Sau cú sốc kinh tế năm 2022, nông dân chờ đợi chu kỳ tăng giá mới của hồ tiêu đến bao lâu?

Nguyễn Vy Thứ năm, ngày 02/02/2023 13:56 PM (GMT+7)
Sau Tết Nguyên đán, nông dân trồng tiêu bước vào vụ thu hoạch với nhiều nỗi lo khi giá tiêu giảm, khó tìm công hái. Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam nhận định chu kỳ tăng giá tiêu vẫn chưa thể đến sớm như kỳ vọng.
Bình luận 0

Giá tiêu giảm ngay từ đầu vụ

Sau Tết Nguyên đán là thời điểm nông dân trồng tiêu ở Bình Phước bước vào mùa thu hoạch hồ tiêu.

Giá tiêu Bình Phước năm nay được thu mua thấp hơn mọi năm ngay từ đầu vụ, hiện chỉ khoảng 55.000-58.000 đồng/kg.

 Trước đó, ngày 26/1 (mùng 5 tết), giá tiêu Bình Phước dao động từ 60.000-62.000 đồng/kg.

Nhiều vườn tiêu ở các tỉnh Đông Nam bộ đã vào vụ thu hoạch nhưng giá tiêu ở mức thấp. Ảnh: Nguyễn Vy

Nhiều vườn tiêu ở các tỉnh Đông Nam bộ đã vào vụ thu hoạch nhưng giá tiêu ở mức thấp. Ảnh: Nguyễn Vy

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, giá tiêu cũng giảm xuống mức thấp, chỉ từ 58.000-59.000 đồng/kg. Trong khi đó, nguồn nhân công thuê để thu hoạch khan hiếm, giá thuê công hái lại cao, từ 280.000-300.000 đồng/người/ngày.

Huyện Châu Đức (Bà Rịa – Vũng Tàu) có gần 6.000ha hồ tiêu. Cuối tháng 1 vừa qua, UBND huyện Châu Đức phải ra văn bản gửi các phòng, ban chuyên môn, cùng các xã, thị trấn trên địa bàn về việc huy động lực lượng tham gia hỗ trợ nông dân thu hoạch hồ tiêu.

Ông Nguyễn Minh Toại, nông dân trồng tiêu ở huyện Châu Đức cho biết, thời điểm này đang vào cao điểm thu hoạch. Nếu không thu hoạch đúng lúc tiêu chín, cây tiêu sẽ bị suy kiệt, lâu dần ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng.

Nhiều nông dân trồng tiêu ở Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, giá tiêu giảm; cùng với chi phí đầu tư tăng cao nên lợi nhuận mang lại không như mong đợi.

Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam dự đoán sản lượng hồ tiêu năm 2023 sẽ tăng khoảng 5% so với năm ngoái, lên 180.000-185.000 tấn.

Không chỉ giá tiêu thấp, nhiều vườn tiêu khó tìm được công hái tiêu sau  tết Nguyên Đán. Ảnh: Nguyễn Vy

Không chỉ giá tiêu thấp, nhiều vườn tiêu khó tìm được công hái tiêu sau tết Nguyên Đán. Ảnh: Nguyễn Vy

Tuy nhiên giá tiêu lại thấp hơn ngay từ đầu vụ cho nên sản lượng dù có tăng thì nông dân vẫn lo lắng. "Chi phí đầu tư tăng cao sẽ ảnh hưởng đến diện tích hồ tiêu trong tương lai", ông Toại nói.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, trên địa bàn tỉnh đang canh tác gần 10.700ha hồ tiêu, giảm hơn 800ha so với đầu năm 2022.

Chu kỳ tăng giá mới của hồ tiêu chưa thể đến sớm

Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, năm 2022, Việt Nam xuất khẩu được 231.988 tấn hồ tiêu các loại. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 985,3 triệu USD.

So với năm 2021, lượng hồ tiêu xuất khẩu năm 2022 giảm 12%, tương đương 31.704 tấn. Tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu tăng 3,9%, tương đương 36,5 triệu USD.

Trao đổi với báo Dân Việt, bà Hoàng Thị Liên – Chủ tịch VPA cho biết, năm 2022, nhiều yếu tố bất lợi khiến nhu cầu tiêu dùng thế giới biến động.

Trong nước, giá hồ tiêu giảm thời gian qua đã tác động không nhỏ đến việc đầu tư, chăm sóc của nông dân đối với cây tiêu.

Nông dân thu hoạch tiêu ở Bình Phước. Ảnh: Nguyễn Vy

Nông dân thu hoạch tiêu ở Bình Phước. Ảnh: Nguyễn Vy

Theo bà Liên, suy thoái kinh tế năm 2022 vẫn còn tác động ảnh hưởng lên giai đoạn 6 tháng đầu năm 2023, chứ chưa thể phai mờ ngay lập tức.

Trong quý I/2023, trong nước cơ bản thu hoạch xong hồ tiêu. Bà Liên cho rằng, để giá tiêu tăng cao cần phải có thêm yếu tố tích cực từ thị trường người mua ở các nước nhập khẩu.

Các chính sách điều chỉnh lạm phát, tiền tệ có thể có tác động nhanh ngay tại các thị trường lớn. Tại Việt Nam, độ thấm của các chính sách này sẽ đến trễ hơn, có thể tính bằng vài tháng hoặc cả năm.

"Sau chu kỳ giảm sâu, chu kỳ giá mới của hồ tiêu chưa thể đến sớm trong năm 2023", bà Liên chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem