TS, bác sĩ Bùi Thanh Phúc, Phó trưởng khoa Cấp cứu Tiêu hóa (Bệnh viện Việt Đức) cho biết: hiện nay, bệnh thừa cân béo phì đang gia tăng nhanh với tốc độ đáng báo động.
Béo phì là tình trạng tích tụ mỡ quá thừa trong cơ thể tới mức ảnh hưởng có hại tới sức khỏe và cuộc sống con người.
Trên thế giới hiện nay có 2,1 tỷ người bị thừa cân và béo phì, chiếm trên 30% dân số, có xu hướng trẻ hóa và ngày càng tăng lên.
Tại Việt Nam, cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội, tình trạng thừa cân và bệnh béo phì cũng đang ngày một gia tăng, gây ra gánh nặng lớn về kinh tế và xã hội.
Theo TS Phúc, béo phì không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ, gây trở ngại cho đời sống sinh hoạt mà còn gây ra nhiều nguy cơ như mắc các bệnh lý về tim mạch, đái tháo đường, gan nhiễm mỡ, xơ gan, các bệnh lý cơ xương khớp, vô sinh...
Béo phì và thừa cân cũng làm tăng nguy cơ tử vong hơn so với những bệnh nhân có cân nặng bình thường.
"Một số người cho rằng béo phì chỉ do ăn nhiều, lười luyện tập nếu giảm ăn, tăng luyện tập sẽ hết béo. Tuy nhiên, đối với môt số người béo phì là bệnh lý cần điều trị. Với họ, nếu chỉ giảm chế độ ăn, tăng cường tập luyện, dùng thuốc là các phương pháp điều trị thông thường nhưng không có tác dụng về mặt lâu dài.
Những người bị bệnh béo phì sau khi giảm ăn, luyện tập, dùng thuốc có thể giảm cân nhưng sau 5 năm có tới 90% các trường hợp quay lại cân nặng ban đầu thậm chí béo hơn", TS Phúc cho biết.
TS Phúc cũng cảnh báo người dân không nên tùy ý dùng các sản phẩm giảm cân trên thị trưởng. Vì một số sản phẩm có thể gây chán ăn hoặc giảm hấp thụ nhưng về lâu dài cũng gây ra những hệ lụy như thiếu chất, niêm mạc dạ dày bị ảnh hưởng…
GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Chủ tịch Hội Ngoại khoa và Phẫu thuật Nội soi Việt Nam cũng nhận định, trong những năm gần đây, tỷ lệ béo phì ở người Việt Nam ngày càng gia tăng.
Số các ca bệnh béo phì tìm đến Bệnh viện Việt Đức để điều trị ngày càng nhiều. Nhiều ca béo phì với chỉ số cân nặng khủng, với chỉ số BMI lớn hơn 40kg/m2.
Những người này có nhiều bệnh lý đi kèm như huyết áp cao, đau khớp, vô sinh nguyên phát, đái tháo đường, tăng lipid máu, gan nhiễm mỡ, tăng cholesterol máu…
Đa số các trường hợp "cùng bất đắc dĩ" tìm đến bệnh viện vì không thể kiểm soát được tình trạng béo phì bằng cách thay đổi lối sống, đồng thời cũng không đáp ứng với các phương pháp trị liệu khác.
Điều trị béo phì bằng phương pháp thu hẹp dạ dày
"Đến nay, đã có gần 300 trường hợp lựa chọn phương pháp phẫu thuật nội soi thu hẹp dạ dày và thắt đai dạ dày nhằm ngăn cản việc ăn và số lượng thức ăn thu nạp vào cơ thể", GS Giang cho biết.
Theo GS Giang, hiện nay có nhiều phương pháp phẫu thuật điều trị cho người béo phì đã được nghiên cứu tuy nhiên hiện nay, hai phương pháp điều trị đang được sử dụng nhiều nhất là phẫu thuật nội soi đặt vòng thắt dạ dày và phẫu thuật nội soi cắt dạ dày hình ống.
Ưu điểm của phương pháp tạo hình dạ dày ống đứng giúp người bệnh ngoài việc giảm cân còn giải quyết được các bệnh chuyển hoá đi kèm như: Cao huyết áp, tiểu đường, đau khớp, gan nhiễu mỡ.
Do phẫu thuật bằng phương pháp nội soi nên vết mổ rất nhỏ, không gây chảy máu, tránh được nguy cơ nhiễm trùng so với mổ mở.
Thời gian nằm viện đối với các ca phẫu thuật ngắn và nhanh phục hồi. Sau 24 tiếng phẫu thuật, bệnh nhân có thể ăn uống theo chế độ. Sau 3 ngày phẫu thuật, bệnh nhân có thể ra viện. Sau 1 tuần phẫu thuật, bệnh nhân giảm khoảng 5kg, có thể đi lại, ăn uống bình thường, vết sẹo khô, nhỏ và thẩm mỹ.
"Phẫu thuật thu nhỏ dạ dày chỉ là một phần trong cả quá trình điều trị béo phì. Điều trị bệnh béo phì là một liệu trình điều trị toàn diện cả chế độ sinh hoạt, điều trị nội khoa, điều trị tâm lý và điều trị ngoại khoa.
Mỗi người sẽ có thể trạng và cơ địa khác nhau, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước khi phẫu thuật. Phẫu thuật béo phì muốn thành công cũng đòi hỏi bệnh nhân phải áp dụng một chế độ ăn uống khoa học và duy trì thói quen lành mạnh suốt đời", TS Phúc nhấn mạnh.
Tổ chức Y tế thế giới dùng chỉ số khối cơ thể (BMI) để nhận định tình trạng gầy béo.
Chỉ số khối cơ thể (BMI) được tính theo công thức:
Phân loại béo phì của WHO dựa vào BMI cho người châu Á:
Vui lòng nhập nội dung bình luận.