Khu đất 8-12 Lê Duẩn với diện tích gần 5.000 m2 có vị trí đắc địa khi giáp 3 mặt tiền đường trung tâm, gần sát Hội trường Thống Nhất, Nhà thờ Đức Bà ở quận 1. Ảnh: Lê Quân.
Lần thứ 1 (2013) Thanh tra TP.THCM thực hiện, lần thứ 2 (2016) Thanh tra Chính phủ thực hiện, kiến nghị Thủ tướng giải quyết, nhưng ở thời điểm đó Thủ tướng đã không quyết định?! “Quá tam ba bận”, lần này Thanh tra Chính phủ quyết làm và đã có văn bản số 645/KL-TTCP ngày 4.5.2018 gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị thu hồi đất vàng và nghiêm túc xử lý các cá nhân, đơn vị để xảy ra sai phạm…
“Của chung ai khéo vẫy vùng thành riêng”
Theo kết luận thanh tra, khu đất vàng nói trên thuộc sở hữu Nhà nước, Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP Hồ Chí Minh được giao nhiệm vụ quản lý và cho thuê.
Trước đây, 4 đơn vị thuộc Bộ Công Thương gồm Công ty CP thiết bị phụ tùng Sài Gòn, Công ty CP hóa chất vật liệu điện thành phố, Công ty CP Kim khí thành phố và Công ty CP Vận tải xăng dầu thuê làm trụ sở.
Theo đề nghị của Bộ Công Thương, năm 2010, UBND TP.HCM đồng ý lập Công ty CP đầu tư Lavenue gồm các cổ đông: Công ty TNHH MTV quản lý kinh doanh nhà thành phố góp 50% vốn và 4 công ty thuộc Bộ Công Thương, mỗi đơn vị góp 12,5% vốn để thực hiện dự án.
Điều không bình thường là UBND TP. HCM cho Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm hợp tác góp 30% vốn trong 50% vốn của Công ty TNHH MTV quản lý kinh doanh nhà thành phố, khi thực lực tài chính và kinh nghiệm của công ty này có vấn đề!
Vấn đề không bình thường tiếp theo là: Vừa được thừa nhận là cổ đông sáng lập công ty CP, 4 công ty thuộc Bộ Công Thương đã “thoắt trao tay” số cổ phần của mình cho Công ty TNHH Đầu tư Kinh Đô (nay là Công ty TNHH Đầu tư Kido). Theo đó, Công ty Kido tiếp nhận quyền đầu tư phát triển dự án trên khu đất vàng. Và lắt léo nữa: Giá chuyển nhượng được thỏa thuận giữa các bên là 62,5 tỷ đồng/công ty. 4 công ty trên đã ký hợp đồng vay vốn của Công ty TNHH đầu tư Kinh Đô với 12,5 tỷ đồng/đơn vị. Số tiền này được sử dụng để góp đủ vốn số cổ đông sáng lập.
Tiền đã lo xong, đất đã cắm rồi?
Tháng 6.2011, UBND TP.HCM chấp thuận cho Công ty CP đầu tư Lavenue sử dụng 5.000 m2 đất vàng nói trên để xây dựng khách sạn cao cấp, thương mại - dịch vụ, căn hộ cho thuê có thời gian sử dụng đất là 50 năm. UBND TP.HCM chấp thuận hình thức sử dụng đất là Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất đối với khu đất tại số 8 Lê Duẩn (3.400 m2) và Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê hàng năm đối với khu đất số 12 Lê Duẩn.
UBND TP.HCM đã phê duyệt giá trị quyền sử dụng đất và giá trị công trình xây dựng trên đất tại số 8 Lê Duẩn theo giá thị trường là hơn 621,7 tỷ đồng. Duyệt đơn giá thuê đất tại số 12 Lê Duẩn theo giá thị trường là hơn 3,5 triệu đồng/m2/năm (tính ra khoảng 292.000 đ/m2/tháng). Một mức giá bèo chưa từng có! Đây cũng là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến người dân TP. HCM nói chung và đặc biệt cộng đồng doanh nghiệp bức xúc khi họ phải chấp nhận giá cho thuê đất ở các vị trí không đắc địa nhưng giá thuê vẫn cao. Đó là lý do dư luận yêu cầu làm rõ dấu hiệu lợi ích nhóm, lợi ích chuỗi?
Xét về vị trí, đất đường Lê Duẩn đoạn trung tâm thành phố có giá không thấp hơn 400 triệu đồng/m2. Đây lại là khu đất gần Hội trường Thống nhất và Nhà thờ Đức Bà, do vậy nếu thực hiện đấu giá khu đất này, khoản thu không dưới 2.000 tỷ đồng là có cơ sở, bởi sẽ áp dụng đơn giá cho thuê thương mại, dịch vụ và khách sạn cao cấp cao hơn đơn giá mà Sở Tài chính thành phố đã đề xuất trình UBND TP.HCM phê duyệt.
Phía Công ty Lavenue, tính đến ngày 30.6.2016, khoản tiền sử dụng đất và tiền thuê đất đã được nộp đủ vào ngân sách. Và họ đã được Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM cấp GCN quyền sử dụng đất. Như vậy, tính pháp lý cho chủ đất mới đã hoàn tất. Sổ đỏ đã dắt lưng, nhưng không vì thế mà dễ dàng “nuốt trôi”, vì sao? Vì giá cho thuê bằng 1/3 giá trị thật! Bởi vậy thu hồi đất chấp nhận bồi thường, xử lý trách nhiệm cá nhân, đơn vị vi phạm, đấu giá QSD đất sẽ là những bước đi minh bạch mà dư luận đang chờ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.