Bao cát dã tràng

Thứ năm, ngày 15/12/2011 20:52 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Không phải đến năm nay, khi áp thấp xuất hiện nhiều ở khu vực nam Biển Đông, triều cường mới có dịp hoành hành các làng chài ven biển dọc miền Trung như những ngày gần đây mà chuyện sạt lở do triều cường là câu chuyện cũ.
Bình luận 0

Mỗi khi gió mùa đông bắc tràn về vào dịp cuối năm là triều cường lại xuất hiện, đe dọa các làng chài. Tuy nhiên, chuyện cũ mà có cách khắc phục mới thì dân được nhờ, còn vẫn “chống sạt lở” bằng những bao cát mang tính phủi nóng như lâu nay thì người dân gọi đó là “bao cát dã tràng”.

Làng chài An Cường, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) từng bị bão số 9 năm 2009 và lũ ống hồi cuối năm 2010 tàn phá tơi bời, dân vừa mới dựng nhà tạm, ở chưa ấm lưng, nay lại bị triều cường gõ cửa lần nữa.

Trên 10.000 bao cát được 150 cán bộ chiến sĩ Bộ đội Biên phòng và dân quân du kích của xã trần lưng dưới mưa gió để “chống trời” bằng 700m bờ kè dọc biển vẫn không thể cứu được 38 ngôi nhà chênh vênh bên sóng dữ. Cũng như 300 bao cát “miễn phí” từ Ban phòng, chống lụt bão vẫn không cứu được bờ kè xóm An Vũ, xã An Ninh Đông, huyện Tuy An (Phú Yên) và 2.200 bao cát “cấp tốc” cũng không giữ được bờ kè Tân Mỹ, xã Thanh Hải và thị trấn Khánh Hải (Ninh Thuận).

Phía sau những bờ kè ấy là hàng nghìn số phận đang “treo đầu ngọn sóng” nhưng không còn cách nào khác là bỏ của chạy lấy người hoặc đành bất lực đứng nhìn nhà mình trôi tuột ra biển. Đã từng xảy ra những đợt triều cường xóa sổ luôn cả ngôi làng ở phía cuối dòng sông Vệ thuộc xã Nghĩa An và thôn Thạch Bi, Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) cách đây không lâu.

Có một thực tế đã và đang diễn ra tại các làng chài ven biển miền Trung hiện nay là do sức ép tăng dân số quá lớn trong khi quỹ đất của làng thì vẫn giữ nguyên đã khiến cho nhiều gia đình ngư phủ “sống liều”. Họ dựng những ngôi nhà tạm bợ ngay trên bãi cát, cách mép biển chừng năm chục mét làm “tổ ấm” cho cả gia đình.

Ở như thế, triều cường không cuốn nhà của họ ra biển mới là chuyện lạ! Vì vậy, kè bằng những bao cát chỉ có thể an ủi về mặt tinh thần đối với những gia đình có nhà treo ngọn sóng này chứ không thể ngăn được triều cường. Dân biển đặt tên “bao cát dã tràng” để chỉ cho việc làm mang tính phủi nóng mỗi dịp triều cường là vậy.

Rất cần có một “chiến lược đê biển” mang tính căn cơ, từ việc xây bờ kè quy mô đến việc chuyển dân đến những khu tái định cư an toàn thì mới mong chấm dứt tình trạng “bao cát dã tràng” vừa tốn tiền lại vừa hao công sức của bộ đội lẫn người dân mà chẳng giải quyết được điều gì.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem