Phó Chủ tịch UBMTTQ, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập, UVBCH Hội LHPN phường… bà Nữ luôn nhắc nhở mình phải thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng đạo đức để xứng đáng là cán bộ tốt, công dân tốt như lời dạy của Bác Hồ. Dù ở cương vị nào bà cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, luôn sống và làm việc theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

“Nhìn lại quá trình công tác trong hơn 35 năm qua, những gì tôi làm được tuy nhỏ bé nhưng thực sự rất tự hào vì mình luôn có ý thức sống và học tập, công tác theo tấm gương đạo đức và lời dạy của Bác Hồ để xứng đáng với là người đảng viên, người cán bộ có 35 năm công tác tại cơ quan mang tên Bác, xứng đáng với sự tín nhiệm của Đảng bộ và nhân dân phường Liễu Giai”, bà Nữ nhấn mạnh.

Có thể nói, trong 35 năm công tác, bà Hoàng Thị Nữ luôn tận tụy với công việc, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Hoàn cảnh gia đình neo đơn, chồng mất sớm để lại hai con, một mình bà phải lo toan mọi việc, vừa nuôi dạy con, chăm lo việc nhà, vừa tham gia công tác xã hội, vừa hoạt động khoa học. “Những lúc gặp khó khăn tưởng chừng không vượt qua được, tôi lại nghĩ đến Bác Hồ và vượt lên hoàn cảnh” - bà Nữ kết lại.

Mong muốn thế hệ trẻ học tập theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh

Ngày 29/8, tại Lễ kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2019) và 50 năm ngày mất của Người (2/9/1969-2/9/2019), bà Hoàng Thị Nữ đã vinh dự và tự hào đại diện gương tiêu biểu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi lễ với hơn 3.5000 đại biểu.

Bà cho hay: Kỷ niệm 50 năm thực hiện di chúc Hồ Chí Minh và 50 năm ngày mất của Người là dịp để chúng ta bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với Đảng quang vinh, với Bác Hồ vĩ đại, đồng thời tri ân các anh hùng liệt sỹ và các thế hệ đi trước đã chiến đấu kiên cường, hi sinh anh dũng vì độc lập tự do của tổ quốc vì hành phúc của nhân dân. 

“Chúng tôi muốn gửi gắm niềm tin tưởng vào các thế hệ ngày hôm nay sẽ nối tiếp, phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của các thế hệ đi trước, đặc biệt là học tập làm việc theo tấm gương đạo đức của bác hồ, ra sức học tập rèn luyện và cống hiến cho cho Thủ đô và đất nước”, bà Nữ nhấn mạnh.

Bà Hoàng Thị Nữ đã được nhận nhiều Bằng khen, giấy khen của Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp, được tặng nhiều Huy chương, kỷ niệm chương, trong đó có Huy chương Vì sự nghiệp phát triển của Phụ nữ Việt Nam, được UBND quận Ba Đình tặng danh hiệu “Người tốt việc tốt” năm 2009….

Tháng 5/2018, bà được chọn tham gia Lễ báo công dâng Bác và giao lưu điển hình tiên tiến, Người tốt việc tốt do Hội đồng thi đua khen thưởng, cụm thi đua số 3 Thành phố Hà Nội tổ chức.

Tháng 8/2019, bà đại diện gương tiêu biểu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi Lễ kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2019) và 50 năm ngày mất của Người (2/9/1969-2/9/2019) trước sự có mặt của hơn 3.5000 đại biểu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem