Tinh hoa làng nghề và đặc sản vùng miền năm 2024 là sự kiện thường niên mang tính chính trị, kinh tế, văn hóa quan trọng của TP.HCM và các tỉnh thành trên cả nước. Đó là khẳng định của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng tại lễ khai mạc Tinh hoa làng nghề và đặc sản vùng miền năm 2024 sáng 12/12.
Chương trình năm nay thu hút sự tham gia hơn 30 tỉnh, thành phố, quy tụ hơn 200 doanh nghiệp tiêu biểu với hơn 500 sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm đặc sản, sản phẩm OCOP từ các vùng miền của Việt Nam.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng (trái) tham quan các gian hàng tại chương trình Tinh hoa làng nghề và đặc sản vùng miền năm 2024. Ảnh: Quang Dương
Phó chủ tịch UBND TP.HCM nêu một số đặc sản có tại Tinh hoa làng nghề và đặc sản vùng miền năm 2024 như: ruốc cá rô đồng OCOP 4 sao tỉnh Ninh Bình, bánh phồng tôm Nhà Cổ Ba Đức OCOP 4 sao tỉnh Tiền Giang, vải dệt thổ cẩm OCOP 4 sao tỉnh Lào Cai, miến dong OCOP 3 sao tỉnh Lào Cai, bánh ít lá gai OCOP 3 sao tỉnh Bình Định, tiêu hạt OCOP 3 sao tỉnh Bình Phước…
Chương trình lần này có các làng nghề nổi tiếng tham gia như: Làng nghề mây tre đan huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng; làng nghề dệt chiếu Long Định, tỉnh Tiền Giang; làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc tỉnh Bến Tre; làng nghề dệt đũi Nam Cao tỉnh Thái Bình; làng nghề đúc rèn tỉnh Lai Châu; làng nghề tơ tằm, lụa Mã Châu tỉnh Quảng Nam. Tỉnh Gia Lai mang đến làng nghề dệt thổ cẩm và văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.
Khu vực TP.HCM tái hiện sinh động các làng nghề truyền thống: Làng nghề đan đát Thái Mỹ (huyện Củ Chi); Làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông (huyện Củ Chi); Làng nghề se nhang Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh); Làng nghề trồng mai vàng Bình Lợi (huyện Bình Chánh).
Đặc biệt, khu sân khấu của sự kiện diễn ra hoạt động trình diễn, giới thiệu và quảng bá các làng nghề truyền thống và hoạt động tương tác, trải nghiệm tiếp cận văn hóa các địa phương như: Làng nghề truyền thống Bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc, tỉnh Bến Tre - di sản văn hóa phi vật thể; sinh hoạt cộng đồng và văn hóa cồng chiêng tỉnh Gia Lai; Làng nghề bánh tét Trà Cuôn, tỉnh Trà Vinh; giới thiệu hệ sinh thái nông nghiệp - du lịch bản địa tỉnh Lâm Đồng...
Khách tham quan có thể tiếp cận, cùng các nghệ nhân tạo tác sản phẩm, tham gia các hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng và thưởng thức các loại hình văn hóa nghệ thuật được công nhận là di sản văn hóa, các đặc sản nổi tiếng từ khắp Việt Nam.
Bên cạnh đó, trong khuôn khổ chương trình, Ban Tổ chức thực hiện Hội nghị kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam với các hệ thống phân phối hiện đại. Nhằm mục tiêu hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất tìm kiếm cơ hội hợp tác, liên kết kinh doanh, kết nối cung cầu, tiêu thụ hàng hóa, tìm kiếm thị trường và cơ hội phát triển cho sản phẩm làng nghề, sản phẩm đặc sản của các vùng miền Việt Nam.
Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM, chương trình lần này nhằm thực hiện nội dung thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực kinh tế giữa TP.HCM và 5 vùng. Qua đó, tôn vinh những giá trị đặc sắc, truyền thống, gìn giữ và phát huy giá trị các sản phẩm làng nghề, các sản phẩm đặc sản vùng miền và sản phẩm OCOP, những giá trị đặc sắc trong văn hóa nghệ thuật của các địa phương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.