Nghèo hoá vì... tái định cư
Trong bảng lảng sương lạnh của ngày đông, chúng tôi tìm đến bản Kích, xã Pắc Ma-Pha Khinh của huyện Quỳnh Nhai (Sơn La)- một bản tái định cư (TĐC) Thuỷ điện Sơn La, cách trung tâm huyện hơn 30km. Nơi đây trước kia vốn là một bản dân tộc Thái với gần 70 nóc nhà, sống bằng nghề nông dưới một thung lũng rộng lớn. Tuy chẳng lấy gì làm khá giả, nhưng người dân bản Kích vốn hay lam, hay làm, lại có ruộng, có nương; chịu khó phát triển chăn nuôi trâu bò, gà lợn… nên hầu như hộ nào cũng có miếng ăn, miếng để; tích cực xoá đói nghèo, lạc hậu.
|
Người dân bản Kích làm thuyền để học nghề bắt tôm, cá cải thiện cuộc sống. |
Thực hiện di dân TĐC Thuỷ điện Sơn La, bản Kích được phân tách thành 2 nửa. Hơn nửa bản di dân khỏi địa bàn, còn lại hơn 30 nóc nhà với 167 nhân khẩu quyết tâm bám đất ông cha để lại, hình thành bản TĐC bây giờ nằm nép dưới chân núi Kích trên dải đất nhô ra giữa lòng hồ như cái đầu rùa.
Vừa lúng túng che vạt quần rách te tươm tới tận đầu gối, ông Trưởng bản Kích-Hoàng Văn Dun vừa chỉ tay xuống mặt hồ thuỷ điện nước xanh thăm thẳm, mênh mông ngay phía trước nhà, bảo: “Ngày trước, bản chúng tôi với nhà cửa, ruộng nương, mồ mả, ký ức sống… ở dưới đó. Nay tất cả thành lòng hồ rồi. Sự hy sinh của chúng tôi đã góp phần làm ra dòng điện cho Nhà nước, nhưng mọi chế độ TĐC thì đến nay cả bản chưa ai được nhận một khoản nào. Vì thế, đời sống của chúng tôi đang hết sức khó khăn, hiện tại hơn 70% số hộ đói nghèo. Nếu Nhà nước không trả cho dân bản các khoản tiền hỗ trợ TĐC thì năm tới số hộ đói nghèo sẽ là 100%.
Lý giải cái sự đói nghèo của bản hôm nay, ông Dun cho biết: Mà thật ra, đã đói nghèo hết cả bản rồi nhưng cán bộ bảo với 8 chức danh cán bộ bản thì không được khai là đói nghèo nên thành ra 8 hộ có mức sống trung bình thôi. Các nhà báo tính xem mấy trăm con người sống bằng nông nghiệp thế này mà vườn tược, ruộng ngập hết rồi, chỉ còn ít đất nương, lại không có vốn liếng để đầu tư thì làm sao mà không nghèo.
Khi thực hiện TĐC trên bản mới này, vì không được hỗ trợ các khoản TĐC theo chế độ của Nhà nước nên chúng tôi dốc hết cả gia sản tích cóp bao đời vào san nền, làm đường, chuyển nhà… nhiều hộ phải bán cả trâu bò, gà lợn để có tiền mà dựng nhà đấy. Nay tay trắng hết cả rồi mà chế độ Nhà nước vẫn chưa tới, chỉ biết bảo nhau gắng vượt khó khăn, đợi chờ sự quan tâm của Nhà nước thôi.
Chỉ vào cái đèn dầu dù đã vặn nhỏ ngọn lửa như hạt đỗ nhưng vẫn nghi ngút khói đen, ông Dun cho biết thêm: Ngày trước, dân bản còn có điện, khổ nhưng tối về con trẻ có cái mà học bài, người lớn có ánh sáng mà vui chơi, nói chuyện, nghe đài, xem tivi… Nay thì phải dùng đèn dầu cho con học. Mà toàn là dùng dầu diezel thôi, không có dầu hoả đâu, đốt lên khét lẹt, khói mù, ám cả vào mặt con trẻ, mùng màn trong nhà.
Tự giác thành… "ương ngạnh"
Đi tìm nguyên nhân sự "lãng quên bản Kích" trong di dân TĐC Thuỷ điện Sơn La, chúng tôi đã gặp được anh Hoàng Văn Chanh - Bí thư chi bộ bản - người được dân bản coi là "mũi nhọn trong TĐC tự giác của bản Kích".
Anh Chanh bức xúc: Bản chúng tôi hình thành từ bao đời nay. Trên mảnh đất này, cha ông chúng tôi từng tham gia đánh Pháp, từng máu chảy -đầu rơi để bảo vệ bản làng. Những người cách mạng của bản từng bị thực dân Pháp cắt đầu treo trên dãy núi sau nhà này, vì thế mới có tên là bản Kích (bản du kích - PV).
Việc "xin được TĐC tại chỗ" của người dân bản Kích ngày ấy không được sự ủng hộ của cán bộ làm công tác TĐC các cấp trong tỉnh. "Họ quyết tâm chuyển chúng tôi đi dù chúng tôi đã trình ngược, trình xuôi phương án ở lại đây với những lợi thế rất lớn. Chúng tôi không nghe, thế là bị quy vào dạng ương ngạnh, khó bảo và từ đó bị lãng quên luôn. Chẳng ai hỏi han, giúp đỡ hay có chính sách gì" - ông Dung bức xúc.
Khi thực hiện di dân TĐC Thuỷ điện Sơn La, cán bộ hô hào dân di chuyển dành đất cho lòng hồ thuỷ điện, vì cả bản nằm dưới cốt ngập 215m, chúng tôi cũng đồng lòng và kiểm đếm tài sản, hoa màu trên đất rồi nhận tiền đền bù. Nhưng khi người ta quy hoạch điểm đến thì tách bản chúng tôi thành 2 nửa với 2 điểm đến khác nhau. Đành rằng bao năm quấn quýt, có tình thân ruột rà, dòng họ, gắn kết bản làng chẳng ai muốn rời nhau, nhưng vì sự nghiệp chung nên chúng tôi chấp nhận.
Hơn 30 hộ dân bản Kích đã từng đến thăm những điểm đón dân TĐC ngoại huyện theo chỉ dẫn của cán bộ TĐC để di chuyển. Nhưng chỗ thì không đủ số nền nhà theo số hộ hiện tại, chỗ thì nền sụt lún; rồi cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện… tính đi tính lại, chẳng đâu bằng đất cha ông mình gây dựng bao năm, vậy là họ quyết tâm ở lại theo kiểu TĐC tại chỗ.
"Khi đó tôi là Trưởng bản, vác thước ra đo đất, thấy rằng trên cốt ngập 218m theo quy định vẫn còn dư dả đất ở và đất sản xuất vẫn đạt mức trên 1ha/hộ, hơn cả mức đất được cấp so với những điểm chuyển đến. Vậy là họp bản, họp dân, bàn ngày, bàn đêm và quyết tâm trụ lại nơi này"-anh Chanh kể.
(Còn nữa)
Kiều Thiện
Vui lòng nhập nội dung bình luận.