Bao đời mơ ước có ánh điện
Mặc dù cách trung tâm xã Thạch Lập chừng dăm cây số, nhưng đến nay người dân nơi đây vẫn phải “chung thủy” với ánh đèn dầu mỗi khi đêm xuống. Hai bản Đô Quăn, Đô Sơn có 141 hộ, với 666 khẩu, thì đang có tới 66 hộ nghèo, 36 hộ cận nghèo. Bà con ở đây đều là đồng bào dân tộc Mường. Cuộc sống của người dân nơi đây vô cùng khó khăn, vất vả. Ánh sáng điện lưới quốc gia đang là niềm mơ ước từ bao đời nay của Đô Quăn, Đô Sơn.
Trẻ em bản Đô Quăn đang phải học dưới ánh đèn dầu. Ảnh: H.Đ
Bà Phạm Thị Hải (51 tuổi), ở bản Đô Quăn, phàn nàn: “Cuộc sống của bà con ở đây khổ lắm chú ạ! Đường giao thông thì chưa có, điện sinh hoạt cũng không. Vì thế, người dân trồng được ít ngô đều phải bán giá rẻ mạt cho thương lái. Nếu có đường ô tô, có điện lưới quốc gia giống như nơi khác, thì các mặt hàng nông sản có thể sẽ được giá cao hơn. Đã nghèo, lại càng khó hơn là vậy đấy. Cả bản, ai cũng ao ước được nhìn thấy ánh sáng điện. Nhưng chẳng biết bao giờ mơ ước ấy thành hiện thực?”.
Anh Phạm Văn Chủ - Trưởng bản Đô Quăn cho biết, 2 bản Đô Quăn, Đô Sơn cách trung tâm xã chỉ vài cây số, nhưng cuộc sống của bà con ở đây vô cùng khó khăn, vất vả vì đường giao thông, điện lưới quốc gia và cả sóng điện thoại đều chưa có. “Biết là thiệt thòi đủ mọi thứ, nhưng bà con trong bản cũng phải cam chịu thôi. Mơ ước ngàn đời nay của bà con là được Nhà nước kéo điện về cho bản và có đường giao thông thuận lợi, để người dân giao thương được với bên ngoài”- anh Chủ bộc bạch.
Kêu không thấu
" Mơ ước ngàn đời nay của bà con là được Nhà nước kéo điện về cho bản và có đường giao thông thuận lợi, để người dân giao thương được với bên ngoài”.
Trưởng bản Pham Văn Chủ
|
Ông Phạm Xuân Lý - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Lập cho biết, hai bản này nằm biệt lập trong một thung lũng, nên đường đi, lối lại vô cùng khó khăn. Ở Đô Quăn và Đô Sơn hiện có hơn chục học sinh mầm non, 23 học sinh tiểu học, 15 học THCS và 10 học sinh THPT.
Hai bản này cũng có khu lẻ của Trường Tiểu học II, xã Thạch Lập, được xây dựng từ 2004-2005, nhưng vì không đủ học sinh, nên có năm học, có năm không. Do đó, các cháu phải xuống trung tâm xã ở nhờ để theo học.
“Thương nhất là lũ trẻ. Trước kia, mỗi khi đêm xuống, chúng muốn ngồi vào bàn học là bố, mẹ phải lo thắp đèn dầu hoặc nến cho chúng học. Nay, một số gia đình cũng đã tích cóp, vay mượn lắp đặt được hệ thống điện năng lượng mặt trời. Thế nhưng, ánh sáng của loại bóng đèn năng lượng mặt trời cũng chẳng hơn ngọn đèn dầu là bao. Chính quyền xã cũng đã “kêu” nhiều lần lên cấp trên, nhưng không thấu”- ông Lý buồn rầu nói.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Lê Văn Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc, cho biết: “Hệ thống điện lưới, thì huyện cũng đã đề nghị lên cấp trên nhiều lần, nhưng chưa được. Cũng biết rằng, bà con hai bản này phải chịu nhiều thiệt thòi, nhưng khả năng của huyện không thể giải quyết vấn đề này. Tất cả vẫn đang phải chờ đợi”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.