Báo động tình trạng học sinh tự tìm lối thoát bằng... tự tử

Tùng Anh Thứ ba, ngày 22/12/2015 22:17 PM (GMT+7)
Học sinh trầm cảm, rối loạn tâm lý, tự tử, có hành vi lệch chuẩn... ngày càng gia tăng trong khi các phòng tư vấn nhiều trường học vẫn bỏ không hoặc hoạt động không hiệu quả.
Bình luận 0

Báo động học sinh tự tử

Đã hơn 1 năm, nhưng người dân ở Quỳnh Côi  (Quỳnh Phụ, Thái Bình) vẫn không khỏi đau lòng khi nhớ tới cái chết của em Vũ Thị P (SN 1997). P là nữ sinh được tiếng hiền lành, ngoan ngoãn, và học tốt. Lên lớp 11, P vướng vào chuyện yêu đương với một học sinh lớp 12 rồi có thai. Lo sợ bố mẹ và bạn bè biết, P và bạn trai tìm cách bỏ thai nhưng không dám đến bệnh viện vì sợ bị bắt gặp. Cuối cùng P lấy trộm chai thuốc diệt cỏ của mẹ trong bếp uống với ý định cho... ra thai, nhưng lại dẫn đến tử vong. Sau cái chết của P, nhiều bậc cha mẹ và thầy cô giật mình khi thấy con cái, học trò của mình bị “bỏ đói” không được tiếp cận tư vấn tâm lý, sinh lý kịp thời. Nếu như P có được một nơi để chia sẻ, tháo gỡ khó khăn thì không đến nỗi em phải chết chỉ vì thiếu hiểu biết như vậy.

img

1 buổi tư vấn tâm lý, sinh lý cho học sinh Trường THCS Giảng Võ (Hà Nội).  Ảnh: Tùng Anh   

Những cái “giật mình” như vậy không còn hiếm gặp khi mà tình trạng học sinh bị rối nhiễu tâm lý, trầm cảm, có hành vi lệch chuẩn xuất hiện ngày càng nhiều tại các trường học. Mới đây, ngày 6.10, một nam sinh Trường THPT chuyên Chu Văn An (Lạng Sơn) cũng gieo mình xuống cầu tự tử vì bị điểm 2 môn toán. Trước đó, chỉ riêng năm 2014 đã liên tiếp xảy ra 6 vụ học sinh tự tử với những lý do  “lãng xẹt” như: Bị nghi ngờ lấy đồ, làm mất tiền quỹ lớp...

Theo số liệu điều tra quốc gia mới nhất của Tổng cục Thống kê, Bộ Y tế, Tổ chức Unicef và WHO trên 3.000 học sinh cho thấy: Có 9% học sinh nói từng có ý định tự tử; 6% đã có kế hoạch thực hiện cái chết và gần 19,5% học sinh trong độ tuổi từ 10 – 16 có vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Theo ông Ngũ Duy Anh – Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GDĐT), nguyên nhân của hiện tượng này do học sinh phổ thông hiện nay đang phải đối mặt với nhiều áp lực về tâm lý như: Học tập căng thẳng, xung đột trong mối quan hệ thầy cô, bạn bè, gia đình; lúng túng trong định hướng nghề nghiệp và các tác động xấu từ Internet. “Nếu các em không được tư vấn kịp thời sẽ dẫn đến các hậu quả đáng tiếc, nhẹ thì sa ngã, sống buông thả, nói tục, chửi bậy, đánh nhau, nặng thì trầm cảm, tâm thần và tự tử hoặc vi phạm pháp luật” – ông Duy Anh nói.

Đầu tư nửa vời

"  Nếu chỉ thành lập phòng tư vấn “cho có”, giáo viên kiêm nhiệm thì học sinh vẫn sẽ e ngại, xa lánh. Vì vai vế giữa thầy cô – học sinh khiến các em rất khó “mở lời”, đừng nói là tâm sự những điều thầm kín. Vì vậy, tốt nhất nên có một người phụ trách riêng chuyên về tâm lý, biết các kỹ năng tiếp cận, gần gũi, làm bạn với các em trước khi làm chuyên gia tư vấn” .
 TS Nguyễn Tùng Lâm

PGS-TS Nguyễn Đức Sơn – Trưởng khoa Tâm lý giáo dục Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, phát triển các phòng tư vấn học đường tại các trường học là vô cùng cần thiết, nhưng rất ít trường làm được vì thiếu kinh phí, không có biên chế giáo viên và không nhận được sự hợp tác từ phụ huynh. Hậu quả là học sinh luôn trong tình trạng “đói” tư vấn, tự mày mò tìm lối thoát.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, chưa bao giờ vấn đề tư vấn tâm lý cho học sinh lại trở nên “nóng” như hiện nay. Học sinh phải chịu quá nhiều áp lực từ các lệch chuẩn trong xã hội. Cũng theo ông Lâm, hiện chỉ có một số ít trường tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh làm thí điểm công tác tâm lý học đường mới có biên chế tư vấn tâm lý, còn lại hầu như là giáo viên kiêm nhiệm. Phần lớn tư vấn tâm lý học đường là giáo viên bộ môn giáo dục công dân hoặc... cán bộ đoàn. Đối với các trường ở khu vực nông thôn, thậm chí không có phòng tư vấn học đường chứ nói gì đến giáo viên kiêm nhiệm.

“Tâm sự với cô để cô lại mách cha mẹ hoặc kỷ luật à? Chả ai dại mà đi tâm sự với thầy cô” – Trần Đức Anh – học sinh lớp 9 (Hà Nội) cho biết lý do em và bạn bè “không đời nào” xin tư vấn ở trường.

Nói về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, mới đây Bộ đã yêu cầu các Sở GDĐT căn cứ khả năng của từng trường để xây dựng phòng tư vấn tâm lý cho học sinh, tiến tới trường nào cũng phải có phòng tư vấn. “Giáo viên tư vấn có thể là chuyên trách có thể kiêm nhiệm nhưng phải có đủ chuyên môn để đảm trách, nhiệm vụ tư vấn cho học sinh. Các trường cũng nên kết hợp tổ chức dạy kỹ năng sống, sức khỏe giới tính, hướng nghiệp, phân luồng cùng chương trình tư vấn tâm lý phù hợp điều kiện của trường. Năm 2016, Bộ sẽ có thông tư hướng dẫn cụ thể về công tác này để các trường thực hiện quyết liệt” – bà Nghĩa nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem