Nguy hại “bay lắc” tập thể
Đêm 16.9 vừa qua, 12 thanh niên phải đi cấp cứu sau nhạc hội Công viên nước Hồ Tây, trong đó 7 người tử vong, 5 người khác đang được điều trị tích cực, sức khỏe tiên lượng xấu. Đa số nạn nhân đều dưới 25 tuổi. Điều tra ban đầu của Công an Hà Nội cho thấy, các thanh niên này đã dương tính ma túy. Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên – phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, nơi tiếp nhận 2 bệnh nhân từ đêm nhạc hội cho biết, 2 bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê, suy thận và truỵ tim mạch, kiểm tra kết quả dương tính với cả 3 loại ma túy đá, cần sa và thuốc lắc.
Hình ảnh tại nhạc hội âm nhạc tối 16.9 tại Công viên nước Hồ Tây. Ảnh: I.T
Tình trạng thanh niên “chơi thuốc”, dùng ma túy tập thể, bay lắc, thác loạn đang ngày càng gia tăng. Thời gian qua, công an nhiều tỉnh, thành phố đã bắt quả tang rất nhiều vụ dùng ma túy, thác loạn tập thể, có vụ lên đến 30-50 thanh niên. Đáng nói là trong các vụ này, các đối tượng đều sử dụng ma túy thế hệ mới, ma túy tổng hợp (chất kích thích dạng Amphetamin (Amphetamin Type Stimulants- gọi tắt là ATS) độc tố gây kích thích mạnh. Thậm chí để tăng độ “phê”, nhiều nhóm còn sử dụng cùng lúc nhiều ma túy dạng ATS.
Cụ thể, ngày 22.8, Công an quận 5, TP.HCM cho biết, đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt giam 6 đối tượng gồm 4 nữ và 2 nam mua ma túy về sử dụng tập thể tại phòng 202 khách sạn Bạn Tôi, nằm trên đường Trần Hưng Đạo. Trước đó, rạng sáng 12.8, đoàn kiểm tra liên ngành văn hóa đã kiểm tra khách sạn Bạn Tôi và bắt quả tang 2 phòng trên lầu 2 và 3, công an phát hiện có 14 "dân chơi" gồm 6 nam, 8 nữ đang thác loạn ma tuý. Công an thu nhiều dụng cụ dùng để dùng ma túy, các đèn nhấp nháy để tăng cảm giác và một lượng lớn ma túy tổng hợp chưa sử dụng gồm 1,3752 gram ma túy loại MDMA; 1 gói nylon chứa 1,0329 gram Ketamine và 2 gói nylon chứa 1,6315 gram ma túy loại Methamphetamine. Đây đều là các loại ma túy tổng hợp ATS. Qua kiểm tra, có 12 "dân chơi" gồm 5 nam và 7 nữ từ 18-25 tuổi có kết quả dương tính với ma túy.
Khởi tố vụ án 7 người chết sau lễ hội âm nhạc
Hai ngày sau nghi vấn 7 người chết, 5 người hôn mê vì sốc thuốc tại Lễ hội âm nhạc Du hành tới mặt trăng (Trip to the moon) tổ chức tại Công viên nước Hồ Tây, Công an Hà Nội hôm 18.9 đã khởi tố vụ án hình sự với các tội danh “Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy” và “Lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy”, quy định tại các Điều 256 và 258 Bộ Luật hình sự.
|
Trước đó, ngày 2.8, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy (Công an tỉnh Thái Bình) cho biết, đơn vị này vừa bắt quả tang 50 đối tượng tổ chức sử dụng ma túy tập thể tại trang trại. Cụ thể, khoảng 23 giờ ngày 1.8, người dân báo tin tại trang trại của Phạm Văn Hưng (SN 1974, trú thôn Lưu Xá, xã Canh Tân, huyện Hưng Hà, Thái Bình) có nhiều người tụ tập, biểu hiện liên quan đến ma túy. Qua kiểm tra, lực lượng công an phát hiện 50 đối tượng nam, nữ đang có dấu hiệu sử dụng trái phép chất ma túy. Khám xét tại hiện trường và nơi ở của Phạm Văn Hưng, công an thu giữ nhiều túi nilon chứa tinh thể trong suốt, màu trắng và 4 túi nylon bên trong có chứa 54 viên nén dạng ma túy tổng hợp, 1 súng hơi, 5 triệu đồng cùng nhiều tang vật liên quan khác. Xét nghiệm ban đầu có 36 đối tượng dương tính với ma túy.
Trước đó, khoảng 8 giờ 30 ngày 10.7, Công an phường Vỹ Dạ và Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an TP.Huế) bất ngờ kiểm tra tại nhà nghỉ Cloud, phát hiện ở 6 phòng có 27 thanh thiếu niên nam nữ sinh hoạt chung, với biểu hiện sử dụng trái phép chất ma túy. Bước đầu các đối tượng khai nhận, loại ma túy sử dụng là thuốc lắc và “Khay” hay còn gọi là Ketamin. Công an TP.Huế tiến hành “test” ma túy và phát hiện 25/27 đối tượng dương tính với ma túy.
Đe dọa tính mạng, gia tăng phạm tội
Báo cáo mới nhất của Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ LĐTBXH mới đây cho biết, theo kết quả điều tra xã hội năm 2017 tại 6 tỉnh, thành phố ở Việt Nam của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ người sử dụng trái phép chất ma túy là 0,66% dân số trong độ tuổi điều tra (từ 15 – 64 tuổi); 8% sử dụng ma túy lần đầu dưới 18 tuổi; 60% số người sử dụng ma túy lần đầu dưới 25 tuổi.
Ông Lê Văn Khánh - Phó cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội cho biết, tính đến giữa tháng 11.2017, cả nước có trên 222.000 người nghiện có hồ sơ quản lý, trong đó gần 50% có sử dụng ma túy tổng hợp và chất hướng thần. Ngoài ma túy truyền thống thì các loại ma túy thế hệ mới như: cần sa, “cỏ Mỹ”, “đá”... xuất hiện ngày càng nhiều. Nghiện ma túy cũng là tác nhân chủ yếu làm thanh niên vi phạm pháp luật. Tỷ lệ vi phạm pháp luật trong thanh niên nghiện ma túy khoảng 50% và gấp 100 lần so với nhóm thanh niên không nghiện.
Báo cáo của Bộ LĐTBXH cũng cho biết, số người nghiện ma túy được quản lý ngày càng gia tăng. Giai đoạn 1994-2014, số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý tăng hơn 3 lần, trung bình tăng 6.400 người/năm, đến giai đoạn 2015-2017 trung bình tăng 9.300 người/năm. Người nghiện có ở tất cả các địa phương, ở mọi thành phần, lứa tuổi, song chủ yếu là lớp trẻ; khoảng 50% người nghiện có các vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Hiện nay, gần 2/3 thanh niên nghiện ma túy không có việc làm hoặc có việc làm không ổn định. Đây là bài toán nan giải trong việc giải quyết tình trạng nghiện và giải quyết việc làm cho thanh niên trong bối cảnh dư thừa lao động hiện nay và càng thúc đẩy người nghiện phạm tội.
Lý giải việc giới trẻ thích sử dụng ma túy ATS, nhiều chuyên gia cho biết, ma túy tổng hợp còn được gọi là “ma túy lễ hội” gây kích thích mạnh lên hệ thần kinh trung ương, gây phấn khích cực độ, do đó khi tham gia hội hè, tụ tập đông đảo, thanh niên càng thích sử dụng để tăng độ hưng phấn, cho “quậy” hơn.
PGS-TS Trần Hữu Bình – nguyên Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần T.Ư cũng khẳng định, nghiện ma túy trong đó có ATS không chỉ gây ra các rối loạn tâm thần mà còn tàn phá sức khỏe, gây ra các bệnh tim mạch, tiêu hóa, đái tháo đường, suy thận. ATS khiến đầu óc họ bị kích thích, minh mẫn, sáng láng, thậm chí thông minh đột xuất, làm việc không biết mệt mỏi. Nhưng vào giai đoạn hai, người nghiện sẽ bị tăng huyết áp, đánh trống ngực, liên tục xuất hiện cơn nóng lạnh bất thường, tăng động.
“Điều nguy hiểm là người nghiện sẽ càng ngày càng phải tăng liều lượng mới đủ phê. Trong khi đó, sức chịu đựng của cơ thể chỉ có hạn. Đến một liều lượng nào đó, người nghiện sẽ bị sốc thuốc. Có người bị tăng huyết áp, tai biến đến mức tử vong. Nhưng hầu hết sẽ rơi vào trạng thái ảo giác, hoang tưởng, rối loạn hành vi. Họ thường nghe “cơn xúi bẩy” trong đầu phải làm các hành động quái đản, giết chóc để thỏa mãn thú tính, hoặc nghe xui khiến giết người, hiếp dâm, tự tử mà không thể dừng lại được” – TS Bình cảnh báo.
Ông Hoàng Đình Cảnh - Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế):
Tình trạng sử dụng ma túy tổng hợp tăng cao
Tỷ lệ người nghiện sử dụng các chất dạng Amphetamine (ma túy tổng hợp AST) tăng nhanh từ 1,5% (năm 2001) lên tới 6,5% (năm 2012) và nay là 9,8%. Đặc biệt, ở nhiều địa phương, lượng người sử dụng ma túy tổng hợp chiếm đến 46% số người sử dụng ma túy, thậm chí có tỉnh trên 80% như Trà Vinh, Đà Nẵng, Quảng Trị... Người sử dụng ma túy tổng hợp đều có nguy cơ bị nhiễm HIV và các bệnh về máu. Ngoài việc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần, sử dụng ma túy tổng hợp còn bị ảo giác, rối loạn tâm thần, gây nên những hành vi nguy hiểm cho cộng đồng, xã hội. Những vụ việc giết người man rợ xảy ra thời gian qua bởi các đối tượng bị ngáo đá là minh chứng rõ nét cho hệ lụy khó lường của tình trạng này.
TS-BS Nguyễn Doãn Phương - Viện Sức khỏe tâm thần T.Ư, Bệnh viện Bạch Mai:
Cai nghiện rất phức tạp
Hiện nay, trên thị trường có nhiều dạng ma túy tổng hợp mới với nhiều thành phần, dạng bào chế cũng như nhiều tên gọi khác nhau. Thông thường các dạng bào chế gồm hỗn hợp nhiều chất khác nhau nên gây khó khăn cho việc xác định cụ thể thành phần, hàm lượng. Mặt khác, các đối tượng thường sử dụng nhiều loại chất khác nhau, dẫn tới bệnh cảnh lâm sàng đa dạng, pha trộn lẫn nhau. Trong khi đó trạng thái cai các chất ma túy này là khá mờ nhạt, dẫn tới quan niệm sai lầm cho rằng sử dụng các chất ma túy mới là không gây nghiện giống như các chất dạng thuốc phiện.
Do đó, việc điều trị nghiện ATS rất khó khăn. Sự lệ thuộc vào chất này không nặng nề như nghiện chất ma túy khác, song việc tái nghiện vẫn rất phổ biến vì tác động tâm thần của thuốc rất mạnh và được củng cố sau mỗi lần sử dụng. Để giúp người nghiện vượt qua hội chứng cai và duy trì chống tái nghiện, cần phối hợp nhiều phương pháp điều trị (hóa dược, liệu pháp tâm lý cá nhân, liệu pháp gia đình, liệu pháp nhóm, liệu pháp lao động tái thích ứng tại cộng đồng…).
D.L (ghi)
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.