“Bạo lực học đường” không phải là trách nhiệm của con trẻ

Lương Kết Thứ ba, ngày 28/03/2017 14:01 PM (GMT+7)
"Bạo lực học đường xảy ra là do lỗi của người lớn, của nhà trường, gia đình, xã hội. Không thể bắt con trẻ phải gánh trách nhiệm đó" - TS Phạm Minh Tuyên, Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh nói.
Bình luận 0

img

Thẩm phán Nguyễn Hữu Chính góp ý vào dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015.

Sáng 28.3, tại Hà Nội, TAND Tối cao đã tổ chức hội thảo góp ý vào dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015.

Theo quy định của dự thảo Luật, có điểm được bổ sung rất đáng chú ý ở điều 134 tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác. Cụ thể khoản 6 điều 134 quy định: Người nào chuẩn bị hung khí, nguy hiểm, axít sunfuric hoặc hóa chất nguy hiểm nhằm gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe người khác thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phát tù từ 3 tháng đến 2 năm. Với quy định này, việc chuẩn bị phạm tội cũng đã bị xử lý hình sự. Theo đại tá Bùi Văn Giang - Thẩm phán Tòa án Quân sự TƯ, nội dung bổ sung này rất phù hợp, đảm bảo ngăn chặn từ hành vi chuẩn bị phạm tội.

Về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, theo Bộ luật hình sự hiện hành, người đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự đối tội phạm rất nghiêm trọng (có mức hình phạt cáo nhất là 15 năm tù) do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng (có mức hình phạt từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình).

Theo dự thảo Luật mới, đã bổ sung thêm quy định phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đối với tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác (điều 134); tội Hiếp dâm (điều 141); tội Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (điều 169).

Góp ý vào vấn đề này, TS Phạm Minh Tuyên - Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh cho rằng, quy định như vậy là không phù hợp. TS Tuyên phân tích, ở điều 134 tội Cố ý gây thương tích, nếu hành vi phạm tội ở khoản 1 của điều này cơ quan điều tra phải khởi tố theo yêu cầu của bị hại.

"Tôi biết trong quá trình thảo luận xây dựng dự thảo Luật, có ý kiến cho rằng quy định như vậy là để ngăn chặn bạo lực học đường. Tôi cho rằng như thế không được, bạo lực học đường xảy ra là do lỗi của người lớn, của nhà trường, gia đình, xã hội chứ không thể bắt con trẻ gánh việc đó. Vấn đề nữa là còn phù hợp với công ước quốc tế, không thể lấy lý do đó để buộc trẻ em phải chịu"- TS Tuyên nói.

Góp ý về điều 159 tội Xâm hại chỗ ở của người khác, Thẩm phán Nguyễn Hữu Chính - Chánh án TAND TP.Hà Nội phân tích: Điều luật này quy định người nào dùng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực hoặc thủ đoạn trái pháp luật buộc người khác phải rời khỏi chỗ ở hợp pháp của mình. Quy định như vậy thấy cấu thành thứ nhất là hành vi, thứ hai phải buộc người đó rời khỏi nơi ở hợp pháp của họ mới được coi là phạm tội.

Ông Chính cho rằng, nếu theo khái niệm "chỗ ở hợp pháp" thì hiện nay ở Hà Nội có rất nhiều người ở chưa hợp pháp, như chỗ ở lấn chiếm, ở nhưng không có giấy tờ… Nếu ai đó có hành vi xâm phạm vào chỗ ở chưa hợp pháp này của họ, theo quy định trong dự Luật thì người có hành vi trên không có tội.

"Quy định như vậy là hở, vô tình để cho giang hồ, xã hội đen đến đòi nợ hoặc đến đòi nhà của người dân mà luật không thể xử. Cần phải sửa lại điều luật, chỉ cần quy định xâm phạm chỗ ở của người khác là đủ không cần đưa từ "hợp pháp" vào" - ông Chính góp ý.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem