Thời gian gần đây sau khi năm học mới bắt đầu, tình trạng bạo lực học đường liên tục xảy ra ở nhiều trường trên địa bàn TP.HCM. Các vụ việc hầu hết đều diễn ra trong lớp, trong trường do mâu thuẫn nhỏ của lứa tuổi học trò. Đáng nói, thời điểm xảy ra các vụ bạo lực này không thấy sự xuất hiện, can thiệp của giáo viên.
Gần đây nhất, tại Trường THCS Rạng Đông (quận Bình Thạnh), một nam sinh lớp 8 dùng tay, chân, cùi chỏ... liên tục đánh vào người bạn học cùng khối với mình ngay tại cầu thang trong trường. Xung quanh "hai nhân vật chính", có rất nhiều học sinh khác đứng vòng quanh, hò hét cổ vũ, quay video...
Hồi đầu tháng 10, phụ huynh có con học tại Trường THCS Lê Quý Đôn (TP.Thủ Đức) cũng bức xúc cho biết, khi đang làm việc ở nhà thì nhận được điện thoại cầu cứu của con trai tại trường. Tức tốc, vị phụ huynh chạy vào trường "giải cứu" con thì thấy cậu bé đã bị bạn đánh và đang ngồi khóc.
Tại Trường THPT Nguyễn Trung Trực (quận Gò Vấp), một đoạn clip ghi lại cảnh nam sinh đánh bạn như đấm bốc bị rò rỉ trên mạng xã hội. Cũng giống clip đánh bạn tại Trường THCS Rạng Đông, nam sinh này rất "hăng máu", liên tục thủ thế và tung ra các cú đấm vào mặt, ngực, bụng... của bạn. Trong khi đó, người bạn chỉ biết ôm đầu, cố gắng né tránh trận đòn giữa lớp học...
Trong tất cả những vụ việc trên, hoàn toàn không thấy sự xuất hiện của giáo viên, giám thị hay thậm chí là bảo vệ nhà trường. Chỉ đến khi sự việc được đăng tải lên mạng xã hội, nhà trường mới vào cuộc để giải quyết.
Phải có biện pháp ngăn ngừa bạo lực học đường
Sở GDĐT TP.HCM vừa có văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục chính trị và công tác học sinh sinh viên năm học 2022-2023. Trong đó, yêu cầu các trường không xem nhẹ công tác giáo dục chính trị tư tưởng và có biện pháp ngăn ngừa hiệu quả tình trạng bạo lực học đường.
Theo đó, ông Dương Trí Dũng - Phó Giám đốc Sở GDĐT TP.HCM yêu cầu, các trường phải xây dựng quy trình rà soát, phát hiện nguy cơ có ảnh hưởng tiêu cực đến học sinh. Nhà trường đồng thời có kế hoạch phòng ngừa hiệu quả đối với các vấn đề phức tạp của học sinh, hạn chế việc học sinh rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, bị xâm hại, bị bạo lực, bỏ học, vi phạm pháp luật.
Nhà trường đồng thời tổ chức can thiệp, trợ giúp hoặc kết nối với gia đình, chính quyền địa phương và các đơn vị cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại cộng đồng.
Ngoài ra, mỗi cơ sở giáo dục cần chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng sống theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, tăng cường kỹ năng thực hành... Các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa phải đảm bảo tính thiết thực, gắn với những mục tiêu giáo dục cụ thể, phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông và chú trọng công tác an toàn trong quá trình tổ chức.
Liên quan đến vụ bạo lực học đường xảy ra tại Trường THCS Rạng Đông, sáng 24/10, ông Nguyễn Mạnh Cường - Hiệu trưởng Trường THCS Rạng Đông cho biết, nhà trường đã mời phụ huynh và học sinh của hai em trong vụ việc lên làm việc trong sáng nay.
Tuy nhiên, nam sinh đánh bạn hiện đang về quê, chưa có mặt tại trường để làm tường trình. Do đó, nhà trường tạm thời chưa xử lý. Trong ngày mai (25/10), nhà trường yêu cầu nam sinh này và gia đình có mặt tại trường để làm việc. Sau đó, nhà trường sẽ đưa ra hình thức xử lý.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.