Các phytoplankton, hay gọi là những thực vật phù du hoặc những vi tảo, phát triển mạnh ở Nam Cực vào mùa hè ở nam bán cầu. Tuy nhiên, hình ảnh mới của Đài Quan sát Trái Đất của NASA cho thấy loại tảo này vẫn đang tiếp tục sinh trưởng trong mùa thu.
Thời gian này là lúc băng ở Nam Cực đang hình thành do nhiệt độ thấp dần, khiến các loài tảo vừa sinh sôi dường như bị mắc kẹt lại trong các lớp băng và gắn chặt với những tảng băng.
Nhà nghiên cứu khí hậu biển Jan Lieser của Trung tâm Nghiên cứu hợp tác về Khí hậu Nam Cực (Úc)cho biết, các phytoplankton chính là nguyên nhân gây ra băng có màu xanh lục tại Nam Cực, hiện tượng tương tự cũng đã được quan sát vào năm 2012.
Băng ở Nam Cực chuyển màu xanh lục bí ẩn do sự sinh sôi của các loài vi tảo. Ảnh: NASA Earth Observatory.
Hồi năm 2012, một ‘đóa hoa khổng lồ’ cũng được tạo ra bởi các loài vi tảo và băng mới hình thành có chiều dài 200 km và chiều rộng đến 100 km. Tuy nhiên khi quan sát cận cảnh hiện tượng này, cho thấy các quần thể tảo trôi tự do trên mặt nước chứ không gắn chặt vào băng như lần này.
NASA cho biết băng đá, gió, ánh sáng Mặt Trời, chất dinh dưỡng có sẵn trong tự nhiên, số lượng các động vật săn mồi...là những yếu tố quan trọng quyết định liệu các loài sinh vật phù du có thể phát triển thành một quần thể đủ lớn khiến các tảng băng ở Nam Cực đổi màu hay không.
Theo các nhà khoa học, phytoplankton có vai trò rất quan trọng trong hệ sinh thái biển ở nam Đại Tây Dương, là một phần quan trọng trong chuỗi thức ăn của các loài sinh vật khác.
Hiện tượng này ít khi quan sát được, do thời gian băng hình thành trễ hơn so với thời gian sinh sôi của vi tảo. Ảnh: NASA Earth Observatory.
Nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi chưa giải thích được về những loài thực vật phù du này. Lieser tự hỏi: “Loài vi tảo này phát triển mạnh mẽ vào mùa xuân và mùa hè, vậy mùa đông chúng đã đi đâu?”.
Sắp tới đây vào tháng 4, các nhà nghiên cứu sẽ thực hiện một cuộc khảo sát quy mô lớn để tìm hiểu và tìm ra câu trả lời cho vấn đề này.
PV (Khám Phá)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.