Bạo hành trẻ mầm non: Có tuyệt chiêu nào “canh” con tại trường?

Tùng Anh Thứ ba, ngày 07/02/2017 14:45 PM (GMT+7)
Sau vụ giáo viên trường mầm non Sen Vàng bạo hành trẻ, nhiều phụ huynh không khỏi “chột dạ” lo lắng về sự an toàn của con mình tại trường học. Những kinh nghiệm, bí quyết giám sát con tại trường nhanh chóng được các mẹ tìm kiếm, chia sẻ.
Bình luận 0

Chọn thời điểm gửi trẻ thích hợp

Đó là kinh nghiệm của chị Trần Thị Hoa (Đông Ngạc – Từ Liêm – Hà Nội). Chị Hoa cho biết, mặc dù không có bà nội hay bà ngoại lên trông con dùm nhưng chị Hoa vẫn kiên quyết thà thuê người trông trẻ tại nhà chứ không cho con đi học trước 2 tuổi. Theo chị Hoa, nếu tính kinh phí, việc thuê người giữ trẻ tại nhà và cho trẻ đi học sớm cũng ngang nhau: “Thuê giúp việc khoảng 3 triệu đồng/ tháng. Học phí cho trẻ dưới 2 tuổi trung bình cũng tầm 2 triệu/ trẻ. Ngoài ra còn các loại phí đóng đầu năm, quỹ này nọ rồi “đi” các cô những ngày đặc biệt ….” – chị Hoa tính.

img

Trẻ mầm non bị cô giáo dùng dép đánh vào đầu gây bức xúc (ảnh cắt từ clip)

Chị Hoa cho rằng, 2 tuổi là độ tuổi hợp lý nhất bắt đầu cho con đến trường mầm non. Ở độ tuổi này, trẻ ít nhất đã biết đi và chạy vững, biết nói những từ cơ bản để cô giáo có thể hiểu là mình cần những gì, khó chịu vì sao. Việc ăn uống của trẻ ở độ tuổi này cũng đã có nề nếp và có thể chủ động hơn. Con có thể ăn cơm, cháo, và các loại thức ăn thô mà không cần cô giáo can thiệp sơ chế lại thức ăn.

“Dưới 2 tuổi, trẻ chưa có được những kỹ năng cơ bản này. Đau, đói, khát, khó chịu chưa biết nói mà chỉ biết khóc để phản ứng. Điều này cũng khiến sự giao tiếp giữa cô và trò bị hạn chế, trẻ khóc nhiều ảnh hưởng đến trẻ khác. Những trẻ quá nhỏ chưa biết đi, ăn uống còn phải làm nhuyễn đồ ăn làm giáo viên vất vả hơn. Chính vì vậy, họ rất dễ cáu gắt vì quá mệt mỏi” – chị Hoa nói.

Dạy trẻ tự lập từ sớm

Để con không rơi vào cảnh bị “bạo hành” nhiều phụ huynh cho rằng rất cần thiết phải dạy con những kỹ năng cơ bản nhất kể cả khi trẻ còn nhỏ. Chị Trần Hoài Thu – nhân viên công ty CPĐT xây lắp & thương mại DS Việt Nam (Hà Nội) cũng có 2 con nhỏ đang học mầm non (lớp 3 tuổi và 5 tuổi). Theo chị Thu, phụ huynh không thể đòi hỏi các cô chăm sóc con mình ở trường như mình chăm con ở nhà được vì sĩ số các lớp rất đông, mỗi cô ít cũng phải “quản” 10 cháu.

img

Trẻ tự lập sớm sẽ tránh được nguy cơ bị bạo hành (nguồn: IT)

“Không nên chăm con quá “kỹ” ở nhà. Những kỹ năng cơ bản như: ngồi ăn đúng cách, đi vệ sinh đúng giờ, biết đòi đi tè, ị, tự ngủ không cần ru… các mẹ đều có thể “huấn luyện” cho con tại nhà trước 2 tuổi. Nhiều ông bà, bố mẹ quá chiều con, làm cho con tất tật mọi thứ và luôn đáp ứng những đòi hỏi của con khiến trẻ không biết điểm dừng, hình thành thói ăn vạ. Chính cách dạy con như vậy sẽ làm cho trẻ gặp nhiều nguy cơ bị bạo hành khi đi học” – chị Thu nói.

Nói chuyện với con mỗi ngày

Đây là cách đơn giản nhất để các bậc phụ huynh có thể kiểm soát được mọi hoạt động của con khi một ngày ở lớp. Mặc dù bận rộn đến đâu, chị Phạm Thị Vân Anh (Hoàng Mai – Hà Nội) cũng không nên bỏ qua động tác này vào mỗi buổi tối trước khi đi ngủ.

img

Trò chuyện với con mỗi ngày để biết được tình hình của con ở lớp (minh họa: IT)

Theo chị Vân Anh, đối với những trẻ đã nói thạo, bố mẹ có thể hỏi con bắt đầu bằng việc: “Hôm nay ở trường con có vui không?” sau đó sẽ nói về “Món gì con thích nhất? Nay ở trường con có được ăn món đó không? Cô giáo nào con yêu nhất? Cô dạy con những gì? Có chuyện gì làm con buồn, chán không”…

Chị Vân Anh cho biết: “Các câu hỏi thường phải khéo léo không nên hỏi kiểu hỏi cung  khiến trẻ bị áp lực. Đối với trẻ nhỏ hơn thì phải thăm dò thái độ của con. Con có vui vẻ khi đến trường không? Có sợ hãi khi nhìn thấy cô giáo này, kia không? Đêm có khóc, giật mình hoảng hốt không? Tất cả những tín hiệu đó đều có nguyên nhân”

Kết thân với các phụ huynh khác

Các phụ huynh khác chính là một “kênh” thông tin tốt để bố mẹ trông chừng con, thậm chí giám sát cả…cô tại trường mầm non. Nhiều phụ huynh chia sẻ, việc đầu tiên họ làm khi cho con nhập học là xin số điện thoại, zalo, facebook… của các bậc phụ huynh trong lớp rồi lập nhóm để trao đổi mỗi ngày về tình hình của lớp.

“Tất cả những băn khoăn về trình độ của giáo viên, chất lượng giảng dạy, đồ ăn thức uống, tiền đóng góp…đều được đưa ra bàn luận mỗi ngày. Thậm chí, có nhóm phụ huynh còn chia nhau lịch “đến thăm” lớp bất thình lình hàng ngày nếu có vấn đề gì nghi ngờ. Đây là một cách rất tốt để bảo vệ con trước những nguy cơ bạo hành” – chị Vân Anh nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem