"Bão hạn" càn quét xóm làng: Lũ lượt bỏ xứ đi mưu sinh

Hoàng Hạnh Thứ ba, ngày 31/05/2016 06:21 AM (GMT+7)
Hình ảnh những cánh đồng nứt toác, những con kênh cạn nước… trong mùa khô năm nay, được người dân các tỉnh miền Tây ví như những cơn “bão hạn” càn quét qua xóm làng - đã khiến hàng nghìn dân nghèo bỏ xứ “tha phương, cầu thực”.
Bình luận 0

Làng quê hiu hắt

Đến những vùng quê nghèo ở các tỉnh như: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng… vào những ngày cuối tháng 5, chúng tôi ghi nhận khá nhiều những căn nhà khóa trái. Đó từng là tổ ấm của nhiều gia đình nghèo, nhưng giờ nó bị bỏ phế. “Ở xóm này, các nhà báo có thể tìm được nhiều ngôi nhà như thế. Đó là nhà của những người nghèo, không đất đai hay phương tiện sản xuất.

Các năm trước họ còn bám lại được vì còn có thể làm thuê tại địa phương, hoặc trồng màu trên đất thuê… Riêng năm nay, nắng hạn làm các con kênh nội đồng cạn nước. Dân nghèo không thể kiếm cơm quanh quẩn trong làng được nữa, họ phải ra đi” – Phó Ban nhân dân ấp Hội Trung, thị trấn Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng – ông Trương Hữu Căn nói buồn.

img

Nhiều gia đình rời làng lên thành thị kiếm sống, để lại những căn nhà dột nát.
Ảnh: HOÀNG HẠNH

Tiếp nối tiếng thở dài, ông Căn nhẩm tính: “Ấp này có 900 hộ, với hơn 3.800 nhân khẩu, trong đó đồng bào người Khmer chiếm hơn 75%, hiện đã có hơn 100 hộ bỏ làng đi, trong đó 50 hộ dẫn theo vợ con, số còn lại gửi lại con cái cho ông bà ở nhà chăm sóc”.

Ấp Hội Trung có 3 doanh nghiệp xây dựng, 1 hãng nước đá, nhưng thu hút chưa đầy 60 lao động địa phương, nên vì cuộc sống, nhiều gia đình đã phải “chạy làng” cũng là điều dễ hiểu. Đầu mùa khô năm nay, vợ chồng anh Lâm Tấn Thôn phải gửi lại 2 đứa con nhỏ cho ông bà ngoại chăm sóc để lên Bình Dương làm thuê. “Hết cách rồi mới xa con, chớ có cha mẹ nào mà không muốn ở bên con cái mình đâu” - chị Thạch Thị Cúc  (vợ anh Thôn) nghẹn ngào.

Vợ chồng anh Thôn lấy nhau hơn 10 năm trước, ngày cưới gia đình nội ngoại đều nghèo nên của hồi môn chẳng có thứ gì quý giá. Hai vợ chồng được dân làng chung tay xây cất căn nhà gọi là tổ ấm nhỏ. Hàng ngày anh Thôn cày thuê, cuốc mướn, chị Cúc làm thuê công nhật cũng đủ nuôi sống gia đình. Thế nhưng năm nay, đôi vợ chồng này không tài nào kiếm ra tiền nuôi con, nên họ phải rời quê đến vùng đất mới tìm việc làm.

Cách nhà anh Thôn không xa, căn nhà của vợ chồng chị Sơn Thị Ngọc Linh cũng đang trong tình trạng khóa trái. Vài tháng trước, thấy thanh niên trai tráng trong làng bỏ đi Bình Dương làm việc, lương tháng được vài triệu đồng, vợ chồng chị Linh cũng bấm bụng gửi lại 2 đứa con cho bà ngoại chăm sóc.

img

 Ấp Hội Trung, thị trấn Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) bây giờ vắng bóng lao động chính, chủ yếu còn người già và trẻ nhỏ. Ảnh: HOÀNG HẠNH

 Không chỉ ở Sóc Trăng, hàng trăm người dân ở xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau cũng phải xa quê. Ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây Bắc cho biết: Xã có hơn 3.000 hộ  thì có tới 1.000 hộ nghèo. Năm nay hạn sớm, sông ngòi cạn kiệt, ruộng lúa chết trắng đồng. Từ tết tới giờ, xã đã chứng nhận cho 306 người rời quê lên thành phố kiếm sống.

Thay con nuôi cháu

 Ông Trương Hữu Căn cho biết thêm: Do con cái đi làm ăn xa, nên nhiều  người già hiện tại phải thay con lo cho các cháu ở quê, như gia đình ông Thạch Tương (61 tuổi)  là một ví dụ điển hình.

Với dáng gầy gò vì bệnh tật, ông Thạch Tương nói rằng, mình là ông bà mà con cháu bỏ đâu cho đặng, nên dù có nghèo cũng phải đùm bọc nhau. “Tôi có  4 người con, gần 10 cháu ngoại, nội. Nhà nghèo quá nên không gánh hết cho mấy đứa cháu được, hai vợ chồng chỉ nhận chăm hai đứa cháu ngoại út còn nhỏ” – ông Tương tâm sự.

Đầu năm nay chị Thạch Thị Cúc (con gái út ông Tương) dẫn theo hai đứa con là Lâm Tấn Phúc (học lớp 2) và Lâm Thị Bích Trâm (4 tuổi) đến gửi nhà ông bà ngoại để theo chồng lên Sài Gòn làm thuê.

img

Bữa cơm chiều của anh em cháu Lâm Tấn Phúc và Lâm Thị Bích Trâm chỉ có cơm trắng và tô mướp kho. Ảnh: HOÀNG HẠNH

Vùng này có nhiều thanh niên đi làm thuê lắm. Ở đây chủ yếu là trồng mía, nhưng mùa này nước mặn bao vây đồng đất cù lao, cây mía chết cháy, nên có ở lại nhà cũng không có nghề nghiệp gì  để làm”.

Ông Võ Văn Quân
(58 tuổi, ngụ ấp Đoàn Văn Tố, xã Đại Ân 1, huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng)

“Căn nhà tình thương rộng chưa đầy 50m2 của vợ chồng tôi xây cất từ năm 2005, giờ nó muốn sập rồi. Bản thân hai vợ chồng đau yếu suốt, nay phải lo thêm cho hai đứa cháu cũng cực lắm, nhưng phải chịu chứ bỏ tụi nhỏ đâu bây giờ” – bà Sơn Thị Chi, vợ ông Tương nói trong tiếng thở dài.

Theo lời bà Chi, hàng ngày bà đi phụ giúp việc nhà cho một số người quen ở thị trấn Lịch Hội Thượng kiếm được 70.000 đồng/ngày, cộng với số tiền 1 triệu đồng và 25kg gạo vợ chồng con gái gửi về hàng tháng cũng đủ ăn, dù thiếu thốn trăm bề.

Chung cảnh chăm cháu như vợ chồng ông Tương, bà Thạch Thị Hoa (52 tuổi) cũng đang thay con gái là chị Sơn Ngọc Linh nuôi hai cháu ngoại, đứa lớn 11 tuổi, đứa nhỏ mới 4 tuổi.

“Hàng tháng nó có gửi tiền về cho tôi nuôi cháu, ngoài ra để có thêm tiền, tôi làm thêm nghề phụ giúp việc nhà, mỗi tháng cũng kiếm thêm được khoảng 3 triệu đồng, đủ cho 3 bà cháu sống qua ngày” - bà Hoa bộc bạch.

Ông Võ Văn Khoa – Chủ tịch UBND thị trấn Lịch Hội Thượng cho biết: Thị trấn có 5 ấp, với hơn 10.000 hộ, các năm trước cũng có tình trạng dân bỏ làng đi làm ăn, nhưng năm nay thì nhiều hơn do cuộc sống ngày càng khó khăn.

Nảy sinh nhiều hệ lụy cho thành thị và nông thôn

Một trong những nguyên nhân khiến người dân ĐBSCL bỏ quê đi làm ăn xa là do trận hạn, mặn khốc liệt trong lịch sử hoành hành, gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp. Liên quan đến tình trạng này, phóng viên NTNN/Dân Việt trao đổi với ông Trần Hữu Hiệp  – Ủy viên chuyên trách kinh tế Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ.

Ông Trần Hữu Hiệp cho biết: Đến nay, đã 10/13 địa phương trong vùng công bố thiên tai; gần 225.000ha lúa; hơn 6.600ha hoa màu; gần 5.000ha nuôi thủy sản bị thiện hại; 9.400ha cây ăn quả bị ảnh hưởng, hàng trăm ngàn hộ dân, các bệnh viện, trường học vùng hạn mặn đang trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Hạn, mặn làm mất sinh kế của người dân nên họ phải bỏ quê hương lên thành thị mưu sinh trong điều kiện túng quẫn. Đến nay, chỉ tính riêng 2 tỉnh Kiên Giang và Sóc Trăng đã có hơn 40.000 người bỏ quê.

Theo ông, việc di cư trên sẽ tác động như thế nào đến xã hội và đời sống người di cư sẽ như thế nào?

- Kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy, ĐBSCL là vùng có số dân di cư cao nhất nước (6 – 7%). Trong đó, 3/4 số dân di cư từ vùng nông thôn ĐBSCL đến TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ.

Việc di cư tự do, tự phát sẽ nảy sinh nhiều hệ lụy về mặt xã hội, những bất ổn về an ninh, trật tự, giao thông, môi trường... Cụ thể là  khu vực thành thị sẽ đối mặt với tình trạng đón nhận dòng nhập cư ồ ạt và sống chủ yếu bằng lao động phổ thông. Số lao động trẻ thiếu kiến thức, sẽ có một bộ phận lao động nữ hành nghề nhạy cảm, sống không lành mạnh… Về sau, những tệ nạn xã hội này sẽ bị “lôi kéo” về khu vực nông thôn. Ngoài ra, tình trạng di cư đã “hút đi” một lượng lớn lao động trong độ tuổi ở khu vực nông thôn ĐBSCL.

Vậy Nhà nước cần  làm gì để khắc phục tình trạng trên?

- Xét trên bình diện chung thì sự dịch chuyển lao động giữa khu vực nông thôn và đô thị trong quá trình phát triển là tất yếu. Vấn đề đáng lo ngại là tình trạng di cư bị động do ảnh hưởng bởi hạn, mặn.

Để người dân sống được ở quê hương thì cần nhiều hơn nữa các cơ chế, chính sách hỗ trợ tam nông. Các vấn đề đất đai, khoa học kỹ thuật cho sản xuất hàng hóa cần những sửa đổi để chuyển đổi nông nghiệp chứ không phải lắt nhắt một ít chính sách trợ giúp tạm trữ, hỗ trợ vốn... có tính đối phó. Nên xem việc di cư này là một “thách thức” để ngành chức năng rà soát lại nhiều chính sách có liên quan. Đây không chỉ đơn thuần là việc quản lý dân cư hành chính hay giải quyết về mặt xã hội mà cần tính đến cơ chế, chính sách phát triển liên quan đến nông nghiệp, nông dân, xây dựng nông thôn mới.

Tóm lại, tất cả các vấn đề trên được giải quyết mới mong chữa lành “di chứng” do hạn, mặn để lại và nâng cao sức chống chịu của thiên tai, biến đổi khí hậu đang và sẽ diễn ra thường xuyên hơn, khốc liệt hơn. Việc di cư của người dân rất cần được gắn với những vấn đề cấp bách cứu trợ dân sinh.

Xin cảm ơn ông!

HUỲNH XÂY (thực hiện)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem