Bảo hiểm xã hội Hà Nội kiện 30 doanh nghiệp nợ hơn 900 tỷ đồng

Chủ nhật, ngày 28/08/2011 14:12 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.Hà Nội đang lên kế hoạch kiện 30 doanh nghiệp chây ì không chịu đóng BHXH cho người lao động. Đáng chú ý, trong đó không ít doanh nghiệp làm ăn có lãi.
Bình luận 0

Những khoản nợ khổng lồ

Gắn bó với Công ty Orion- Hanel được 5 năm, chị Nguyễn Thị Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) đã từng làm trưởng nhóm quản lý nhưng do con ốm và hoàn cảnh gia đình khó khăn nên đành xin thôi việc để tìm việc ở công ty khác.

“Tôi chuyển sổ bảo hiểm sang công ty mới nhưng khi kiểm tra mới biết Công ty Orion - Hanel còn nợ BHXH, sổ đó chỉ là sổ bảo hiểm khống, không có số đăng ký ở cơ quan BHXH nên không có giá trị. Thế là 5 năm đóng BHXH của tôi coi như công cốc” - chị Hoa nói.

img
Được đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ, người lao động sẽ đóng góp hiệu quả hơn cho hoạt động của doanh nghiệp (ảnh minh họa).

Không chỉ có chị Hoa, nhiều lao động làm việc ở các đơn vị bị phá sản hoặc chủ doanh nghiệp bỏ trốn vì bị cơ quan BHXH khởi kiện đều phải chịu thiệt thòi mà chẳng biết kêu ai.

Trao đổi với NTNN, ông Trương Trọng Thắng – Phó Giám đốc BHXH TP.Hà Nội cho biết, tính đến hết tháng 5.2011, tổng số nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp trên toàn thành phố đã lên tới hơn 900 tỷ đồng. Trong đó, nợ từ 6 tháng đến 12 tháng là 628,1 tỷ đồng, chiếm 69,7%; nợ từ 12 tháng trở lên có 1.216 đơn vị với 271,9 tỷ đồng chiếm 30,2% tổng số nợ.

Theo bà Nguyễn Thị Hoà – Phó Trưởng phòng Kiểm tra (BHXH Hà Nội), trong năm 2010 trên địa bàn TP. Hà Nội có 11 đơn vị nợ BHXH bị khởi kiện, trong đó, một đơn vị trả lại đơn; 5 đơn vị hoà giải thành công và hiện đã nộp hết nợ với số tiền khoảng 2,5 tỷ đồng; 2 đơn vị không cần hoà giải cũng tự nộp đủ với số nợ 500 triệu đồng và 1 đơn vị bị xét xử với số nợ 1,8 tỷ đồng nhưng đến nay cũng mới chỉ nộp được 1,2 tỷ đồng.

Ngoài ra, vẫn còn một đơn vị do khó khăn nên xin đề nghị khoanh nợ để trả dần hàng tháng. Ngoài các doanh nghiệp cố tình chây ì, BHXH TP. Hà Nội còn cho biết, hiện Công ty TNHH Đèn hình Oriol – Hanel đang nợ đọng BHXH khoảng 5 tỷ đồng nhưng chuẩn bị làm thủ tục phá sản, chưa biết bao giờ đòi lại được quyền lợi cho người lao động.

Chây ì vì… lợi nhuận

Theo khảo sát của BHXH TP. Hà Nội, trong số các doanh nghiệp đang nợ BHXH có 61 đơn vị nợ số tiền lớn từ 1 tỷ đồng trở lên với tổng số nợ là hơn 160 tỷ đồng. Trong đó, nhiều doanh nghiệp có thời gian nợ kéo dài trên 12 tháng, tập trung ở các đơn vị thuộc ngành xây dựng, cầu đường giao thông, dệt may, cơ khí…

Không chỉ Hà Nội, tình trạng nợ đọng BHXH đến nay đã trở thành "căn bệnh mạn tính", xảy ra ở hầu hết địa phương trên cả nước. Theo BHXH tỉnh Đồng Nai, tỉnh có trên 600 đơn vị nợ BHXH từ 3 tháng trở lên, với tổng số tiền hơn 60 tỷ đồng. Đặc biệt, có 61 doanh nghiệp nợ BHXH với số tiền 6,3 tỷ đồng và chủ doanh nghiệp đã bỏ trốn. Số liệu của BHXH tỉnh Bắc Giang cũng cho thấy, đến nay cũng có tới hơn 250 doanh nghiệp, tổ chức còn nợ tiền BHXH với tổng số hơn 54 tỷ đồng; Tại TP.Hồ Chí Minh, nhiều doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BHTN với số tiền hơn 750 tỷ đồng…

Lý giải về nguyên nhân dẫn tới sự chây ì của các doanh nghiệp, ông Trương Trọng Thắng cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, việc một số doanh nghiệp bị thua lỗ không thể đóng BHXH ngay được cũng có thể thông cảm. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp có uy tín, qua theo dõi báo cáo tài chính thấy họ làm ăn rất tốt nhưng vẫn cố tình chây ì là không thể chấp nhận được.

“Nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp làm ăn có lãi vẫn cố tình chây ì không đóng BHXH là do hiện tại phần truy thu nợ đọng BHXH chỉ tính lãi suất 10,5% và BHYT là 8%, trong khi lãi suất ngân hàng mà doanh nghiệp vay được hiện tại đã cao gấp đôi. Nếu nợ đọng khoảng 1 tỷ trở lên, đương nhiên doanh nghiệp có thêm vốn kinh doanh với lãi suất thấp. Đó là chưa kể, muốn vay khoản vốn ấy ở ngân hàng phải có một tài sản thế chấp tương đương. Tính ra, doanh nghiệp đã “có lời” khoảng 10% số tiền nợ đọng BHXH”.

Để hạn chế tình trạng nợ đọng BHXH, ông Thắng cho rằng, ngoài những biện pháp đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền, công bố danh tính doanh nghiệp, tăng cường thanh tra, xử lý nghiêm các đơn vị nợ đọng BHXH…cần tính đến cái “gốc” của vấn đề là nâng mức lãi suất truy thu của BHXH lên ngang với lãi suất ngân hàng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem