Theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP của Chính phủ, từ ngày 1/7/2024, mức lương cơ sở sẽ tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng. Như vậy, bảng lương mới giáo viên từ ngày 1/7/2024 sẽ tăng thêm khoảng 30%.
Bảng lương mới của giáo viên từ 1/7/2024 sẽ được điều chỉnh như sau:
Công thức tính tiền lương giáo viên: Mức lương = Mức lương cơ sở x hệ số lương + phụ cấp + thâm niên (nếu có)
Mức phụ cấp ưu đãi nhà giáo được tính thế nào?
Khoản 1 Mục II Thông tư liên tịch 01/2006/TTLT-BGD&ĐT-BNV-BTC quy định về các mức phụ cấp ưu đãi nhà giáo:
- Mức phụ cấp 25% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các các cơ sở giáo dục công lập sau: Các trường đại học, cao đẳng, các học viện, trường bồi dưỡng của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương; Các trường chính trị của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (trừ nhà giáo giảng dạy trong các trường sư phạm, khoa sư phạm và nhà giáo dạy môn khoa học Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh).
- Mức phụ cấp 30% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các các cơ sở giáo dục công lập sau: Các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm dạy nghề ở đồng bằng, thành phố, thị xã; Các trường trung học chuyên nghiệp, trường dạy nghề; Các trung tâm bồi dưỡng chính trị của huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh.
- Mức phụ cấp 35% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các các cơ sở giáo dục công lập sau: Các trường mầm non, tiểu học ở đồng bằng, thành phố, thị xã; Các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, các trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm dạy nghề ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa.
- Mức phụ cấp 40% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường sư phạm, khoa sư phạm (đại học, cao đẳng, trung học), trường cán bộ quản lý giáo dục và đào tạo và nhà giáo dạy môn chính trị trong các trường trung học chuyên nghiệp, trường dạy nghề.
- Mức phụ cấp 45% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy các môn khoa học Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh trong các trường đại học, cao đẳng.
- Mức phụ cấp 50% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường mầm non, tiểu học ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa.
Cách tính phụ cấp ưu đãi của giáo viên
Căn cứ khoản 2 Mục II Thông tư liên tịch 01/2006/TTLT-BGD&ĐT-BNV-BTC quy định về tính phụ cấp ưu đãi nhà giáo:
Mức phụ cấp ưu đãi được hưởng = Mức lương tối thiểu chung (Mức lương cơ sở) x [hệ số lương theo ngạch, bậc hiện hưởng + hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) + % (quy theo hệ số) phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)] x tỷ lệ % phụ cấp ưu đãi.
Ý kiến của giáo viên
Thầy Nguyễn Minh Đạt, giáo viên THPT ở Hà Nội cho biết: "Cũng như trước đây, bảng lương mới của giáo viên từ ngày 1/7/2024 chia theo bậc học Mầm non, Tiểu học, THCS, THPT và hạng 1, 2, 3. Ngoài ra, giáo viên có sự chênh lệch phụ cấp theo vùng miền hay còn gọi là mức phụ cấp ưu đãi.
Như tôi hiện đang hưởng hệ số lương 4,98. Bắt đầu từ tháng 7, bảng lương mới của tôi cộng tiền lương cơ sở với tiền thâm niên nhà giáo, phụ cấp lương và ưu đãi là 30%, tôi sẽ nhận tổng lương là 19.101.000 đồng. Tôi thấy đây là mức lương và mức phụ cấp khá hợp lý, được nhiều giáo viên khác ủng hộ".
Cô Nguyễn Thị Thủy, giáo viên Trường THCS Tân Định, quận Hoàng Mai, Hà Nội, đánh giá: "Lương cơ sở tăng lên 2,34 triệu đồng là một tín hiệu tích cực cho thấy sự vào cuộc quyết liệt của các ban ngành tới đời sống nhà giáo. Nguyện vọng giáo viên sống được nhờ tiền lương đang từng bước được hiện thực hoá - điều mà nhiều thế hệ nhà giáo luôn trăn trở.
Thời gian qua, nhiều giáo viên đề xuất tăng lương cơ sở và giữ nguyên phụ cấp thâm niên. Các cấp lãnh đạo đã có sự lắng nghe, tiếp nhận kịp thời những tâm tư, nguyện vọng của nhà giáo và từ đó đưa ra quyết định phù hợp, mang tính công bằng. Chỉ khi được tạo động lực làm việc thì thầy cô mới yên tâm gắn bó với nghề giáo".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.