Chứng kiến bạn bị bạo hành dã man nhưng chỉ đứng nhìn, thậm chí cổ vũ, cổ xúy mà không có bất kỳ hành động nào can ngăn, can thiệp đang dấy lên mối lo ngại về quan điểm sống của giới trẻ ngày nay.
Mới đây mạng xã hội lan truyền đoạn video ghi lại cảnh một nam sinh bị bạn liên tiếp đấm, đánh vào mặt khiến nam sinh kia nằm gục xuống ôm mặt tại Trường Cao đẳng nghề công nghiệp Thanh Hóa. Điều đáng nói một số bạn đứng nhìn không can ngăn. Đây cũng không phải là trường hợp duy nhất khiến dư luận lo lắng, bất an.
Chứng kiến, cổ vũ bạn đánh nhau: Giới trẻ ngày nay có thờ ơ, vô cảm?
Trao đổi với PV báo Dân Việt, TS Nguyễn Nữ Nguyệt Anh, Trưởng khoa Xã hội học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng, chúng ta không nên vội vàng kết luận giới trẻ ngày nay vô cảm bởi như vậy là phiến diện.
Một vụ bạo lực học đường nhưng một số bạn đứng nhìn không can thiệp. Ảnh cắt từ clip
TS Nguyệt Anh lý giải: Thanh niên thế hệ gen Z (sinh từ năm 1997-2006) là nhóm học sinh đang học THPT, sinh viên hoặc mới đi làm. Bố mẹ các em thuộc Gen X (sinh từ năm 1965-1980). Ở đây, cả thế hệ cha mẹ, con cái đề có đặc điểm riêng. Quan điểm sống của cha mẹ các em có xu hướng phát triển bản thân, nâng cao đời sống vật chất của mình và gia đình, xây dựng gia đình hạt nhân thay vì truyền thống, đa thế hệ như trước đây. Chính vì vậy sự tương tác giữa các thành viên trong gia đình bị hạn chế vì họ giành quá nhiều thời gian cho công việc.
Con cái của họ thì bị truyền thông đại chúng tác động nhiều hơn so với gia đình, nhà trường. Vì vậy, các em chứng kiến câu chuyện xung quanh mình về bạo lực học đường giữa học sinh với nhau, giữa học sinh với giáo viên... mà không dám can thiệp. Lý do, nhiều em cảm thấy đây là điều không quá bất thường, xảy ra rất nhiều. Các em cũng lo lắng không dám can ngăn sợ rằng liệu có bị hệ lụy hay không. Thứ ba là do người Việt có tính "nhiều chuyện" nên hay tụ tập xem để giải tỏa trí tò mò nhưng số người trực tiếp can thiệp thì rất ít.
Do vậy các em đứng nhìn cảnh bạo lực học đường thì đừng đổ lỗi ngay, có thể các em vô cảm nhưng cũng có thể các em không dám can thiệp.
"Đối với những người là thầy, là cô như tôi không khỏi đau lòng. Sự trưởng thành của học sinh, sinh viên về mặt thể chất, tinh thần, kỹ năng, thái độ, tâm hồn, trí tuệ... đều là đứa con tinh thần của thầy cô", TS Nguyệt Anh bày tỏ.
Theo Tiến sĩ Xã hội học Nguyệt Anh, nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường đến từ nhiều phía. Về vĩ mô, các em thấy việc bạo lực học đường nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng thì ít bị trừng phạt của pháp luật vì đang trong độ tuổi vị thành niên. Liên quan đến cộng đồng, nhà trường thì do áp lực học tập nên các em không có đủ thời gian để học kỹ năng sống. Điều không kém quan trọng là quá nhiều độc hại trên internet mà cha mẹ không kiểm soát được nội dung. Gia đình không có nhiều thời gian quan tâm đến con cái. Trong khi đó, phụ huynh lại có xu hướng nghĩ con mình là nạn nhân. Con trong sáng nhưng chơi với bạn đồng lứa bị ảnh hưởng và "xù lông nhím" bảo vệ con khiến con thiếu ý thức để điều chỉnh hành vi.
Về bản thân các em cũng không dám tâm sự do bố mẹ bận rộn hoặc không có tiếng nói chung. Có thể nghe xong câu chuyện, bố mẹ phê phán con ngay lập tức khiến con không muốn tâm sự. Hoặc ngược lại, bố mẹ đồng tình cho hành động của con khiến con không nhận thức được lỗi sai.
"Cách giải quyết hiện nay khi học sinh mắc lỗi là mời phụ huynh lên nhắc nhở, cảnh cáo, đuổi học học sinh nhưng đây chỉ là biện pháp chế tài mang tính tức thời. Chúng ta phải làm sao để các em hình thành nhân cách lâu dài. Giáo dục kỹ năng sống là điều cần thiết để giúp các em sẽ biết được ứng xử ra sao, khi gặp tình huống khẩn cấp thì gọi ai...
Bên cạnh đó là một môi trường học đường an toàn. Điều này đòi hỏi lớn từ sự hỗ trợ từ thầy cô giáo và nhà trường. Nhà trường cần có biện pháp răn đe cứng rắn cảnh báo cho học sinh khác nếu có ý định vi phạm sẽ tiết chế hành vi, hành động của mình. Đặc biệt, vai trò của gia đình rất quan trọng vì con cái là sản phẩm của cha mẹ. Nếu sản phẩm có vấn đề thì cha mẹ khó có tuổi già an vui. Vì vậy dù bận rộn cha mẹ hãy đồng hành cùng con, hỗ trợ cho con ứng xử với các tình huống, quản lý con sử dụng internet và có hoạt động thực tế tích cực hơn thay vì "sống ảo" trên mạng".
Giới trẻ sợ hãi, bất lực hoặc không biết phải làm gì khi chứng kiến bạo lực học đường
Nhà tham vấn Trần Thị Huyền Trang bày tỏ: "Mỗi khi đọc, nghe về những vụ bạo lực học đường, tôi cảm thấy rất buồn và lo lắng. Với nạn nhân, những hành vi bạo lực không chỉ gây tổn thương về thể chất mà còn để lại những hậu quả tâm lý nghiêm trọng. Ở tuổi chưa trưởng thành, trường học ngoài là nơi học hỏi kiến thức còn là cách trẻ tập dượt cách giao tiếp, hình thành mối quan hệ xã hội. Trong đó, việc xây dựng, gắn bó tình cảm với bạn bè của các em có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Một trong những nỗi ám ảnh của các em là bị cô lập, bị kỳ thị và đặc biệt nếu bị bạo hành sẽ tạo khủng hoảng tinh thần rất lớn, có thể ảnh hưởng đến niềm tin của các em vào thế giới. Tôi mong muốn rằng sẽ không còn ai phải trải qua những đau khổ như vậy".
Tuy nhiên, bà Trang khẳng định rằng, việc một số trẻ vị thành niên đứng nhìn, ngại can thiệp khi chứng kiến bạo lực học đường không hẳn là biểu hiện của sự vô cảm. Có thể các em cảm thấy sợ hãi, bất lực hoặc không biết phải làm gì trong tình huống đó.
Theo các nghiên cứu tâm lý học, có nhiều yếu tố giải thích cho hành vi không can thiệp khi chứng kiến bạo lực học đường. “Hiệu ứng người qua đường” lý giải, khi có nhiều người chứng kiến một sự việc, mỗi người thường có xu hướng nghĩ rằng người khác sẽ hành động, dẫn đến việc không ai can thiệp. Các em cũng có thể quá sợ hãi việc bị liên lụy, bị trả thù, sợ bị bạn bè kỳ thị nếu can thiệp. Đặc biệt, trong môi trường học đường, nơi mối quan hệ đồng trang lứa và cảm giác thuộc về cộng đồng rất quan trọng, việc đối đầu với bạn bè gây ra bạo lực có thể khiến trẻ cảm thấy lo lắng mà bị “đóng băng”.
Cũng có thể, các em chưa được trang bị những kỹ năng cần thiết để đối phó với tình huống bạo lực, như cách can thiệp an toàn, cách báo cáo với người lớn hoặc cách tìm kiếm sự giúp đỡ. Với một số trường hợp, người chứng kiến bạo lực học đường cũng có thể cảm thấy bị đe dọa và não của các em có thể phản ứng theo cách tương tự như một đứa trẻ phải trực tiếp đối mặt với bạo lực học đường.
"Có nhiều yếu tố tâm lý xã hội, tâm lý cá nhân chi phối hành vi của trẻ vị thành niên nên tôi cho rằng kết luận rằng giới trẻ ngày nay vô cảm có thể là vội vàng. Tuy nhiên, việc liên tục xuất hiện các trường hợp bạo lực học đường, trong đó có những người chứng kiến thờ ơ với nạn nhân là một chỉ dấu cho thấy chúng ta cần quan tâm hơn đến việc giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng xử lý xung đột và sự đồng cảm cho giới trẻ", bà Trang nói.
Nhà tham vấn tâm lý Huyền Trang nêu rõ, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực học đường cũng như sự thờ ơ, vô cảm của những em chứng kiến như: Sự thiếu quan tâm, giáo dục của gia đình; Môi trường xã hội; Sự khuyết thiếu các chương trình giáo dục toàn diện; Vấn đề cá nhân.
Bạo lực học đường không phải chỉ từ hai phía mà là cả ba phía, gồm người có hành vi bạo lực, nạn nhân và người đứng bên cạnh nhưng không làm gì. Để giảm bạo lực học đường, cần “lôi kéo” những người cho rằng mình không liên quan đến vụ việc vào cuộc can thiệp để chặn hành vi bạo lực hoặc báo cáo để người có trách nhiệm giải quyết, thông qua việc giúp các em nhận thức được những tác hại mà bạo lực gây ra cho nạn nhân, cho người gây ra bạo lực và cho chính bản thân họ.
Trang bị cho các em kỹ năng can thiệp vào tình huống bạo lực một cách an toàn như tìm kiếm sự giúp đỡ từ người lớn, báo cáo với giáo viên hoặc bảo vệ trường và tạo ra một kênh thông tin an toàn để học sinh có thể báo cáo các vụ việc bạo lực mà không sợ bị trả thù.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.