Theo bác sĩ Cương, các ma túy tổng hợp hiện nay ngày càng đa dạng và có mức độ kích thích mạnh hơn, thậm chí có cả chất cực độc đối với sức khỏe con người.
Ngoài ra, cũng có các loại ma túy tác động vào hệ tim mạch, làm loạn nhịp tim hoặc tác động vào các nội tạng và các cơ quan khác của cơ thể. Trong trường hợp người dùng quá liều có thể dẫn đến ngưng tim, suy tim, suy đa tạng và có thể gây tử vong rất nhanh.
Nhận định về vụ 7 người tử vong do dùng ma túy tại đêm nhạc tối 16.9, bác sĩ Cương cho biết: "Mỗi người có ngưỡng "hấp thụ" ma túy ở các liều lượng khác nhau. Cùng một liều lượng ma túy nhưng với người này là chưa đủ "phê" nhưng với người khác có thể là liều thuốc độc giết người trong chớp mắt".
Bệnh viện E nơi tiếp nhận nhiều nạn nhân.
Trưa 17.9, tin từ Bộ Y tế vừa cho biết, theo báo cáo nhanh của Bệnh viện E, đêm 16.9, Bệnh viện E đã tiếp nhận cấp cứu 8 người bị nạn từ đại nhạc hội công viên nước Hồ Tây chuyển đến, trong số này 5 người đã tử vong. Ngoài ra, Bệnh viện E cũng tiếp nhận 2 xác nạn nhân của sự kiện này, tử vong tại Bệnh viện Tim Hà Nội chuyển sang lưu ở nhà đại thể. Kết luận điều tra ban đầu của Công an Hà Nội khẳng định, các nạn nhân này đã dương tính với ma túy. Ngoài ra còn nhiều người nghi sốc thuốc khác được cấp cứu ở nhiều bệnh viện tại Hà Nội.
Bác sĩ Cương cũng cho biết, người dùng ma túy lâu năm sẽ phải dần dần tăng liều lượng và đến lúc muốn có sự kích thích mạnh sẽ dùng quá liều lượng khiến cơ thể bị "vượt ngưỡng" chịu đựng. Qua quá trình điều trị cho các bệnh nhân nghiện ma túy, ông cũng gặp những trường hợp đã cai nghiện một thời gian, sau đó lại đi vui vẻ với bạn bè và tái dùng lại. Và khi đó, họ thường dùng liều nặng để "vui thả phanh" và cũng dễ dẫn đến trường hợp sốc thuốc. Nếu trường hợp sốc thuốc dẫn đến suy tim, suy đa tạng thì nguy cơ tử vong rất lớn.
Ngoài ra, bác sĩ Cương cho biết, các dạng ma túy khác có thể kích thích vào hệ thần kinh, gây ảo giác, hoang tưởng, khiến người bị "ngáo" cho rằng mình có quyền lực hơn người, có năng lực “siêu phàm”. Họ sẽ có những hành vi nguy hiểm và kỳ lạ. Ảo giác khiến họ nghe thấy tiếng xui khiến và gây nên các hành vi kỳ dị, nguy hiểm như trèo cột điện hay leo lên mái nhà. Nguy hiểm hơn cả của người “ngáo đá” là hoang tưởng bị tấn công, bị đe dọa tính mạng dẫn đến việc họ có các hành vi chống lại. Nhiều người nhìn người thân như thấy quái vật đang tấn công nên họ dùng vũ khí tấn công lại, gây ra các vụ giết người man rợ.
Đối với các trường hợp sốc thuốc dẫn đến suy tim, ngưng tim, bác sĩ Cương cho biết, để cấp cứu chỉ có cách xoa bóp lồng lực cho bệnh nhân và khẩn trương đưa đi bệnh viện cấp cứu.
Trước đó, tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cũng đã cấp cứu nhiều trường hợp bệnh nhân bị sốc ma túy thế hệ mới (ma túy tổng hợp). Các bệnh nhân thường nhập viện trong tình trạng co giật, kích thích, vật vã không kiểm soát được. Nhiều bệnh nhân còn xuất hiện triệu chứng nhiễm độc thần kinh, tim mạch, loạn nhịp tim, tăng huyết áp, suy thận, đe dọa đến tính mạng. Từng có 2 bệnh nhân tử vong sau khi nhập viện vì sốc ma túy, dẫn đến co giật, loạn nhịp tim, ngưng tim. “Theo nghiên cứu trên thế giới, 60% các ca tử vong do ma túy đá là do tác động lên hệ tim mạch, gây co mạch, loạn nhịp tim, tổn thương cơ tim”, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách khoa Chống độc chia sẻ.
Một nguồn tin từ Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh viện cũng đang điều trị cho 2 nạn nhân trong vụ việc trên. Các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng rối loạn nhận thức, thiếu máu cơ tim, suy thận... Bước đầu xác định bệnh nhân đều dương tính với ma tuý. Tuy nhiên, đến trưa 17.9, sức khỏe của bệnh nhân đã cơ bản được kiểm soát. Bệnh viện đã tập trung tất cả nhân lực để cứu chữa cho các nạn nhân. Các bác sĩ cho biết nguy hiểm nhất là do tình trạng ngộ độc cấp nên diễn biến rất nhanh. |
Vui lòng nhập nội dung bình luận.