Chủ động sơ tán dân
Theo đó, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội yêu cầu các cấp, các ngành, các đơn vị trên địa bàn TP tổ chức thường trực 24/24 giờ; theo dõi chặt chẽ diễn biến bão số 3, tình hình mưa, lũ, úng ngập, sự cố thiên tai trên địa bàn, kiểm tra các trọng điểm xung yếu, các công trình xây dựng (đặc biệt các công trình đang thi công), hồ đập, công trình thủy lợi.
Chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, trang thiết bị, phương tiện theo phương châm “3 sẵn sàng, 4 tại chỗ, 5 không”, chủ động ứng phó kịp thời mọi diễn biến của bão, mưa, lũ, úng ngập, sự cố thiên tai, bảo đảm an toàn công trình, tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.
Đường đi và vị trí tâm bão số 3.
Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã theo dõi chặt chẽ tình hình bão số 3, mưa lũ, úng ngập sự cố thiên tai trên địa bàn.
Chủ động tổ chức sơ tán nhân dân ở những vùng ven sông, vùng trũng thấp có khả năng ngập úng, vùng có nguy cơ sạt lở đất, các khu vực nhà xuống cấp, nguy hiểm đến nơi an toàn, thường xuyên thông tin, cảnh báo nguy hiểm, tránh đuối nước, điện giật…
Các huyện: Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức (vùng thường xuyên bị ảnh hưởng lũ rừng ngang) tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống, ứng phó lũ rừng ngang, rà soát, kiểm tra các điểm xung yếu, dễ có nguy cơ sự cố, nhất là đê điều, công trình thủy lợi, bảo đảm an toàn về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân; kịp thời bảo vệ, khắc phục hậu quả, phục hồi sản xuất sau bão, mưa, lũ.
Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội triển khai các biện pháp tiêu thoát nước, chống úng ngập khu vực nội thành; tập trung xử lý kịp thời tiêu thoát nước tại các điểm úng ngập cục bộ.
Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội rà soát, kiểm tra, cắt tỉa ngay cây nặng tán, chặt hạ những cây xanh có nguy cơ đổ, gãy mất an toàn; kịp thời giải tỏa cây đổ không để ùn tắc giao thông.
Sở Xây dựng chủ động phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã, các đơn vị quản lý nhà, chủ đầu tư các công trình xây dựng kiểm tra, chằng chống các công trình xây dựng, nhà ở, cơ sở sản xuất, cần cẩu, cần trục, biển quảng cáo, trạm thu phát sóng không đảm bảo an toàn.
Sở GTVT phối hợp CATP Hà Nội triển khai phương án phân luồng, bố trí lực lượng hướng dẫn, đảm bảo giao thông, chuẩn bị sẵn sàng các trang thiết bị hỗ trợ giải tỏa ách tắc giao thông tại các điểm úng ngập cục bộ; kịp thời xử lý sự cố, không để xảy ra ùn tắc giao thông,…
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, đơn vị khác nhằm chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả do bão, mưa lũ gây ra
Lãnh đạo mở điện thoại 24/24h
Trước đó, UBND TP. Hà Nội ban hành Kế hoạch về việc bảo đảm thoát nước chống úng ngập khu vực nội thành Hà Nội mùa mưa năm 2019.
Theo đó, UBND TP. Hà Nội chỉ đạo các đơn vị triển khai các giải pháp trọng tâm sau: Nâng cấp Trung tâm điều hành hệ thống thoát nước: nâng cấp phần mềm HSDC Maps - cảnh báo úng ngập và gợi ý chỉ đường trên điện thoại thông minh; tiếp tục vận hành 15 camera giám sát điểm úng ngập; triển khai sơ đồ vận hành hệ thống thoát nước theo thời gian thực trên lưu vực 5 con sông phục vụ công tác quản lý, điều hành hệ thống thoát nước; chia sẻ, cung cấp thông tin tuyên truyền cho người dân về tình hình mưa, lũ úng ngập cho người dân.
Về nguy cơ cây gãy đổ mùa bão, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội Vũ Kiên Trung cho biết, hiện công ty đã huy động toàn bộ các trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ phòng chống thiên tai, ứng trực sẵn sàng đáp ứng yêu cầu giải tỏa cây đổ, cành gãy.
Trong thời gian mưa bão, yêu cầu lãnh đạo các đơn vị mở máy điện thoại 24/24 giờ để kịp thời tiếp nhận thông tin, điều hành lực lượng triển khai khắc phục sự cố cành gãy, cây đổ bảo đảm thông đường trong thời gian sớm nhất.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.