Báo chí và bài toán phát triển nguồn thu: Bản quyền sẽ là vấn đề sống còn

Hà Thúy Phương Thứ sáu, ngày 12/06/2020 06:44 AM (GMT+7)
Để cải thiện nguồn thu của báo chí cũng như chất lượng sản phẩm báo chí, cần có sự hỗ trợ chính sách từ các cơ quan nhà nước, sự chia sẻ trách nhiệm của các nhà mạng và cả sự đồng lòng từ người đọc.
Bình luận 0

Diễn đàn Tổng Biên tập "Báo chí và bài toán phát triển nguồn thu" diễn ra sáng 11/6 tại Hà Nội có sự tham gia của đại diện Hội Nhà báo, đại diện các cơ quan quản lý báo chí và gần 30 đại biểu là tổng biên tập các cơ quan báo chí trong cả nước.

Diễn đàn Tổng biên tập "Báo chí và bài toàn phát triển nguồn thu" diễn ra 3 phiên thảo luận: Báo chí và bài toán phát triển nguồn thu, Báo chí phát triển nguồn thu: Bệ đỡ nào từ chính sách, nhà nước? Những kiến nghị chính sách để báo chí tiếp tục phát triển thêm nguồn thu, đảm bảo kinh tế báo chí được thảo luận trực tiếp tại diễn đàn. 

Báo chí và bài toán phát triển nguồn thu - Cần hỗ trợ từ chính sách nhà nước - Ảnh 1.

Diễn đàn Tổng Biên tập "Báo chí và bài toán phát triển nguồn thu".

Giảm nguồn thu gây hiệu ứng tiêu cực về cách làm báo

Các ý kiến tại diễn đàn cho thấy thực trạng  báo chí đang bị giảm nguồn thu 30 – 70%. Việc giảm nguồn thu đã gây tác dụng tiêu cực khiến các đơn vị báo chí gặp khó khăn gay gắt, không đủ chi phí nguồn lực để duy trì hoạt động cần thiết, đời sống của phóng viên bị ảnh hưởng, việc nợ lương nợ nhuận bút là nỗi xấu hổ của một số cơ quan báo chí thời gian vừa qua. Khó khăn đã làm nảy sinh những vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm luật báo chí, có hành vi làm suy giảm uy tín báo chí với xã hội, đó là nỗi đau đánh vào lòng tự trọng của những người làm báo chân chính.

Ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng cho rằng, thực tế nhiều cơ quan báo chí phải "đi hai chân", vừa phải đảm bảo nhiệm vụ chính trị, vừa phải kinh doanh, đầu tư ngoài ngành... Dù thế nào thì việc sút giảm nguồn thu đã là một trong những nguyên nhân chính khiến báo chí đang không hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, dẫn đến tình trạng xảy ra nhiều vi phạm như gần đây.

"Vòng xoáy cơm áo gạo tiền sẽ làm báo chí xa rời chân giá trị của nghề báo. Do đó, báo chí phải tìm lại, bồi đắp những giá trị cốt lõi của mình, đó là tính cách mạng, đồng thời báo chí nhận một sứ mệnh mới là chống các tin giả, tin xấu, tạo dòng chảy chính của thông tin, hướng đến những giá trị tốt đẹp, xây dựng niềm tin xã hội. Khi báo chí mang lại những giá trị cho cộng đồng thì đó là cách báo chí giành lại người đọc, người xem", ông Phúc khẳng định.

Báo chí và bài toán phát triển nguồn thu - Cần hỗ trợ từ chính sách nhà nước - Ảnh 2.

Ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam.

Thu phí từ bạn đọc

Tham luận của các tổng biên tập nêu ra biện pháp khắc phục, tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí, tăng nguồn thu. Theo nhiều ý kiến, việc khắc phục giảm nguồn thu báo chí phải từ hệ thống cơ chế chính sách. Bộ Thông tin Truyền thông có thể tiếp nhận nhu cầu của các cơ quan báo, chí từ đó có nghiên cứu, đề xuất, phối hợp với một số bộ  quan trọng, trong đó có Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Văn phòng chính phủ để có cơ chế điều chỉnh chính sách phù hợp như giảm thuế, giãn thuế và không thu thuế giá trị gia tăng.

Ông Hồ Quang Lợi cho biết: "Hiện có cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan báo chí. Có hai khái niệm: Thế nào là đặt hàng, thế nào là giao nhiệm vụ, khi nào đặt hàng, khi nào giao nhiệm vụ phải làm rõ và có ý kiến từ các cơ quan báo chí. Vấn đề này đã được nêu từ nhiều năm nay nhưng đi vào thực tế hiện nay chưa được quán triệt. Cần tiến hành việc này một cách khẩn trương, tích cực hơn nữa".

Khó khăn của các cơ quan báo chí còn nằm ở việc vừa đảm bảo nhiệm vụ chính trị vừa đảm bảo về kinh tế báo chí. Đóng góp ý kiến tại diễn đàn, Tổng biên tập Báo An ninh Thủ đô Nguyễn Thanh Bình chia sẻ, một tờ báo được bán ra sạp, có giá tiền cụ thể, là một sản phẩm thương mại. Tuy nhiên, đây là sản phẩm hàng hóa đặc biệt, khi sứ mệnh thông tin của báo chí cách mạng phải là tiêu chí hàng đầu, vượt lên trên mọi yêu cầu của một sản phẩm hàng hóa thông thường. Mặc dù sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đặc biệt như thế, nhưng bản chất về kinh tế thì cơ quan báo chí lại hạch toán như doanh nghiệp. Báo chí phải đóng tất cả các loại thuế, cả thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân. Một cơ chế doanh nghiệp thuần túy áp dụng cho loại hình doanh nghiệp "đặc biệt" như báo chí, rõ ràng là điều bất cập.

Báo chí và bài toán phát triển nguồn thu - Cần hỗ trợ từ chính sách nhà nước - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Minh Đức - Tổng biên tập báo Kinh tế & Đô thị.

Ngoài ra khắc phục giảm nguồn thu báo chí cần thực hiện việc chia sẻ chi phí, hay gọi là có nguồn thu từ các nhà mạng xuyên biên giới: Facebook, Google và từ nhà mạng trong nước. Chúng ta là nơi sản xuất ra sản phẩm báo chí thì chúng ta có quyền có nguồn thu từ tác phẩm báo chí đó từ các nhà mạng trong và ngoài nước, song cần có cơ chế chính sách rõ ràng  cụ thể  về trách nhiệm chia sẻ chi phí.

Theo ông Nguyễn Minh Đức - Tổng biên tập báo Kinh tế & Đô thị, các cơ quan báo chí không thể tự bảo vệ bản quyền cho mình được, cần phải có cơ quan chuyên trách bảo vệ bản quyền cho bảo chí. "Lúc đó, vấn đề vi phạm bản quyền, "ăn cắp" thông tin của các cơ quan báo chí mới có thể giảm", ông Đức nói. 

Về vấn đề này, ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, cần tăng cường phối hợp giữa các cơ quan báo chí, trước mắt trong việc bảo vệ bản quyền và Hội Nhà báo Việt Nam rất hoan nghênh các đơn vị chủ động phối hợp. Nhưng vấn đề này thực hiện trên quy mô rộng lớn hơn, bài bản, chuyên nghiệp hơn, cần phải có nghiên cứu. Tại diễn đàn các đại diện báo chí đã nêu nguyện vọng, nhưng từ đó phải trở thành văn bản thể hiện được ý chí của các cơ quan về việc bảo vệ bản quyền. Trước mắt việc đó có thể thiệt hại về sự đa dạng, nhưng lâu dài sẽ giữ được sự đặc sắc và tôn chỉ của cơ quan báo chí. Ông Hồ Quang Lợi nêu rõ, Hội Nhà báo sẽ đứng ra hỗ trợ thực hiện việc này.

Ông Hồ Quang Lợi cho biết thêm vấn đề bản quyền phải vừa có trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời có trách nhiệm của các cơ quan báo chí. Về phía cơ quan quản lý nhà nước phải có quy định rõ ràng, ai vi phạm phải có hình thức xử lý. Bản quyền trong thời đại truyền thông kỹ thuật số trở thành vấn đề sống còn của báo chí.

Báo chí và bài toán phát triển nguồn thu - Cần hỗ trợ từ chính sách nhà nước - Ảnh 4.

Nhà báo Ngô Văn Hải, Tổng Biên tập Báo Điện tử VTC News phát biểu tại hội thảo.

Theo Tổng Biên tập VietnamPlus Trần Tiến Duẩn, việc thu tiền từ bạn đọc trực tuyến ở Việt Nam hiện nay rất khó nhưng nếu muốn thay đổi cơ cấu doanh thu, các cơ quan báo chí phải bắt tay vào làm. Quan trọng nhất là phải bảo vệ được bản quyền, không để xảy ra tình trạng một bài báo hay bị hàng chục trang mạng khác cắt về, dán lên trang của mình một cách thoải mái. Việc khóa bài, mời mua báo trực tuyến cần phải được tiến hành đồng thời ở nhiều báo mới tạo được hiệu ứng tích cực.

Báo chí phải tự chuyển động

Để khắc phục tình trạng giảm nguồn thu, trách nhiệm là từ chính các cơ quan báo chí, không thể chỉ đòi hỏi, yêu cầu mà phải bản thân phải chuyển động. Báo chí đang trải qua cuộc chuyển đổi rất lớn về phong cách, phương thức nên càng phải đổi mới, thậm chí phải lột xác để tồn tại. Ông Hồ Quang Lợi nêu ra các việc lớn mà các cơ quan báo chí cần phải làm:

"Không ngừng cải tiến nâng cao chất lượng ấn phẩm, các sản phẩm báo chí phải có bản sắc riêng của từng cơ quan báo chí. Muốn tìm thông tin người ta phải vào tìm tờ báo của mình, nhờ đó mình có thể bảo đảm có nguồn thu. Không cải tiến, không nâng cao chất lượng ấn phẩm thì không thể tồn tại. Cải tiến gồm cả cách thức vận hành tòa soạn, tổ chức tòa soạn, bồi dưỡng đội ngũ phóng viên như thế nào để tác nghiệp trong môi trường báo chí truyền thông  kỹ thuật số hôm nay. Báo chí cũng phải không ngừng ứng dụng các công nghệ truyền thông, nâng cao năng lực truyền thống".

Nhà báo Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư cho rằng, với một cơ quan báo chí tự chủ thu chi, nguồn thu vẫn nằm chủ yếu từ quảng cáo cho doanh nghiệp và các tổ chức, bên cạnh nguồn thu từ phát hành và một số hoạt động ngoài mặt báo khác. Vậy mấu chốt của phát triển nguồn thu là phát triển các mối quan hệ bền chặt với cộng đồng doanh nghiệp, hay nói cách khác là có sự đồng hành khăng khít hơn. 

Báo chí và bài toán phát triển nguồn thu - Cần hỗ trợ từ chính sách nhà nước - Ảnh 5.

Toàn cảnh cuộc Diễn đàn Tổng Biên tập "Báo chí và bài toán phát triển nguồn thu".

Ông Hồ Quang Lợi cũng khẳng định việc thiết lập mối quan hệ đồng hành một cách đúng đắn với các thành phần trong xã hội, mà trực tiếp và quan trọng là với các doanh nghiệp. Ông nói: Nếu báo chí đi theo cách thức rình mò, rình rập khuyết điểm của họ rồi "bơm vá" gây sự, bới móc kiếm chuyện thì làm sao có quan hệ tốt với các doanh nghiệp để doanh nghiệp đem lại những nguồn thu cần thiết. Nên phải theo cách đồng hành để hai bên cùng thắng. 

Từ đây phải chấn chỉnh cách làm của một số phóng viên vẫn hoạt động theo cách làm tiêu cực, gây tổn hại ghê gớm tới uy tín của báo chí, cắt đứt các lợi ích của báo chí và mối quan hệ giữa báo chí với doanh nghiệp, tổn hại cho cả hai bên. Đối với doanh nghiệp, báo chí phải hỗ trợ quảng bá sản phẩm, tạo môi trường đầu tư lành mạnh  với xã hội nói chung, phải phát huy giá trị cốt lõi của báo chí cách mạng việt Nam, xây đắp niềm tin xã hội và thật sự thấy báo chí có vai trò, có sức mạnh.

Chính sách hỗ trợ kinh phí cho báo chí

Ông Hồ Quang Lợi khẳng định, diễn đàn này  có ý nghĩa chung cho báo chí cả nước, giúp xã hội hiểu vai trò trách nhiệm của báo chí, cũng hiểu hơn khó khăn thách thức của báo chí. Từ đó các bên cùng quan tâm tháo gỡ về mặt cơ chế chính sách từ  phía các cơ quan quản lý nhà nước, cũng như phát huy nội lực của các cơ quan báo chí.

Ông Hồ Quang Lợi cho biết, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ đề nghị chính phủ, địa phương cùng các cơ quan chức năng có những chính sách cụ thể đồng bộ trong việc hỗ trợ kinh phí cho các cơ quan báo chí. Đó là cơ chế giao nhiệm vụ cần được xác lập một cách công khai, minh bạch, đi đôi với việc bố trí kinh phí xứng tầm với nhiệm vụ và xây dựng định mức tài chính cụ thể đối với đơn vị truyền thông.

Hội Nhà báo Việt Nam cũng sẽ thống nhất đề nghị nhà nước không nên áp dụng cơ chế tài chính chung đối với doanh nghiệp để áp dụng cho các cơ quan báo chí. Báo chí là đơn vị sự nghiệp nhưng cần có chính sách riêng, đặc thù, vì vai trò chức năng nhiệm vụ của báo chí khác doanh nghiệp. Nếu là doanh nghiệp thì phải nhắm tới lợi nhuận, nhưng lợi nhuận của các cơ quan báo chí không phải ở chỗ lỗ lãi bao nhiêu tiền, mà ở sức mạnh của báo chí, là nhiệm vụ của báo chí thực hiện với xã hội. Từ cách nhìn đó phải có chính sách riêng với báo chí. 

Mức thuế với báo chí hiện nay còn quá cao nên cần tiếp tục có đề nghị giảm thuế. Sản phẩm báo chí không phải là thứ hàng hóa thông thường mà là một thứ sản phẩm đặc biệt có tác động mạnh mẽ đến nhận thức và hành vi của xã hội. Xét về mặt công nghệ thì sản phẩm báo chí là sản phẩm có hàm lượng chất xám, do đó phải có cơ chế ưu đãi về thuế.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập tạp chí Nhà đầu tư còn đưa kiến nghị để thuế về 0% trong hoạt động báo chí. Đồng thời phải có sự phân biệt rạch ròi giữa cơ quan báo chí tự chủ hoàn toàn, cơ quan báo chí tự chủ 1 phần và cơ quan báo chí bao cấp để từ đó đưa các chính sách hỗ trợ phù hợp.   

Thêm vào đó cần tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật, để cơ quan báo chí được tiến hành các hoạt động kinh doanh một cách công khai minh bạch, đúng pháp luật. Báo chí có thể thành lập công ty như công ty truyền thông, nhiều báo chí đã có bộ phận truyền thông nhưng chưa được hoạt động như là công ty.

Ông Hồ Quang Lợi khẳng định việc quan trọng nhất là cần có chính sách chia sẻ về thuế đối với các nhà mạng. Hiện nay các nhà mạng đang thu được lợi nhuận lớn từ người dùng Internet để đọc báo điện tử. Nghịch lý là các tác phẩm báo chí thì tốt, có chất lượng được đưa tới các bạn đọc báo điện tử, nhưng tòa soạn phải chi phí rất nhiều mà lại không được thu phí từ bạn đọc. Bạn đọc đang được đọc báo điện tử miễn phí nhưng báo chí lại phải chi trả việc sử dụng dịch vụ truyền thông. Có thể nói đó là bất cập nhất.

Cuối diễn đàn, ông Hồ Quang Lợi cho biết, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tổ chức một hôi nghị về kinh tế báo chí vào quý 3 năm nay. Sẽ có đại diện các bộ ban ngành trung ương có liên quan trong việc xây dựng các chính sách chỉ đạo quản lý báo chí, để từng bước giải quyết được những vấn đề bức bách về kinh tế báo chí hiện nay.

Kiến nghị nhà mạng chia sẻ lợi nhuận với báo chí

Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng biên tập báo Tiền Phong, kiến nghị: "Nên có chính sách bắt buộc hoặc thuyết phục các nhà mạng chia sẻ cho các báo một phần lợi nhuận từ dịch vụ cung cấp internet cho bạn đọc báo điện tử. Bên cạnh đó, có những chính sách hỗ trợ báo chí thông qua hình thức đặt hàng khi mở các đợt truyền thông, tuyên truyền lớn về những chương trình quốc gia mang tính dài hơi".

Theo nhà báo Trần Tiến Duẩn, Tổng biên tập báo điện tử Vietnamplus, không ít tờ báo trên thế giới như Wall Street Journal, New York Times, Washington Post (Mỹ), Financial Times, The Economist (Anh)…sớm thành công với mô hình thu phí trên các nền tảng kỹ thuật số, trước khi mức tăng trưởng doanh thu quảng cáo trực tuyến chậm lại, thậm chí có xu hướng đi xuống trong những năm gần đây.

Liên quan đến vấn đề chia sẻ phí, ông Hồ Quang Lợi đồng tình cho rằng, các cơ quan báo chí sản xuất ra tác phẩm báo chí thì có quyền có nguồn thu từ các nhà mạng, các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Goolge… Tới đây, cần có chính sách cụ thể hơn nữa để các nhà mạng phải có chính sách chia sẻ nguồn thu với các cơ quan báo chí.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem