Đến với một buổi tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện cho nông dân phường Nghĩa Thành, TP Nghĩa Đại của BHXH tỉnh Đắk Nông, chị Trần Thị Hà (sinh năm 1982, trú tại tổ 8 phường Nghĩa Thành) đã rất tích cực tìm hiểu thông tin.
Chị Hà cho biết, vợ chồng chị đều là nông dân, có vài héc ta trồng tiêu, cà phê. Hiện giờ đang là mùa thu hoạch tiêu, cà phê nên ban ngày vợ chồng chị phải đi thu hoạch, tối mới có thời gian tham gia các buổi tuyên truyền như thế này.
Nghe về chính sách BHXH tự nguyện, chị rất mong muốn được tham gia để có lương hưu lúc về già. "Hiện giờ hai con tôi còn nhỏ, còn đang ăn học cũng tốn kém, nhiều khoản phải chi tiêu. Chỉ có lúc thu hoạch nông sản tiêu, cà phê, bơ như thế này mới rủng rỉnh. Cho nên mình dự định sẽ đăng ký tham gia BHXH tự nguyện cho cả hai vợ chồng".
Chị Hà cho biết, giờ hai vợ chồng có sức lao động, mỗi tháng bỏ ra hơn 2 triệu để đóng BHXH cho cả hai vợ chồng thì cũng "kham" được. "Khi về già, mất sức lao động, có lương hưu sẽ ổn định cuộc sống, đỡ "ngại" với các con. Hơn nữa còn được phát thẻ BHYT miễn phí, cũng tiết kiệm được ối tiền", chị Hà chia sẻ.
Cùng tâm trạng với chị Hoa, chị Phan Thị Thoa (sinh năm 1985, nông dân phường Nghĩa Thành) cũng đang háo hức nghiên cứu chính sách để tham gia BHXH tự nguyện. "Tôi là nông dân trồng tiêu, điều. Hiện giờ tôi có 3 đứa con nhỏ, đang tuổi ăn tuổi học. Nhưng với các mức đóng như hiện nay, coi như tôi bỏ lợn tích cóp cho tuổi già. Hai vợ chồng tôi lo được. Vài trăm mỗi tháng thì ăn vèo cái cũng hết. Nhưng về già có lương hưu thì lại là việc khác, quan trọng hơn", chị Thoa ngẫm nghĩ.
Ông Hồ Đại- Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông cho biết, thời gian gần đây, Hội Nông dân đã tích cực phối hợp với BHXH tỉnh tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tham gia BHXH, BHYT.
Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo Hội Nông dân các cấp phối hợp với BHXH các huyện, thị, thành phố chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch; phối hợp với các Cấp ủy Đảng, chính quyền thường xuyên quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện cho các cấp hội lồng ghép nội dung tuyên truyền chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước.
Hội Nông dân tích cực vào cuộc tuyên truyền BHXH tự nguyện
Hàng năm, Hội Nông dân tỉnh xây dựng kế hoạch phối hợp với các cấp hội kiểm tra, giám sát lồng ghép vào các hoạt động của hội định kỳ 6 tháng, 1 năm. Nội dung kiểm tra, giám sát được các cấp hội tập trung vào công tác phối hợp tổ chức tuyên truyền, lồng ghép các chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước về BHXH tự nguyện, BHYT.
Ðể thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức cho hội viên, cấp hội thường xuyên xây dựng nội dung tuyên truyền, cải tiến hình thức nhằm tạo sự mới mẻ, thu hút hội viên nông dân tham gia BHYT, BHXH tự nguyện phù hợp với các nhóm đối tượng.
Bên cạnh đó, gắn việc tuyên truyền thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, BHXH với nội dung của cuộc vận động xây dựng nông thôn mới. Từ đó, giúp cán bộ, hội viên thấy được tính nhân văn, nhân đạo không vì mục đích lợi nhuận, không vì mục tiêu tài chính, vai trò quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội của chính sách BHYT, BHXH. Cùng với đó, các cấp hội cũng phối hợp với BHXH xây dựng hệ thống đại lý thu BHXH, BHYT do Hội Nông dân các cấp thực hiện.
Trong những năm qua các cấp Hội đã phối hợp với BHXH cùng cấp tổ chức được 43 cuộc tuyên truyền cho gần 2.780 lượt hội viên nông dân tham gia; xây dựng 8 đại lý thu BHXH, BHYT cấp huyện, thành phố, 71 đại lý thu BHXH, BHYT cấp xã .
Thông qua các lớp tập huấn, buổi sinh hoạt chi hội, tổ hội, câu lạc bộ nông dân với pháp luật tại cộng đồng, các chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước về BHXH, BHYT đã dần đi vào cuộc sống. Tính đến nay, Hội Nông dân các cấp đã vận động được 71 hội viên nông dân tham gia BHXH tự nguyện (trong đó huyện Tuy Đức có 21 người, huyện Đăk Song có 50 người) và trên 48.514 lượt hội viên tham gia BHYT.
Ngoài ra, Hội Nông dân tỉnh thường xuyên tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước về BHXH, BHYT trên trang Website và Bản tin Hội Nông dân tỉnh; đồng thời phối hợp với BHXH tỉnh phát hành 4.000 tài liệu tờ gấp "Những điều cần biết khi tham gia BHYT theo hộ gia đình" và "Cẩm nang tuyên truyền, vận động nông dân tham gia BHXH tự nguyện" cho cán bộ cơ sở, chi, tổ hội, qua đó giúp cho cán bộ Hội tại cơ sở thuận lợi trong việc tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tham gia BHXH, BHYT tự nguyện.
Theo ông Đại, để đạt được kết quả như trên là nhờ được sự quan tâm của các Cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để Hội thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT;
Công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân thực hiện các chính sách an sinh xã hội nói chung và BHXH, BHYT nói riêng luôn được xác định là một nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của các cấp Hội và phong trào nông dân. Các hoạt động tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tham gia BHXH, BHYT luôn được sự phối hợp chặt chẽ của BHXH cùng cấp.
Đặc biệt là sự nhiệt tình, năng động, sáng tạo của cán bộ Hội Nông dân cơ sở trong công tác tuyên truyền vận động người dân tham gia BHXH, BHYT đã từng bước đưa chính sách BHXH, BHYT để người dân tiếp cận với chính sách của Đảng và Nhà nước.
"Bên cạnh những mặt đạt được, công tác tuyên truyền tuy có chuyển biến tích cực, nhưng do mức đóng BHYT tăng và sự tham gia của cả hộ gia đình, cộng với tâm lý một số nhóm đối tượng còn trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước nên chưa tích cực trong việc tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; sự quan tâm triển khai Chương trình phối hợp ở địa phương, cơ sở tuy có được tăng cường nhưng mức độ, quy mô, hình thức tuyên truyềncòn hạn chế", ông Đại nhận định.
Ông Đại cho biết, trong thời gian tới Hội Nông dân tỉnh tiếp tục phối hợp xây dựng kế hoạch thực hiện hàng năm; đề xuất các biện pháp, hình thức tổ chức thực hiện theo từng thời điểm thích hợp; tăng cường phối hợp tuyên truyền các chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT bằng nhiều hình thức, đặc biệt chú trọng đến đối thoại trực tiếp tại các xã, phường, thị trấn, thôn, bon, buôn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.