Cấm biển, chống ngập úng lò than
Là địa phương có dự báo bão đổ bộ trực tiếp, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh đã có chỉ đạo khẩn cấp. Ông Đặng Huy Hậu-Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Ninh cho biết, bắt đầu từ chiều 17.7, UBND tỉnh có lệnh cấm biển. Theo đó toàn bộ tàu cá và tàu tham quan và nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long phải dừng hoạt động. Các huyện đảo Vân Đồn, Cô Tô thông báo đến khách du lịch thông tin về cơn bão, di chuyển khách về nơi an toàn.
Ông Đặng Huy Hậu nhấn mạnh, TP.Cẩm Phả, TP.Hạ Long sẽ tập trung phòng chống sạt lở, nhất là các bãi thải của ngành than và phòng chống ngập úng, đảm bảo an toàn cho các hầm lò. Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã cấp cho huyện Vân Đồn bao cát, bạt chắn sóng để gia cố các tuyến đê. Cơ quan chức năng đã thông báo cho các hộ dân sinh sống ở khu vực đảo Hà Nam (TX.Quảng Yên) chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm cần thiết …
Ghi nhận của phóng viên NTNN, mặc dù bão Thần Sấm chưa về nhưng sáng nay trên địa bàn TP.Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) đã có mưa lớn gây ngập sâu gần mét nước tại nhiều tuyến đường. Tại khu 7, khu 8, phường Hồng Hải; khu 3, phường Cao Xanh; khu 5, phường Hà Trung; khu 6, phường Bãi Cháy... nước ngập mênh mông sâu gần mét khiến nhiều xe máy đi trên đường bị chết máy, cuộc sống nhiều hộ dân bị ảnh hưởng do nước tràn vào nhà.
Tại Hải Phòng, ông Nguyễn Quang Vinh – Chánh văn phòng UBND huyện Cát Hải cho biết, do lo ngại mưa lớn, nước dâng cao, huyện này đã lên kế hoạch di dân theo 2 phương án là di dời toàn bộ dân khỏi đảo Cát Hải và di dân tại chỗ. Ngoài đảo Cát Hải, quận Đồ Sơn cũng có kế hoạch tương tự.
Liên quan đến bão số 2, Đồn Biên phòng 54 (đảo Cát Bà) - Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên Phòng thành phố Hải Phòng phát hiện 7 tàu Trung Quốc neo đậu trái phép trên vùng biển xã Phù Long (đảo Cát Bà). Đồn Biên phòng 54 đã nhanh chóng xác minh, bước đầu xác định 7 tàu của Trung Quốc là 7 tàu hàng chở container chờ làm thủ tục bốc hàng tại Cảng vụ Hải Phòng, không có dấu hiệu bất thường.
Đề phòng ngập úng cục bộ
Trong cơn bão số 2, lượng mưa được dự báo vào khoảng 200- 300mm cả đợt. Trong đó, mưa lớn sẽ tập trung trong 2 ngày 19 và 20.7. Riêng Hà Nội và Hải Phòng dự báo có mưa từ 150-200mm, nên cần đề phòng ngập úng cục bộ…
Chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão T.Ư ngày 17.7, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu, các địa phương không lơ là chủ quan, kêu gọi tàu thuyền hoạt động trên biển về nơi trú tránh an toàn, di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm của bão. Trong đó đặc biệt lưu ý kêu gọi 17 tàu thuyền, với 196 lao động đang ở phía bắc quần đảo Hoàng Sa vào nơi trú tránh, thường xuyên giữ liên lạc và thông báo diễn biến của bão cho các phương tiện này.
“Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão các địa phương tổ chức trực và cử các tổ công tác trực tiếp chỉ đạo phòng chống bão tại các điểm xung yếu. Các tỉnh phía Bắc chuẩn bị công tác sơ tán dân, kiểm soát các điểm có nguy cơ cao đối với các khu dân cư ở miền núi phía Bắc”- Phó Thủ tướng lưu ý.
Tuy nằm ngoài vùng bão đổ bộ nhưng tỉnh Bình Định vẫn tăng cường kêu gọi ngư dân cảnh giác. Đến 16 giờ ngày 17.7, 23 tàu/235 ngư dân hành nghề khai thác, đánh bắt thủy hải sản trên khu vực bắc Biển Đông thuộc quần đảo Hoàng Sa - nơi tâm bão Thần Sấm quét qua, đã về đến các địa điểm tránh trú bão trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê, đến chiều 17.7, toàn tỉnh có hơn 4.900 tàu cá với trên 18.000 lao động đã vào bờ neo đậu.
Yêu cầu các tỉnh, thànhđình hoãn họp đểchống bão
Chiều 17.7, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo đối phó với bão số 2. Nội dung nêu rõ: UBND các tỉnh, thành phố và các bộ, ngành, cơ quan liên quan đình hoãn các cuộc họp chưa thật sự cần thiết để tập trung chỉ đạo ứng phó với bão; kiểm tra, rà soát phương án phòng, chống bão, nhất là “4 tại chỗ”; theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, tăng cường thông tin để nhân dân biết chủ động phòng chống bão, triển khai đồng bộ phòng, chống bão nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại.
Ngọc Lê
Vui lòng nhập nội dung bình luận.