Băn khoăn về dự thảo Nghị định an ninh mạng: Tướng Công an nói gì?

Lương Kết Thứ bảy, ngày 03/11/2018 18:59 PM (GMT+7)
Chiều tối nay (3.11), tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, báo chí đã đặt câu hỏi tới đại diện Bộ Công an xung quanh vấn đề dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng.
Bình luận 0

img

Chánh văn phòng Bộ Công an, Thiếu tướng Lương Tam Quang. (Ảnh IT)

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, báo chí đã đặt câu hỏi: Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng có quy định, lưu trữ thông tin khi đặt văn phòng, chi nhánh ở Việt Nam có khả thi không? Đây có phải là trở ngại trong việc tiếp cận với công nghệ thông tin, hội nhập với với thế giới của người dân hay có vi phạm một số hiệp định, quy định quốc tế mà Việt Nam tham gia?

Trước câu hỏi trên, thiếu tướng Lương Tam Quang - Chánh Văn phòng, người phát ngôn của Bộ Công an cho biết, sự phù hợp với thông lệ quốc tế của quy định lưu trữ dữ liệu, đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam thể hiện ở một số điểm.

Thứ nhất, đã có hơn 18 quốc gia trên thế giới có văn bản luật quy định yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài phải lưu trữ dữ liệu quan trọng trong phạm vi lãnh thổ quốc gia như Mỹ, Canada, Liên bang Nga, Đức, Trung Quốc. Ngày 25.5.2018, Quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân của Liên minh Châu chính thức có hiệu lực, cho phép công dân kiểm soát dữ liệu cá nhân của mình khi tham gia các diễn đàn, mạng xã hội theo hướng có thể tra cứu, thay đổi, xóa bỏ thông tin cá nhân của mình; các công ty cung cấp dịch vụ phải công khai với khách hàng việc dùng thông tin cá nhân, cam kết không chuyển dữ liệu cá nhân cho bên thứ ba, nếu vi phạm mức phạt có thể lên tới 20 triệu Euro hay 4% doanh số toàn cầu.

Thứ hai là quy định phù hợp với khả năng của doanh nghiệp như Google đã đặt khoảng 70 văn phòng đại diện, Facebook đã đặt khoảng 80 văn phòng đại diện tại các quốc gia trên thế giới. Tại khu vực Đông Nam Á, Google, Facebook đã mở văn phòng đại diện tại Singapore, Malaysia, Indonesia.

Thứ ba, quy định cũng phù hợp với hệ thống pháp luật trong nước, trong đó có Luật Thương mại năm 2005, Luật Quản lý ngoại thương năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành, quy định các tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài phải lập văn phòng đại diện tại Việt Nam. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ qua biên giới (như Google, Facebook) đang có hoạt động kinh doanh sinh lợi tại Việt Nam thuộc sự điều chỉnh của các văn bản này. Trong dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), Bộ Tài chính cũng đề nghị nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài (như Google, Facebook...) phải mở văn phòng đại diện chính thức tại Việt Nam.

Thứ tư, quy định này không trái với các cam kết quốc tế, bao gồm các điều ước liên quan đến Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Cụ thể, Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT 1994), Hiệp định chung về Thương mại Dịch vụ (GATS), Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đều có điều khoản ngoại lệ về an ninh, tôn trọng và đề cao an ninh quốc gia trong bất cứ hoạt động thương mại nào được đề cập trong các cam kết đó.

Mới đây, Bộ Công an đã hoàn thành dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng và được đăng trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an cùng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân trong thời gian một tháng từ 2.11 đến 2.12.

Luật An ninh mạng sẽ có hiệu lực từ ngày 1.1.2019, gồm 7 chương, 43 điều. Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng gồm 6 chương 30 điều.

Tại Điều 24 của dự thảo Nghị định quy định dữ liệu phải lưu trữ ở Việt Nam gồm 19 trường thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam như: Họ tên, ngày tháng năm sinh, nơi sinh, quốc tịch, nghề nghiệp, chức danh, nơi cư trú, địa chỉ liên hệ, địa chỉ thư điện tử, số điện thoại, số chứng minh nhân dân, mã số định danh cá nhân, số căn cước công dân, số hộ chiếu, số thẻ bảo hiểm xã hội, số thẻ tín dụng, tình trạng sức khỏe, hồ sơ y tế, sinh trắc học.

Theo quy định, những dữ liệu này được lưu trữ theo thời gian hoạt động của doanh nghiệp hoặc đến khi không còn cung cấp dịch vụ. Ngoài ra, doanh nghiệp phải lưu trữ dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra hoặc dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam (như bạn bè, nhóm mà người sử dụng kết nối hoặc tương tác) trong thời gian tối thiểu là 36 tháng…

Tại Điều 25 dự thảo Nghị định quy định doanh nghiệp trong và ngoài nước có đầy đủ 4 nhóm điều kiện sau đây phải lưu trữ dữ liệu và đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam:

- Nhóm doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam như: Dịch vụ viễn thông; Dịch vụ lưu trữ, chia sẻ dữ liệu trên không gian mạng; Thương mại điện tử; Thanh toán trực tuyến; Mạng xã hội và truyền thông xã hội hoặc thư điện tử phải thực hiện theo quy định này.

- Doanh nghiệp có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích, xử lý các loại dữ liệu phải lưu trữ tại Việt Nam.

- Doanh nghiệp để cho người sử dụng dịch vụ thực hiện các hành vi bị cấm theo Luật An ninh mạng.

- Doanh nghiệp vi phạm một số quy định về bảo đảm an ninh thông tin theo Luật An ninh mạng.

Theo dự thảo Nghị định, Bộ trưởng Bộ Công an được quyền yêu cầu các doanh nghiệp trong diện điều chỉnh thực hiện quy định này. Doanh nghiệp không chấp hành, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý.

Người dân có thể gửi ý kiến đóng góp cho Dự thảo này về Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, địa chỉ 40A Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội; email: luatanm@gmail.com.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem