Bản lĩnh 'sao': Việt Hương thổ lộ 'máu điên' quái đản

Diễn viên Việt Hương Thứ tư, ngày 13/01/2016 05:00 AM (GMT+7)
Hơn hai mươi năm miệt mài với nghề, từ những vai nhỏ xíu đến khi thành nhân vật đinh, diễn viên trụ cột, Việt Hương vẫn giữ được sự tử tế và hết lòng với từng vai diễn, với lớp diễn viên đi sau.
Bình luận 0

Đứng lên từ những xô đẩy

15 tuổi, tôi bắt đầu đi hát, hát đám cưới, quán ăn, vũ trường,… những nơi chú ruột tôi vẫn thường chơi trống cho một ban nhạc. Ngày tôi còn nhỏ, dẫu một mình gánh gồng nhưng má đã chắt chiu từng đồng cho tôi đi học đàn, học nhảy, học múa. Chú thấy tôi càng lớn càng có khiếu nên nói với má cho tôi theo hát kiếm thêm chút đỉnh.

Hồi đó, tôi mơ làm bác sĩ, làm giáo viên. Con nít mà, đứa nào chẳng lắm giấc mơ và thay đổi xoành xoạch. Ai dè đi ca, đi diễn riết, tôi đâm mê nghề. Mê đến độ hết phổ thông, nhất quyết thi ngay vào trường Sân khấu, chẳng cần nghĩ ngợi.

Hôm tôi đem chuyện thưa với má, trời nhiều gió lắm. Gió thông thống từ trước ra thẳng sau nhà. Gió quằn quại mớ lá dừa, tả tơi đám lá chuối sau hè. Má ậm ừ thật lâu mới mở lời: “Nhà giờ có mỗi hai mẹ con. Con nên học cái nào để sau này con đỡ khổ. Nhất định, con phải sống tốt hơn má. Má không quyết thay con được!”

img

Chân ướt chân ráo vào trường, trông thấy bộ dạng tôi nhỏ nhỏ lanh lanh, thầy Công Ninh bèn giao cho tôi vai thứ chính trong vở Nữ sinh. Tính tôi lạc quan, hay tếu táo, nghĩ bụng, đóng nghiêm túc, hiền dịu thì không vui chút nào, nên tôi pha thêm chút hài hước. Không ngờ, vai diễn tạo được hiệu ứng, khán giả khoái chí quá, vỗ tay, hú hét rần rần.

Tiếng lành đồn xa, từ đó, hễ có vai nào vui vui là các đạo diễn lại nhớ đến con Hương bé choắt. Cũng chính cái dáng thước tấc không bằng ai, thời đó, tôi toàn đóng vai “nhí”. Khán giả thương lắm. Bữa nào diễn xong, khán giả cũng gởi vào cánh gà, nào xôi, khoai mì nước cốt dừa, bánh mì… đặng ăn cho mau lớn!

Học được chừng một năm, tôi đạt được Huy chương Bạc trong Hội diễn Sân khấu Kịch nói Chuyên nghiệp Toàn quốc năm 1995 với vai Liên trong vở Trò Đùa Người Lớn. Năm 1999, một lần nữa tôi giành được HCV Diễn viên Xuất sắc trong Liên hoan Sân khấu Chuyên nghiệp Toàn quốc. Và tôi được gọi là nghệ sĩ luôn từ đó. Đó có lẽ là quãng thời gian hoa mộng nhất của tôi, vì lúc ấy, tôi chỉ biết học, miệt mài trên sàn tập rồi diễn. Cũng nghĩ, chặng đường trước mắt sẽ tiếp tục khai thông, rộng mở. Nào ngờ gian truân chồng chất.

img

Nghề diễn là nghề cần hình thức và sự nâng đỡ. Trong khi tôi chẳng có điều nào trong hai điều ấy cả. Những lúc, nhìn bạn bè đồng trang lứa được thầy này cô kia, anh chị nọ đi trước đỡ đầu, tôi tủi thân lắm. Như thể mọi thứ đã vào một cuộc đua, người ta chạy tít xa phía trước, còn tôi co ro ngồi khóc ở một xó xỉnh nào đấy.

Tôi đã đứng dậy và tự nhủ, ừ thì người ta chạy, mình đi từ từ rồi cũng tới. Nhưng mà, đời sống nhiều khi cạn cùng hy vọng. Mình càng cố, người ta càng muốn lấn áp, bắt chẹt mình. Chuyện giành vai, ép vai với tôi diễn ra như cơm bữa. Có lần bị người ta ép quá, không nói được, tôi buồn đến độ đang chạy xe mà nước mắt cứ bất giác chảy ròng ròng.

Nước mắt như gềnh thác cuốn theo những muộn phiền, nặng trĩu để mà đứng dậy, mà cố gắng. Bởi có khóc cũng đâu ai biết đến mình, đâu ai rủ lòng thương. Người ta sẽ còn cười nhạo, hả hê vì hóa ra, mình chỉ có thể. Tôi tin, điều gì không hủy diệt được mình, nhất định nó sẽ khiến mình trở nên mạnh mẽ.

Mình không biết mưu mô, không lời ngon tiếng ngọt, không biết cách hạ bệ, chèn ép người khác thì phải đứng bằng khả năng của mình. Lúc đứng được, tự khác sẽ bền vững.

Chưa bao giờ mắc bệnh ngôi sao

Tôi không biết mình có quái đản, có máu điên trong người như những lời truyền miệng không. Chỉ biết, mỗi lần bước lên sân khấu, tôi không còn là tôi nữa. Tôi lăn xả như thể đó là vai diễn cuối cùng, là lần cuối cùng tôi được đứng trên sân khấu. Tôi muốn sống trọn vẹn cuộc đời của nhân vật, nếm trải niềm vui, sự hạnh phúc, cả nỗi đau về thể xác và tinh thần của nhân vật. Dẫu vui, dẫu buồn, cũng phải đi đến tận cùng và làm hết sức. 

Hồi chưa nổi tiếng, tôi tham gia một vai trong vở kịch 8 người đàn bà của đạo diễn Quốc Thảo. Vở có cảnh nhân vật bị ngã lộn ngược từ trên bục cao 2 mét xuống sàn. Đạo diễn ngại tôi không thể làm được nhưng tôi khẳng định chắc nịch sẽ được với điều kiện cho tập trước để… ngã đúng tư thế!

Có lẽ, chính cái tính lăn xả, hết mình ấy mà tôi được nhiều đồng nghiệp thương quý.

img

Hai mươi mấy tuổi tôi được khán giả nhớ mặt biết tên và thương quý, chưa bao giờ tôi có cái gọi là bệnh ngôi sao với khán giả, với đồng nghiệp, với các bạn diễn viên trẻ. Mọi người có thể chê tôi diễn không hay nhưng chưa ai bảo tôi lười biếng, trễ giờ, hạnh họe. Bạn hỏi vì sao ư? Vì mỗi lần thấy các em chập chững vào nghề, tôi lại thấy mình của những ngày tháng gieo neo, mòn mỏi, nước mắt chan bánh mì, mì gói.

Tôi không bao giờ cho phép mình được giẫm lên, được quay lưng lại quá khứ nhọc nhằn. Chuyện đã rồi thì nên bỏ qua nhưng vẫn phải nhớ. Nhớ để tự nhắc nhở mình, vì sao có được hôm nay

Trên ghế giám khảo, bao giờ tôi cũng dành những góp ý nhiệt tâm và chân thành nhất cho các em, để tiết mục sau hay hơn tiết mục trước, để rồi chương trình, các em thấy có điều bổ ích mang theo, ngoài giải thưởng. Tính tôi vốn thẳng, nghĩ gì nói nấy nhưng tôi cũng hết sức cân nhắc, chuyện gì nên phát biểu trên sóng, chuyện gì nên gặp riêng các bạn, các em để trao đổi.

Nhiều người hỏi tôi, chớ góp ý thẳng vậy, không sợ mất lòng sao? Cá nhân tôi tin rằng, khi mình nói bằng cái tâm, bằng cái tình, người nghe nhất định sẽ cảm được. Còn thay đổi hay không là chuyện của họ. Mình không thể can dự.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem