Báo Dân Việt đoạt Giải C Giải báo chí về công tác dân số
Báo Dân Việt đoạt Giải C Giải báo chí về công tác dân số
Tào Nga
Thứ tư, ngày 15/12/2021 11:56 AM (GMT+7)
Nhà báo Nguyễn Văn Định của báo điện tử Dân Việt đã đoạt Giải C Giải báo chí toàn quốc về công tác dân số với loạt bài viết "Hành trình đau đớn nhặt hơn 40.000 xác thai nhi".
Lễ trao giải báo chí toàn quốc về công tác dân số do Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình và Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp vừa được tổ chức vào sáng ngày 15/12.
Được vinh dự nhận Giải C Giải báo chí toàn quốc về công tác dân số, nhà báo Nguyễn Văn Định chia sẻ, loạt bài viết Hành trình đau đớn nhặt hơn 40.000 xác thai nhi phần nào phản ánh thực trạng xã hội những năm qua khi vô số thai nhi bị bỏ rơi, phá bỏ một cách không thương tiếc tại phòng khám, bãi rác, cống nước… đã khiến không ít người chứng kiến ám ảnh.
"Rất nhiều câu chuyện thương tâm của những người trực tiếp hàng ngày vẫn thầm lặng làm công việc nhặt xác thai nhi về khâm liệm, tổ chức những lễ an táng cho những hài nhi xấu số. Trong số họ, có người đã nhiều lần ngất lịm vì mùi tử thi nhưng quyết tâm không từ bỏ điều mình đang làm.
Thế nhưng cũng chính nhờ họ những mầm sống được đâm chồi sau những nỗi đau thai nhi. Nhóm nhặt xác thai nhi cố gắng cứu sống những sinh mạng mà những người mẹ lầm lỡ định chối bỏ. Từ đó, không ít trẻ nhỏ được sinh ra, sống trong sự bao bọc thương yêu của mọi người trong xã hội…", nhà báo Nguyễn Văn Định chia sẻ.
Nhà báo Nguyễn Văn Định cho hay, khi thực hiện loạt bài trên, có nhiều hình ảnh thai nhi bị vứt bỏ khi đã hình thành đầy đủ bộ phận trên cơ thể đã khiến anh không thôi xót xa. Những đứa trẻ vĩnh viễn bị tước đoạt mạng sống để rồi không được nhìn thấy ánh mặt trời.
"Tôi mong rằng các thế hệ bạn trẻ nhìn vào những câu chuyện, những bài học đau lòng đã xảy ra để sống có trách nhiệm hơn. Sẽ không còn câu chuyện đau lòng thai nhi bị vứt bỏ, mẹ bỏ rơi con, hay thậm chí tước đoạt tính mạng những sinh linh bé bỏng tội nghiệp. Cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn khi không còn những mảng tối tồn tại trong xã hội", nhà báo Nguyễn Văn Định chia sẻ thêm.
Bài viết kể về câu chuyện chàng trai Nguyễn Trọng Đạo (22 tuổi) và bạn gái Nguyễn Thị Huế (cùng quê Nam Định) nhiều năm qua như định mệnh đã bước vào cuộc hành trình nhặt xác thai nhi từ Nam Định cho đến Hà Nội.
Đạo đã vô số lần đau xót chứng kiến số phận những đứa trẻ tội nghiệp chưa bao giờ nhìn thấy ánh mặt trời lại bị vứt bỏ ở những ống cống ô uế hay những bọc ni lông chứa đầy rác thải…
Hàng ngày, trên chiếc xe máy cũ Đạo đã lang thang khắp các phòng khám sản để tìm hiểu và đặt vấn đề muốn được xin xác thai nhi về chôn cất. Nhiều nơi đồng ý, chủ động gọi điện cho Đạo khi có ca nạo hút thai. Nhưng nhiều nơi nghi ngờ việc Đạo làm có điều mờ ám nên từ chối, xua đuổi. Đạo phải đợi đến khuya, khi phòng khám đóng cửa, nhân viên về hết mới đến bới tìm các hài nhi trong túi rác vứt lăn lóc bên lề đường. Chàng trai thậm chí còn bỏ tiền túi để lo cho các bé xấu số. Tính từ thời điểm bắt đầu ghi nhật ký cuối năm 2016, đến giờ, con số đã lên đến hơn 40.000 xác thai nhi được thu nhặt.
Trong lúc bới rác nhặt xác thai nhi, Nguyễn Trọng Đạo đã đối mặt với nguy hiểm khi bị kim tiêm đâm vào tay hay thậm chí va chạm xe, bị doạ nạt, tấn công.
Đau xót đưa những thi thể hài nhi xấu số, có bé không còn nguyên vẹn về, Nguyễn Trọng Đạo lặng lẽ tắm rửa, gói ghém từng bé vào vải xô trắng đựng trong hộp nhựa trước khi bảo quản trong chiếc tủ đông kê ở một góc phòng trọ.
Đạo không nhớ nổi mình đã ngất bao nhiêu lần vì mùi xác chết khi lau chùi xác thai nhi. Cứ 1, 2 tuần, khi những thi thể thai nhi đã chất đầy tủ đông, nhóm tình nguyện lại có một cuộc hành trình dài hơn 100km đưa các bé về quê Hải Hậu, Nam Định chôn cất. Trung bình, mỗi chuyến chôn cất 400-500 thai nhi.
Những buổi tổ chức chôn cất tập thể cho các thai nhi xấu số được diễn ra trang trọng. Ai nấy đều đau buồn trước tình cảnh ngày nào cũng có số phận tội nghiệp bị từ chối tồn tại trên cõi đời này. Đạo cũng không ít lần chứng kiến cảnh tượng những người mẹ trẻ biết con mình được chôn tại nghĩa trang này đã lặng lẽ đến dâng hương, bật khóc.
Cùng với đó, đã 4 năm trôi qua trên hành trình nhặt xác thai nhi, Đạo cũng đã cùng mọi người cứu sống được không ít sinh mạng. Bằng những kiến thức và kinh nghiệm thực tế, Đạo và các bạn đã tư vấn, giúp đỡ cho nhiều người mẹ lầm lỡ. Rất nhiều bà mẹ có ý định phá thai sau khi được khuyên nhủ đã giữ lại đứa bé và nuôi chúng.
Đạo và mọi người trong nhóm thiện nguyện sẽ tiếp tục hành trình ngày qua ngày đi nhặt xác thai nhi chôn cất và cố gắng cứu sống những số phận kém may mắn cho tới khi nào không thể làm nữa mới thôi…
Trước tình trạng nạo phá thai, vứt bỏ thai nhi gây bức xúc dư luận thời gian qua, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) nhấn mạnh rằng, xét về góc độ đạo đức thì đây là những việc làm khó chấp nhận.
Theo ông Nam, cơ quan quản lý nhà nước cần phải tăng cường thanh tra kiểm tra, để làm rõ cơ sở khám chữa bệnh có phép hay không phép, có phép rồi hoạt động có đúng phép không, tiêu chuẩn, chuyên môn, thiết bị…. có đảm bảo không... Đừng để mất bò mới lo làm chuồng.
Cùng với đó, trẻ em có quyền được sống. Một cháu bé sinh ra có quyền được khai sinh để trở thành công dân, quyền được chăm sóc để có sức khoẻ, được bảo toàn tính mạng. Pháp luật cũng đã xử lý nhiều trường hợp có hành vi vứt bỏ thai nhi, xử lý nhiều vụ bà mẹ bỏ con mới sinh.
Đây là đoạn clip ghi lại toàn bộ cuộc hành trình nhặt xác thai nhi để một lần nữa báo động về tình trạng nạo phá thai, chối bỏ sự sống của những trẻ nhỏ vô tội. Trẻ em có quyền được sống. Một cháu bé sinh ra có quyền được khai sinh để trở thành công dân, quyền được chăm sóc để có sức khoẻ, được bảo toàn tính mạng… Thế nhưng những thai nhi khi chưa kịp nhìn thấy ánh mặt trời đã bị tước đoạt sự sống. Đây cũng là vấn đề cảnh tỉnh tới nhiều người. Hãy nhìn nhận những vụ việc đau lòng để làm bài học cho bản thân cũng như có cách phòng tránh mang thai ngoài ý muốn…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.