Người biểu tình tụ tập trong một cuộc biểu tình chống chính phủ tại thủ đô Baghdad (Ảnh: Reuters)
Bộ Nội vụ Iraq cho hay số người chết hiện đã lên tới 104 người, và hơn 6.000 người bị thương trong các vụ bạo lực kể từ thứ Ba tuần trước (1.10), nhưng phủ nhận thông tin các lực lượng chính phủ đã bắn thẳng vào người biểu tình. Trong số những người thiệt mạng có tới 8 thành viên của lực lượng an ninh.
Các cuộc biểu đã tình đặt ra thách thức an ninh và chính trị lớn nhất đối với chính phủ của Thủ tướng Adel Abdul Mahdi kể từ khi lên nắm quyền vào năm ngoái, và đã khơi lại những lo sợ về một vòng xoáy bạo lực mới có thể thu hút các nhóm dân quân có ảnh hưởng tại đây.
Hai năm sau khi tuyên bố đánh bại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), tình hình an ninh tại Iraq đã phần nào được cải thiện. Nhưng nước này hiện đang phải đối mặt với nạn tham nhũng tràn lan, các cơ sở hạ tầng bị phá hủy không được xây mới, và tình trạng việc làm khan hiếm.
Trong một cuộc họp nội các khẩn cấp vào tối thứ Bảy vừa qua (5.10), chính phủ của Thủ tướng Abdul Mahdi đã đồng ý kế hoạch 17 điểm để tăng trợ cấp nhà ở cho người nghèo, hoạch định các chương trình dạy nghề và giải quyết nạn thất nghiệp, cùng các khoản vay nhỏ lẻ cho những thanh niên chưa có việc làm.
Gia đình của những người thiệt mạng ở các cuộc biểu tình trong tuần này cũng sẽ nhận được những khoản bồi thường và chế độ chăm sóc vốn chỉ dành cho các thành viên của lực lượng an ninh đã hy sinh trong chiến tranh.
"Với những gì đang xảy ra, tôi thề trước Đấng tối cao rằng mối quan tâm duy nhất của tôi lúc này chỉ là những con số thương vong", Thủ tướng Abdul Mahdi được truyền hình nhà nước trích dẫn lại phát biểu trên trong cuộc họp nội các.
Dù thông tin chi tiết về các kế hoạch của chính phủ đã được phổ biến rộng rãi trên phương tiện truyền thông xã hội ở Iraq, nhưng đường truyền Internet đã liên tục gặp sự cố mất mạng trên toàn quốc.
Đụng độ suốt đêm
Biểu tình bùng phát trở lại ở thủ đô Baghdad sau khi chính phủ gỡ lệnh giới nghiêm (Ảnh: Reuters)
Nguồn tin từ lực lượng cảnh sát và các cơ quan y tế tại Iraq cho hay 18 người đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ vào cuối ngày thứ Bảy và vào đầu Chủ nhật vừa qua tại thủ đô Baghdad.
Cảnh sát cũng đã nổ súng trực tiếp trong các cuộc đụng độ diễn ra suốt đêm ở thành phố Nasiriya ở phía nam nước này, khiến 24 người bị thương, bao gồm 7 cảnh sát, theo các nguồn tin từ cơ quan an ninh, bệnh viện và nhà xác.
Người biểu tình đã phóng hỏa trụ sở của một số đảng chính trị ở Nasiriya, bao gồm trụ sở của đảng Dawa vốn đã nắm quyền tại Iraq suốt từ năm 2003 đến 2018.
Trật tự chỉ được vãn hồi vào ngày Chủ nhật, sau khi thủ đô Baghdad và các tỉnh phía Nam, nơi đã xảy ra các cuộc đụng độ nặng nề trong vài ngày qua, được bảo vệ nghiêm ngặt hơn. Nhưng các cuộc biểu tình đã có xu hướng bùng phát trở lại vào cuối ngày, khi một vài nhóm thanh niên nhỏ đã tụ tập gây rối ở phía đông Baghdad, theo các các nguồn tin từ phía cảnh sát.
Bạo lực cũng bùng phát trở lại ở Diwaniya, một thành phố khác ở phía nam thủ đô Baghdad, khiến ít nhất một người thiệt mạng.
Trước khi các cuộc đụng độ tiếp diễn trở lại, Thứ Bảy vừa qua là một ngày tương đối yên bình tại Iraq, sau khi chính quyền dỡ bỏ lệnh giới nghiêm và tình hình giao ở trung tâm Baghdad đã bình thường trở lại. Hàng trăm nhân viên an ninh đã được triển khai trên khắp các đường phố tại thủ đô Iraq trong ngày này.
"Lực lượng an ninh đã làm tất cả những gì có thể để bảo vệ sự an toàn của người biểu tình và nhân viên an ninh", người phát ngôn Bộ Nội vụ Iraq Saad Maan cho biết.
Lo sợ bạo lực leo thang
Nguyên nhân biểu tình chủ yếu đến từ nạn tham nhũng trong chính phủ và tình trạng thất nghiệp tràn lan tại Iraq (Ảnh: Al Jazeera)
Trong khi sự giận dữ từ những người biểu tình vẫn còn rất sâu sắc, chính phủ Iraq còn phải đối mặt với sự phản ứng giữa các phe phái trong Quốc hội, những người đang bắt đầu tẩy chay các cuộc họp từ cơ quan lập pháp của nước này.
Moqtada al-Sadr, một giáo sĩ có có ảnh hưởng lớn tại Iraq, với số lượng tín đồ đông đảo và đang kiểm soát một phe nhóm lớn trong Quốc hội nước này, hôm thứ Sáu vừa qua (4.10) đã yêu cầu giải thể chính phủ đương nhiệm và tổ chức tổng tuyển cử sớm. Ít nhất một nhóm lớn khác trong Quốc hội Iraq đã liên minh với phe nhóm của Sadr trong việc chống lại chính phủ nước này.
Thống đốc tại Baghdad, người có vị trí không gây ảnh hưởng cho lắm, đã phải từ chức vào Chủ nhật vừa qua, sau khi ông bị người biểu tình cáo buộc không có khả năng cải thiện các điều kiện của thành phố này.
Nhưng các đảng phái vốn đã nắm quyền lực chính trị tại Iraq, kể từ cuộc đổ bộ của Mỹ vào nước này năm 2003 để lật đổ nhà lãnh đạo Saddam Hussein, đã không cho thấy họ sẵn sàng từ bỏ các thể chế mà họ kiểm soát.
"Không có lời biện minh nào cho việc sử dụng đạn thật để chống lại những người biểu tình ôn hòa", Aqeel al-Musawi, người đứng đầu Ủy ban Nhân quyền cao cấp bán chính thức của Iraq, phát biểu, "Chính phủ phải có nhiệm vụ bảo vệ người biểu tình và cho phép họ thể hiện nhu cầu chính đáng của mình một cách thuận lợi."
Tình trạng bạo lực vẫn tiếp diễn khi nhiều người bắt đầu di chuyển về miền nam Iraq để tham dự chuyến hành hương Arbaeen của giáo phái Shi'ite, dự kiến sẽ thu hút 20 triệu tín đồ tại nước này.
Tổng thống Iraq mới đây tuyên bố Iraq sẽ không cho phép Mỹ dùng căn cứ tại nước này để tấn công Iran, trong lúc Tổng...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.