Cứ 2 học sinh lại có 1 em bị TNGT do xe đạp điện
Chia sẻ tại lễ ký kết hợp tác giữa Ủy ban ATGT Quốc gia và Hiệp hội VAMM về an toàn giao thông năm 2017, PGS.TS Chu Công Minh - Trường Đại Học Bách Khoa TP.HCM cho biết, học sinh THPT đang là nhóm đối tượng chiếm số lượng lớn trong số các ca tử vong vì TNGT.
Theo nghiên cứu, số liệu về TNGT liên quan tới lứa tuổi học sinh THPT do PGS.TS Chu Công Minh và các cộng sự đã thực hiện, học sinh THPT có liên quan tới 90% tổng số vụ TNGT của trẻ em và tỉ lệ tử vong do TNGT của nhóm này có xu hướng gia tăng trong 2 năm gần đây.
Cụ thể, có 3 nguyên nhân chính gây ra TNGT trẻ em, bao gồm: đi sai phần đường, vi phạm tốc độ và thiếu quan sát.
Theo ông Minh, thay vì lựa chọn phương tiện phi cơ giới như đi xe đạp hay đi bộ tới trường như học sinh ở độ tuổi dưới 15, học sinh THPT lại lựa chọn xe đạp điện và xe máy điện là phương tiện di chuyển thông dụng với tỉ lệ 52%.
“Sự thay đổi từ phương tiện đi bộ và xe đạp sang xe đạp điện và xe máy điện, loại phương tiện có vận tốc tương đối lớn, từ 25 – 50 km/h, nên có thể lý giải vì sao học sinh THPT lại chiếm tới 90% các vụ TNGT của trẻ em. Dữ liệu của CSGT và điều tra phỏng vấn học sinh đều cho thấy vi phạm tốc độ và nguyên nhân hàng đầu gây ra TNGT ở lứa tuổi này.
Bên cạnh vấn đề tốc độ, học sinh THPT còn đang vi phạm những quy định cơ bản khi tham gia giao thông, 34% xe mô tô không có gương chiếu hậu, với xe máy điện là 81%, xe đạp điện là 90%. Tất cả những nguyên nhân này dẫn tới những con số báo động về tình trạng TNGT ở đối tượng học sinh. Cứ 2 học sinh thì có 1 học sinh có xảy ra TNGT liên quan tới xe đạp điện, xe máy điện”, PGS.TS Chu Công Minh nói.
Theo ông Minh, điều này cho thấy xe máy điện, xe đạp điện là phương tiện đến trường mất an toàn đối với học sinh THPT, đòi hỏi phải được hướng dẫn, xử lý vi phạm và quản lý chặt chẽ hơn nữa để bảo đảm an toàn cho học sinh tới trường.
Theo PGS.TS Chu Công Minh xe đạp điện, xe máy điện là phương tiện đến trường mất an toàn đối với học sinh THPT (Ảnh: Kim Chi)
Bên cạnh đó, chưa có quy định trong luật giao thông đường bộ về độ tuổi thấp nhất được điều khiển các loại xe đạp điện, xe máy điện. Thực tế, ngay cả học sinh THCS, từ 11 – 15 tuổi đã sử dụng xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông. Từ đó, ông Minh đề xuất độ tuổi được phép điều khiển xe đạp, xe máy điện là từ 16 tuổi trở lên.
Thêm vào đó, chưa có quy định người điều khiển xe đạp, xe máy điện phải có chứng chỉ pháp luật giao thông đường bộ và chứng chỉ lái xe an toàn.
Từ đó, ông Minh đề xuất các giải pháp như cải thiện công trình và tổ chức giao thông khu vực xung quanh trường học để tăng sự an toàn cho học sinh khi tới trường. Tiếp đó, triển khai các chương trình phố biến kiến thức và thực hành kỹ năng điều khiển phương tiện cho học sinh. Đồng thời, kiến nghị Bộ GTVT giao cho Cục đăng kiểm siết chặt quản lý phương tiện xe máy điện, xe đạp điện.
Ủy ban ATGT Quốc gia đề nghị UBND thành phố Hà Nội triển khai thực hiện khu trường học an toàn tại 3 trường THPT là Việt Đức, Lý Thái Tổ, Quang Trung. Trọng tâm là xây dựng khu vực riêng cho xe đưa đón, mở làn xe phi cơ giới hay làn dành riêng cho xe đạp xung quanh trường học. Đồng thời, chấm dứt tình trạng lấn chiếm vỉa hè để kinh hoanh buôn bán.
Ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia chia sẻ: “Trong quá trình tham gia giao thông, nhóm học sinh THPT là nhóm dễ bị tổn thương. Chính vì vậy, các giải pháp nhằm nâng ao ATGT cho học sinh THPT rất quan trọng. Các kết quả nghiên cứu, phân tích tỉ lệ TNGT theo nhóm phương tiện, nguyên nhân TNGT, sở thích đi lại, kỹ năng điều khiển phương tiện của học sinh THPT, thực trạng sở hữu phương tiện của hộ gia đình cùng các kiến nghị... sẽ là các căn cứ quý báu để Ủy ban ATGT Quốc gia, các bộ, ngành liên quan và các địa phương tổng hợp đề ra những biện pháp, chính sách hiệu quả, kịp thời ngăn chặn tai nạn giao thông ở học sinh THPT tại Việt Nam, góp phần xây dựng môi trường giao thông an toàn, thân thiện và bền vững”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.