Bán xe máy, tranh thủ đi sớm về khuya kiếm tiền học phí cho con

Võ Đức Phúc Thứ hai, ngày 15/09/2014 14:46 PM (GMT+7)
Bất kỳ bậc cha mẹ nào có con em ở độ tuổi đến trường cũng mang nặng một nỗi lo đóng học phí đầu năm học cho con. Nỗi lo đó dường như đã trở thành nỗi ám ảnh khó quên như một “căn bệnh” trầm kha đến hẹn lại lên. 
Bình luận 0

Nhà nào khá giả một chút thì coi chuyện đóng học phí cho con em họ chỉ là chuyện bình thường. Nhưng các bậc cha mẹ có mức thu nhập trung bình, khoảng dưới chục triệu đồng/tháng như các cặp vợ chồng làm công nhân hay các cán bộ công nhân viên đang hưởng đồng lương ít ỏi thì mức đóng học phí đầu năm học là một nỗi ám ảnh thực sự.

img
 Ảnh minh họa từ internet

 

Cầm trên tay bảng kê học phí đầu năm học gồm các khoản: Tiền ăn bữa trưa, ăn sáng, học phí nuôi dạy, điện, vệ sinh phí, y tế phí… tổng cộng gần 3 triệu/tháng, một chị phụ huynh có con học lớp lá tại một trường mầm non tư ở mức bình dân tại quận Gò Vấp, TP.HCM than thở như khóc. Đó là chưa kể mức thu phí cơ sở vật chất 3.000.000 đồng/năm nữa dù khoản phí này không bắt buộc phải đóng nhưng ngầm hiểu rằng không có phụ huynh nào…không dám đóng.

Chị N.C (quận Gò Vấp, TP.HCM) cho biết để có tiền kịp đóng học cho con, chị phải bán chiếc xe máy, giờ mỗi ngày phải đi nhờ xe của các phụ huynh khác cũng không đáng lo lắm. Nhưng thiếu phương tiện kiếm cơm hàng ngày của chị, là chiếc xe máy, thì thật đáng lo. Chị kể xóm trọ gần nhà chị có cô công nhân trẻ, không chồng, nhưng có con học lớp lá, hàng ngày đi làm về đón con, chưa kịp ăn cơm thì lại gửi con cho chị rồi tất tả đi ngay, không biết làm gì nhưng về rất khuya, sặc mùi rượu. “Hỏi chuyện thì nó khóc, bảo phải tranh thủ kiếm tiền đóng học phí đầu năm cho con” – chị kể.

Không chỉ là câu chuyện của chị N.C, chuyện của xóm trọ công nhân nghèo lo lắng tiền học phí cho con mà hàng ngàn phụ huynh có mức thu nhập thấp ở các thành phố lớn đều có chung một nỗi lo về lạm thu phí đầu năm học của các trường.

Năm nay, nhiều trường tỏ ra có kinh nghiệm hơn khi không vội công bố mức thu học phí “một cục” như các năm trước mà chẻ nhỏ ra để thu từng giai đoạn hoặc “dấm dúi” thu mà không công khai hoặc là đẩy trách nhiệm qua cho hội phụ huynh học sinh thu thông qua hình thức đóng góp nào là mua máy lạnh, quạt, tivi, máy chiếu, đóng tiền điện cho máy lạnh, bảo trì… mà những gia đình có thu nhập thấp mới nghe thôi đã thấy choáng. Dù các khoản phí trên chỉ mang tính khuyến khích đóng nhưng liệu có phụ huynh “ăn ngon ngủ yên” mà lơ khoản đóng góp này khi con em mình đang học ở trường hay không? Đặc biệt, khoản đóng góp cơ sở vật chất thì năm nào các trường cũng thu nhưng ít ai kiểm soát được nhà trường sử dụng nó để đầu tư vào mục đích gì.

Không biết đến bao giờ, các loại phí đầu năm học mới thôi là gánh nặng và nỗi lo âu của đa số các bậc phụ huynh? Và nếu như điều này vẫn còn là một ước mơ xa vời của hàng chục vạn gia đình thì chí ít trước mắt, ngay vào thời điểm hiện tại, các cấp quản lý ngành giáo dục cần phải đưa ra những biện pháp hữu hiệu để chấn chỉnh, quản lý tình trạng lạm thu phí vào mỗi đầu năm học.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem