Theo Chính phủ, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Thuế GTGT hiện hành còn bộc lộ một số hạn chế cần được khắc phục. Đơn cử, về đối tượng không chịu thuế, tiêu thức xác định hộ cá nhân kinh doanh không phải nộp thuế GTGT căn cứ theo mức tiền lương tối thiểu áp dụng đối với doanh nghiệp mà không căn cứ vào doanh thu nên không phù hợp với bản chất thuế GTGT.
|
Loại hình bảo hiểm an ngư theo đề xuất của Chính phủ sẽ không chịu thuế VAT. |
Cũng theo tờ trình, Chính phủ đề nghị sửa đổi nhiều nội dung trong Luật Thuế GTGT hiện hành. Cụ thể với đối tượng không chịu thuế, qua rà soát 25 nhóm hàng hoá, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, Chính phủ đề nghị bổ sung các loại hình sản phẩm bảo hiểm liên quan đến con người, bảo hiểm nông nghiệp và bảo hiểm an ngư.
Về tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, Chính phủ đề nghị bổ sung ngưỡng tính thuế để áp dụng phương pháp khấu trừ thuế GTGT đối với doanh nghiệp, HTX và cơ sở kinh doanh đăng ký tự nguyện. Mức ngưỡng doanh thu và điều kiện đăng ký tự nguyện cụ thể giao Chính phủ quy định cho phù hợp trong từng thời kỳ để đảm bảo sự linh hoạt. Theo tờ trình của Chính phủ, hiện có khoảng 550.000 tổ chức kinh tế đang kê khai và nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ. Trong đó có khoảng 1/3 là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và rất nhỏ, doanh thu chưa tới 1 tỷ đồng/năm, số thu thuế GTGT chiếm khoảng 0,3% tổng thu về thuế GTGT.
Qua thảo luận, nhiều thành viên UBTVQH cho rằng, dự án luật còn nhiều nội dung chưa rõ, trong khi đây lại là một văn bản pháp luật có tác động sâu rộng đến toàn xã hội. Theo ông Phan Trung Lý- Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật: “Dự thảo sửa 7 nội dung, đều là những điểm rất quan trọng, liên quan đến quyền, nghĩa vụ công dân, nguồn thu ngân sách... Tuy nhiên, trong đó lại có 6/7 nội dung giao Chính phủ quy định là không ổn”. Qua đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị Ban soạn thảo chỉnh lý, tiếp tục trình lại dự án ra UBTVQH tại kỳ họp tới.
Cùng đồng tình, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng dự thảo luật cần tiếp tục hoàn thiện: “Linh hồn của một luật thuế là thuế suất thì lần này vẫn giữ nguyên 3 mức; các ngưỡng thuế suất để tính thuế theo phương pháp khấu trừ hay trực tiếp cũng chưa nêu rõ”. Ông Hiển lưu ý, dù được thông qua tại 1 hay 2 kỳ họp thì thời điểm có hiệu lực của luật “phải từ 1.1.2014 để đồng bộ với Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và năm tài khóa”.
Kết luận phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận định: “Luật vừa ban hành năm 2009, sửa nhiều lần quá mà vẫn còn bất cập. Cùng với việc hoàn thiện dự luật, Bộ Tài chính cần phải tích cực chuẩn bị các điều kiện triển khai thi hành luật sớm, nếu thông qua theo quy trình 2 kỳ họp, để đến tận tháng 7.2014 mới thực hiện là muộn, trong khi tình hình rất bức thiết”. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các cơ quan soạn thảo, thẩm tra dự luật rà soát kỹ để đảm bảo tầm nhìn dài hạn cũng như giải quyết được những bức xúc trong thực tế.
Hải Phong - Đức Hiếu
Vui lòng nhập nội dung bình luận.