Từ chây ỳ
Năm 1995 hơn 50 hộ, với gần 200 nhân khẩu thuộc diện giải tỏa của Lòng Hồ thủy điện Hòa Bình về xã Chiềng Sơn định cư và đổi tên là Tiểu Khu 10. Bản với 100% đồng bào dân tộc Thái, Mông, quen với việc dựa vào thiên nhiên, khi về bản mới, họ khá lạ lẫm với việc trồng ngô, lúa, chè...
|
Niềm vui của vợ chồng chị Đinh Thị Vân bên đàn bò được mua từ tiền vay vốn của ngân hàng. |
Những năm đầu, vì "lạ nước, lạ cái" nên nhiều người bỏ bê công việc, suốt ngày rượu chè đợi trợ cấp của Nhà nước. Để tạo điều kiện cho người dân ổn định cuộc sống trên quê mới, Ngân hàng CSXH cho bà con vay vốn phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Nhưng hiểu biết hạn chế, nghĩ Nhà nước cho tiền, nên khi nhận tiền họ rủ nhau mua ti vi, xe máy, uống rượu...
Hết tiền, trâu bò không có để cày kéo, không có tiền mua ngô, lúa giống. Xem ti vi, đi xe máy không no, họ lại kéo nhau đi làm thuê ở các xã lân cận kiếm ngày hai bữa. Đến kỳ trả nợ, phần không có tiền, hộ nọ nhìn hộ kia, không hộ nào trả nợ cho ngân hàng. Không thu được vốn, ngân hàng không dám cho vay nữa, bản đã nghèo lại càng nghèo hơn.
Đến tự giác
Trưởng bản Tiểu Khu 10 Lường Văn Tôn cho hay, tổng số tiền bản nợ Ngân hàng CSXH là 171 triệu đồng. "Vì nợ, nên nhiều năm liền ngân hàng không dám cho dân bản vay nữa. Năm 2008, tôi vận động dân bản trả nợ cho ngân hàng, để được vay mới lấy vốn làm ăn. Phải đến khi thấy tôi trả nợ và được vay mới 25 triệu đồng để mua trâu, bò, ngô giống, phân bón, đào ao thả cá rồi thoát nghèo họ mới chịu trả nợ".
Chỉ về những đồi ngô bạt ngàn bà con đang thu hoạch, anh Tôn cười: "Đó là chuyện vài năm về trước, bây giờ bản khác rồi. Hầu hết các hộ đang trả nợ cũ và được ngân hàng tiếp tục cho vay vốn; rồi được cán bộ xã, huyện hướng dẫn cách làm ăn, nên kinh tế các hộ dần ổn định. Đến nay hộ nào cũng có xe máy, ti vi. Nhiều hộ có 2 - 3 cháu đang học đại học, cao đẳng ở Sơn La, Hà Nội".
Tính đến ngày 21.9.2011, tổng dư nợ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Mộc Châu là 182,144 tỷ đồng, trong đó vốn cho vay hộ nghèo là 98,741 tỷ đồng, vay hộ SXKD vùng khó khăn là 30,137 tỷ đồng...
Bà Trịnh Thị Lịch - Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Mộc ChâuMặc dù chỉ cách trung tâm xã hơn 3km, nhưng do đồi dốc, vào mùa mưa đất trơn trượt nên đi lại, vận chuyển hàng hóa rất khó khăn. Năm 2010, dân bản bàn nhau mỗi hộ góp 4 triệu đồng làm đường. Hiểu được lợi ích của việc làm đường, nên ai cũng hưởng ứng. Hộ thì góp xe trâu, người xuống sông đào cát sỏi về đổ làm đường.
Chị Đinh Thị Vân, một hộ dân ở đây phấn khởi: "Từ ngày có đường, mùa ngô, mận, chè xe vào tận bản thu mua, mình muốn ra xã mua phân bón, thuốc trừ sâu cũng tiện. Trước đây, hễ mưa là chịu chết không thể nào ra khỏi bản được".
Anh Đinh Văn Thi, năm 2008 trả hết nợ cũ, anh được ngân hàng cho vay tiếp 20 triệu đồng mua một đôi bò, đến nay anh đã có 5 con bò và 1 con bê. Ngoài ra anh còn trồng gần 1ha ngô, chè mỗi vụ cho thu 30- 40 triệu đồng.
"Từ khi trả hết nợ cũ, được Ngân hàng CSXH cho vay vốn làm ăn, bản mình làm được nhiều ngô, chè lắm. Nhiều hộ trồng tới 2 - 3ha chè, ngô, mỗi vụ thu 70 - 80 triệu đồng. Nhờ có thu nhập từ bò, ngô, chè mà gia đình mới có tiền nuôi hai cháu học đại học, cao đẳng ở Sơn La và Hà Nội" - anh Thi vui vẻ nói.
Việt Tùng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.