Ban quản trị Chung cư có được cấm và xử phạt cư dân nuôi chó mèo không?
Ban quản trị Chung cư có được cấm và xử phạt cư dân nuôi chó mèo không?
Phi Long
Chủ nhật, ngày 07/04/2024 11:11 AM (GMT+7)
Luật sư Hoàng Anh Sơn, Trưởng Văn phòng luật sư Hoàng Anh Sơn, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh đã phân tích dưới góc độ pháp lý về vấn đề cư dân nuôi chó, mèo ở chung cư.
Luật sư Hoàng Anh Sơn phân tích, theo quy định, Ban quản trị nhà chung cư là một tổ chức đại diện toàn bộ các chủ sở hữu nhà chung cư.
Quyền và trách nhiệm của Ban quản trị nhà chung cư được quy định cụ thể tại Điều 104 Luật Nhà ở 2014 và Điều 41 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 02/2016/TT-BXD.
Như vậy, Ban quản trị có nhiệm vụ thực hiện các công việc quản lý và vận hành nhà chung cư theo quy định về Luật nhà ở và các quy định liên quan để bảo đảm việc sử dụng nhà chung cư an toàn, văn minh và sạch đẹp.
Ban quản trị có được xử phạt cư dân nuôi chó mèo ở chung cư theo Quy chế quản lý vận hành của chung cư?
Chó, mèo hiện nay không chỉ đơn thuần là trông coi nhà, bắt chuột mà nhiều gia đình coi chó, mèo là vật nuôi, là thú cưng bởi sự thân thiện và dễ thương, đẹp đẽ của chúng. Chúng được chăm sóc 1 cách đặc biệt như được cho đi làm đẹp, chữa bệnh...
Căn cứ Khoản 6, khoản 7 Điều 2 Luật Chăn nuôi 2018 quy định: Gia súc là các loài động vật có vú, có bốn chân được con người thuần hóa và chăn nuôi; Gia cầm là các loài động vật có hai chân, có lông vũ, thuộc nhóm động vật có cánh được con người thuần hóa và chăn nuôi.
Tại Phụ lục II Thông tư 23/2019/TT-BNNPTNT hướng dẫn một số điều của Luật Chăn nuôi về hoạt động chăn nuôi thì chó, mèo được xếp vào loại động vật khác.
Đồng thời, Khoản 3, Điều 35 Nghị định 99/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật nhà ở chỉ nghiêm cấm chăn thả gia súc, gia cầm trong khu vực nhà chung cư.
Bên cạnh đó, ngày 18/01/2021 Bộ Xây dựng đã có Công văn số 176/BXD-QLN về việc thực hiện quy định của pháp luật về việc quản lý sử dụng nhà chung cư có nội dung "…Do đó, việc nuôi chó, mèo trong nhà chung cư không thuộc hành vi bị cấm theo quy định nêu trên. Tuy nhiên, tại mỗi nhà chung cư thì các chủ sở hữu, người sử dụng phải tuân thủ các quy định trong bản nội quy quản lý, sử dụng nhà chung cư đã được Hội nghị nhà chung cư thông qua để bảo đảm việc sử dụng nhà chung cư an toàn, văn minh".
Theo đó, việc quản lý nhà chung cư thuộc thẩm quyền của Hội nghị nhà chung cư, tại đây cư dân sẽ thống nhất ban hành và thông qua Bản nội quy thể hiện ý chí, thỏa thuận của toàn thể người dân trong việc quản lý và vận hành nhà chung cư. Đặc biệt các quy định này phải nằm trong khuôn khổ của pháp lý, không được trái với quy định pháp luật và các văn bản pháp luật chuyên ngành.
Do đó, chung cư có Bản nội quy đã được Hội nghị nhà chung cư thông qua quy định rõ về các chế tài xử phạt khi cư dân nuôi chó mèo vi phạm thì Ban quản trị nhà chung cư có quyền tiến hành thu các khoản tiền này khi cư dân vi phạm căn cứ theo các quy định trong bản Nội quy quản lý, sử dụng nhà chung cư.
Tuy nhiên cũng cần phải xác định việc xử phạt của Ban trị nhà chung cư không phải là hình thức xử phạt hành chính theo Pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà đây chỉ là nội quy, quy định nội bộ của chung cư, thể hiện ý chí của nhóm cư dân trong chung cư đó nhằm đảm bảo an ninh trật tự, nâng cao điều kiện sống, chất lượng của tòa nhà chung cư.
Tuy vậy, hiện nay việc răn đe bằng các quy định xử phạt như trên thường khó khăn và không hiệu quả bởi không mang tính chất cưỡng chế, quyền lực Nhà nước. Trên hết vẫn phải dựa vào ý thức từ mỗi cư dân. Ban quản lý và Ban quản trị cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, lối sống văn minh cho toàn thể cư dân.
Như vậy, căn cứ vào các quy định trên, nếu Nội quy ban quản lý, sử dụng nhà chung cư đã được Hội nghị nhà chung cư thông qua thì cư dân phải chấp hành, còn chưa được thông qua thì Ban quản trị sẽ phải nghiên cứu, vận dụng các quy định chung của pháp luật để giải thích, vận động người dân thực hiện nghiêm túc, đảm bảo hài hoà lợi ích của cá nhân và cộng đồng.
Lưu ý: Chủ nuôi chó, mèo cần phải thực hiện các yêu cầu được quy định tại Điều 66 Luật Chăn nuôi 2018 như sau:Thực hiện tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo theo quy định của pháp luật về thú ý; Khi nghi ngờ chó, mèo có triệu chứng bệnh dại phải báo ngay cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cán bộ chăn nuôi, thú y cơ sở và thực hiện xử lý theo quy định của pháp luật về thú y; có biện pháp bảo đảm an toàn cho người và vật nuôi khác, giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y; trường hợp chó, mèo tấn công, gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.