Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Trước những tin tức xuất hiện gần đây liên quan tới tiền đạo Công Phượng, tờ Think Curve của Thái Lan có bài nhận định về khả năng xuất ngoại của các cầu thủ Việt Nam. Theo đó người Thái đã đánh giá các cầu thủ Việt Nam khó xuất ngoại thành công vì phải đối mặt với nhiều rào cản lớn.
Không chỉ riêng trường hợp của tiền đạo Nguyễn Công Phượng tại Yokohama FC, một loạt cầu thủ danh tiếng của bóng đá Việt Nam như Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Hậu, Văn Lâm, Quang Hải hay gần đây nhất là tiền đạo Văn Toàn cũng đã phải trải qua những tình cảnh khá 'ảm đạm' khi sang xứ người.
Và sau những thương vụ thất bại của bóng đá Việt Nam, tờ Think Curve của Thái Lan đã không ngại nhận định: "Phải thừa nhận, việc thi đấu ở nước ngoài vẫn là rào cản lớn mà các cầu thủ Việt Nam chưa thể vượt qua. Năm 2023, nhiều cầu thủ của đội tuyển Việt Nam đã thất bại khi mạo hiểm xuất ngoại".
Để có những dẫn chứng cụ thể cho độc giả, tờ Think Curve đã liệt kê một loạt chuyến xuất ngoại không thành công gần đây của các ngôi sao người Việt.
Tờ báo xứ chùa Vàng viết: "Đơn cử như Nguyễn Quang Hải, người không thành công khi ra mắt giải hạng Hai Pháp trong màu áo Pau FC. Sau đó, cậu ấy phải quay trở lại V-League. Tiền đạo Nguyễn Văn Toàn cũng như vậy. Cầu thủ này khó có cơ hội chứng tỏ bản lĩnh tại CLB Seoul E-Land ở giải hạng Hai Hàn Quốc.
Nguyễn Công Phượng cũng gặp phải tình huống tương tự khi không chơi một phút nào cho Yokohama FC ở J-League 1. Cậu ấy gần đây không được triệu tập lên đội tuyển quốc gia và có tin đồn rằng Phượng sẽ sớm trở về quê nhà".
Trái ngược với các thương vụ xuất ngoại thất bại của bóng đá Việt Nam, người Thái lại tương đối thành công khi xuất ngoại với những tên tuổi như Chanathip, Dangda, Theerathon và gần nhất chính là Supachok Sarachat - tiền vệ đang khoác áo đội bóng J-League 1, Consadole Sapporo.
Trái ngược với Công Phượng, Supachok đã có một mùa giải 2023 khá thành công cùng Sapporo. Theo thống kê, ngôi sao người Thái Lan đã ra sân thi đấu 30 trận cho đội bóng Nhật Bản, ghi được 9 bàn cùng 2 kiến tạo trong đó có 7 pha lập công tại J-League 1.
Không nổi bật như người đồng hương nhưng một cầu thủ khác của Thái Lan là tiền vệ tấn công Ekanit Panya đang khoác áo Urawa Red Diamonds cũng ít nhiều có được chỗ đứng tại đội bóng vừa mới giành chức vô địch tại đấu trường AFC Champions League ở mùa bóng 2022.
Theo thống kê của Transfermarkt, trong mùa giải J-League 1 vừa qua Ekanit Panya đã 5 lần được trao cơ hội. Bên cạnh đó cầu thủ sinh năm 1999 này còn có hai trận đấu tại J. League Cup 2023. Nhưng ấn tượng nhất phải kể đến sân chơi AFC Champions League, nơi mà Ekanit Panya đã ghi 1 bàn cùng 1 đường kiến tạo sau 3 trận đấu cho Urawa Reds.
Chừng đó cũng đủ để thấy các cầu thủ bóng đá Thái Lan vẫn đang thành công hơn Việt Nam khi xuất ngoại thi đấu. Có thể ở cấp độ đội tuyển, người Thái lúc này không còn vượt trội bóng đá Việt Nam như trước đây. Song ở khía cạnh cá nhân cầu thủ, rõ ràng họ vẫn đang hơn hẳn chúng ta.
Có nhiều yếu tố tác động khiến một cầu thủ gặt hái được thành công hay thất bại khi ra nước ngoài thi đấu. Điều quan trọng nhất vẫn chính là năng lực, kĩ thuật chơi bóng của cầu thủ đó.
Mặt bằng chung cầu thủ Thái Lan từ trước đến giờ vẫn được đánh giá là có sự khéo léo, nhanh nhẹn và sở hữu thể lực bền bỉ hơn so với chúng ta. Thế nên không bất ngờ khi những cá nhân xuất chúng của họ vẫn có thể đáp ứng tốt được những yêu cầu thi đấu tại giải đấu hàng đầu của Nhật Bản như J-League 1.
Đơn cử như tiền vệ Chanathip Songkrasin mặc dù chỉ cao 1m63 nhưng lại không hề thua kém các ngôi sao bóng đá xứ Mặt trời mọc ở kĩ thuật chơi bóng, sự nhanh nhẹn cũng như khả năng duy trì thể lực trong 90 phút thi đấu.
Với dáng người nhỏ bé nhưng cầm bóng di chuyển cực nhanh và lắt léo, Chanathip được gọi vui là 'Messi Thái Lan'. Cầu thủ này sở hữu kĩ thuật cá nhân cùng thể lực, tốc độ không thua kém các cầu thủ Nhật Bản. Và đó cũng là yếu tố giúp Chanathip thành công ở Nhật Bản.
Theo thống kê trong quãng thời gian 7 năm chơi bóng ở xứ sở Hoa anh đào từ năm 2017 tới tháng 6/2023, cầu thủ này đã ra sân thi đấu tổng cộng 133 trận, ghi 14 bàn và đồng thời cũng có 23 pha kiến tạo thành bàn cho hai CLB Consadole Sapporo và Kawasaki Frontale.
Nhìn sang các cầu thủ của chúng ta, khi mà kỹ thuật, tốc độ, thể lực của họ vẫn đang còn không ít những hạn chế thì việc họ có thể tỏa sáng ở những môi trường bóng đá cao hơn V-League sẽ là không hề dễ dàng.
Tất nhiên năng lực cũng là một yếu tố quyết định thành bại ở một chuyến xuất ngoại, nhưng vẫn còn những yếu tố khác cũng quan trọng không kém. Đó là môi trường, là sự phù hợp về phong cách thi đấu cũng như cả khả năng ngoại ngữ.
Không phủ nhận Quang Hải, Công Phượng, Văn Hậu đều là những cầu thủ giỏi nhưng việc họ lựa chọn những điểm đến chưa thực sự phù hợp cũng là một nguyên nhân khiến các chuyến xuất ngoại của họ không thành công như kỳ vọng.
Các cầu thủ Việt Nam trước đây thường không lựa chọn được môi trường phù hợp khi xuất ngoại, hoặc lựa chọn đội bóng có phong cách thi đấu không phù hợp, chưa kể vẫn còn gặp khó về khả năng giao tiếp ngoại ngữ. Điều đó đã tạo ra những rào cản lớn khiến họ không thể vượt qua trong các chuyến xuất ngoại.
Nhìn lại quá khứ, bóng đá Việt có lẽ chỉ có mỗi Lê Công Vinh được xem là từng xuất ngoại thành công khi sang Nhật đá cho Consadole Sapporo lúc ấy vẫn còn chơi ở giải J-League 2.
Là mẫu cầu thủ có tài năng, kỹ thuật, sự khéo léo cũng như sở hữu thể lực bền bỉ và giao tiếp tiếng Anh tốt, Công Vinh đã để lại khá nhiều dấu ấn nơi xứ người. Chỉ tiếc là chân sút xứ Nghệ xuất ngoại khi ấy đã hơi muộn do đã 28 tuổi nên anh cũng chỉ khoác áo Sapporo trong thời gian ngắn.
Bởi vậy để xuất ngoại thành công trong tương lai, các cầu thủ Việt rõ ràng cần cải thiện rất nhiều các phẩm chất kỹ thuật cùng tốc độ, sức mạnh của mình. Hơn hết, họ cũng sẽ phải trau dồi vốn ngoại ngữ cùng các kỹ năng mềm để thích nghi tốt với môi trường sống ở nước ngoài vốn có nhiều điểm khác biệt so với trong nước.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.