Các hộ nuôi chó mèo ở chung cư làm ảnh hưởng cuộc sống cư dân: Có nên ngừng cung cấp dịch vụ?

Gia Khiêm Thứ ba, ngày 25/10/2022 07:00 AM (GMT+7)
Trước những chuyện tranh cãi về nuôi chó mèo tại chung cư, nhiều chuyên gia đã lên tiếng vì sao nuôi những loài vật này ở khu đô thị, đặc biệt tại các toà nhà cao tầng dễ bị phản ứng gay gắt.
Bình luận 0

Vì sao nuôi chó mèo ở chung cư khiến hàng xóm dễ từ mặt nhau?

Nhiều năm qua, câu chuyện nuôi chó, mèo ở chung cư vẫn luôn vấn đề nhức nhối. Âu cũng chỉ vì những gia đình cá biệt, thiếu ý thức cho thú cưng phóng uế bừa bãi, gây ồn ào... làm ảnh hưởng tới sinh hoạt của các hộ khác cùng khu ở. Thêm vào đó, pháp luật hiện hành vẫn chưa có quy định về việc này. 

Trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho hay, chó mèo vốn là vật nuôi gần gũi với con người. Có nhiều người yêu thích nuôi chó mèo để bầu bạn nhưng có không ít người vốn không thích chó mèo, đặc biệt tại khu chung cư. 

Vì sao nuôi chó mèo ở chung cư khiến hàng xóm dễ từ mặt nhau? - Ảnh 1.

Hình ảnh chó mèo không rọ mõm chạy tung tăng khu vực sân chung cư HH Linh Đàm, Hà Nội tối ngày 23/10. Ảnh: Gia Khiêm

"Do đặc trưng cấu trúc không gian đô thị và lối sống đô thị phải tương thích với không gian hiện hữu nên việc nuôi chó, mèo còn gặp nhiều bất cập về vệ sinh, tiếng ồn. Trong điều kiện còn hạn chế, nuôi chó mèo gây ra sự khó chịu. 

Phải chăng người Việt bị đường hô hấp nhiều hơn nên nhiều người dị ứng với lông chó, mèo gây ra chuyện không bằng lòng với hàng xóm, thậm chí tranh cãi, từ mặt nhau, nhất là ở khu chung cư. Hiện luật pháp vẫn chưa có quy định cấm, một số gia đình tỏ ra nhà có điều kiện nuôi chó mèo làm cảnh, tuy nhiên việc nó cắn sủa bất kể lúc nào thì khó kiểm soát được", ông Đức nêu quan điểm.

Vì sao nuôi chó mèo ở chung cư khiến hàng xóm dễ từ mặt nhau? - Ảnh 2.

Theo thống kê, tính riêng 12 toà nhà tại chung cư HH Linh Đàm có khoảng 200-300 chó mèo được nuôi. Ảnh: Gia Khiêm

Về vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội) cho hay, hiện nay mỗi người có một khung giờ nghỉ ngơi khác nhau. Chính vì vậy, mọi người cần được tôn trọng khoảng thời gian khác nhau. 

Vì sao nuôi chó mèo ở chung cư khiến hàng xóm dễ từ mặt nhau? - Ảnh 3.

Hình ảnh người dân dắt chó đi dạo không rọ mõm. Ảnh: Cao Oanh

"Khác với ở mặt đất có không gian rộng rãi, tiếng chó mèo không gây ồn ào thì ở trong khu chung cư nếu nuôi chó mèo sẽ rất ồn ào, có mùi, rụng lông hoặc trẻ vui chơi ở khu vực đó khiến mất an toàn, sợ hãi. Ở chung cư nếu không có quy định chung sẽ làm phiền đến mọi người nhiều", PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ.

Vì sao nuôi chó mèo ở chung cư khiến hàng xóm dễ từ mặt nhau? - Ảnh 4.

Chuyện nuôi chó mèo ở chung cư khiến nhiều người dở khóc dở cười. Ảnh người dân cung cấp

Theo ông Nam, một số khu chung cư đã đưa ra quy định cấm nuôi chó mèo nhưng có người vẫn lén nuôi để "bầu bạn, vui đùa", tìm mọi cách thức nuôi, chuyện này xuất phát từ ý thức cộng đồng chưa được tốt dẫn đến nhiều hệ luỵ khi sống chung với nhau trong toà chung cư như vậy.

"Không chỉ chó mèo mà có người còn nuôi cả chim. Mỗi sáng sớm chim hót vang lên chưa kể tiếng chó mèo… Càng ngày nhu cầu được tôn trọng mang tính chất cá nhân hoá sẽ càng nhiều, ý thức của chúng ta trong bối cảnh hiện tại nhiều khi chưa theo kịp với sự phát triển của xã hội cho nên có một số mâu thuẫn ở chung cư lớn khi sống tập thể với nhau", ông Nam phân tích.

Giải pháp nào về nuôi chó mèo ở chung cư?

Đề xuất giải pháp, PGS.TS Lê Quý Đức cho rằng, Ban quản lý chung cư có thể tìm một căn cứ khác ngoài luật, cụ thể như khảo sát cư dân và ban hành quy định theo số đông, truyền thông lý do vì sao cấm để người dân hiểu và thông cảm,… 

Đối với trường hợp cho phép nuôi chó, mèo, để bảo vệ mỹ quan chung, tránh ảnh hưởng cộng đồng, Ban quản lý cần có những quy định dành cho cư dân nuôi chó, mèo để hoạt động của vật nuôi tại chung cư không ảnh hưởng đến chất lượng sống của người dân.

Vì sao nuôi chó mèo ở chung cư khiến hàng xóm dễ từ mặt nhau? - Ảnh 5.

Hình ảnh chó phóng uế bừa bãi tại khu vực sảnh chung cư được cư dân chụp lại màn hình. Ảnh cư dân cung cấp

"Trước phản ứng của xã hội, người nuôi chó mèo phải suy nghĩ, còn theo luật không ai cấm. Từng chung cư phải có ban quản trị, bàn bạc chia sẻ với nhau đặc biệt chủ vật nuôi cần suy nghĩ trước phản ứng, điều kiện xã hội hiện nay", ông Đức nêu rõ.

Còn với PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, nhà chung cư nên có quy chế, dịch vụ riêng. Theo đó, nếu chủ đi vắng, chó mèo cần có nơi nuôi nhốt riêng để không làm ảnh hưởng tới người xung quanh. Đặc biệt, người nuôi chó mèo phải tuân thủ quy định của toà nhà để không ảnh hưởng đến người xung quanh.

Theo một số chuyên gia, ban quản trị các toà chung cư cần có quy định rõ ràng về việc nuôi chó mèo. Cụ thể, phải đăng ký với chính quyền, cam kết thực hiện các quy định chung về việc nuôi nhốt, không gây ảnh hưởng xung quanh, có giấy tờ tiêm phòng đầy đủ. 

Khi mang chó mèo từ căn hộ ra ngoài chung cư khu vực công cộng phải đảm bảo cho vào giỏ, túi hoặc rọ mõm, xích. Trường hợp không đảm bảo gây mất vệ sinh chung sẽ bị xử phạt, thậm chí ngừng cung cấp dịch vụ như nước và các dịch vụ khác nếu cố tình tái phạm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem