“Bão trắng” tàn phá bản nghèo

Thứ hai, ngày 13/06/2011 18:13 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đã gần nửa thập kỷ “bão trắng” ma túy quét qua bản Poọng, xã Tam Chung, huyện Mường Lát (Thanh Hóa), nhưng đến nay hậu quả nặng nề của nó vẫn đeo bám dai dẳng, làm cho cuộc sống người dân nơi bản nghèo khó này ngày càng khó khăn.
Bình luận 0

Bản Poọng chỉ có 85 hộ, nhưng hiện còn tới 68 hộ nghèo. Hầu hết, cuộc sống của người dân nơi đây chỉ dựa vào làm nương, rẫy.

img
Lớp học ở bản Poọng có nhiều em mồ côi cha mẹ vì “bão trắng”.

Ám ảnh “bão trắng”

Khi chúng tôi tới bản, một không khí hiu quạnh bao trùm. Trong bản chỉ lưa thưa vài thanh niên, còn lại là các cụ già, thiếu phụ không chồng và đám trẻ mồ côi. Những cái chết vì ma túy vẫn diễn ra, khiến người dân nơi đây sống trong tâm trạng bất an.

Chị Hà Thị Yếm (30 tuổi), nói: “Nhớ lại mà sợ lắm. Cách đây vài năm, nhiều thanh niên trai tráng trong bản phải bỏ mạng vì ma túy. Người thì chết vì sốc thuốc, người chết vì HIV/AIDS. Khổ nhất là những đứa trẻ phải sớm chịu cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ”.

Theo thống kê của xã Tam Chung, số người chết vì HIV/AIDS ở bản Poọng từ năm 2007 đến năm 2010 lên tới 36 người. Ông Vi Văn Thuật – Trưởng bản Poọng cho biết: “So với những năm trước, hiện nay số người nghiện ma tuý ở bản đã giảm đáng kể, chỉ còn 4 người”.

Cũng theo Trưởng bản Thuật, trường hợp trẻ em mồ côi cha, mẹ ở bản khá nhiều. Đa số những đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ đều phải bỏ học giữa chừng để đi làm kiếm sống. Thế nên, cuộc sống của người dân ở bản nghèo này vẫn hoàn nghèo.

Những mảnh đời bất hạnh

Theo chân Trưởng bản Thuật, chúng tôi đến thăm gia đình bà Ngân Thị Toại (69 tuổi). Bà Toại bị mù, hiện đang phải nuôi 2 cháu ngoại vì bố mẹ chúng đã chết bởi ma túy năm 2007 nên gia cảnh khó khăn nhất bản.

Ông Thuật bảo: “Bà Toại phải đi xin ăn ở các bản khác để về nuôi 2 cháu Hà Thị Nhân (14 tuổi) và Hà Văn Oằn (11 tuổi)”. Do cuộc sống của 3 bà cháu quá khó khăn, hai anh em Nhân và Oằn đã phải bỏ học để đi kiếm sống cùng bà.

Địa phương làm hồ sơ đề nghị cho các cháu mồ côi được hưởng chế độ của Nhà nước từ năm 2010 đến nay nhưng có trường hợp làm tới hai lần mà vẫn chưa được giải quyết.

Cùng chung hoàn cảnh như bà Toại, bà Hà Thị Khùn (68 tuổi), cũng đang phải chăm sóc hai cháu nội là Hà Thị Thoái (13 tuổi) và Hà Văn Thường (4 tuổi) mồ côi bố mẹ từ năm 2008. Hàng ngày, bà Khùn cùng cháu Thoái vào rừng hái măng và dây nhớt về bán lấy tiền đong gạo.

Khi nghe hỏi hoàn cảnh gia đình, bà Khùn bật khóc, kể: “Hồi đó, chuẩn bị sinh cháu Thường thì bố chúng nó dùng ma túy, rồi mẹ nó cũng dùng. Khi cháu Thường được 2 tuổi thì cả bố và mẹ nó đều qua đời. Năm nay, cháu nó đã 4 tuổi rồi nhưng vẫn còi cọc như đứa trẻ lên 2 vậy. Tôi không có tiền để cho cháu nó đi xét nghiệm xem cháu có mắc bệnh gì không”.

Cô giáo Hà Thị Thưa ở Trường Tiểu học Tam Chung cho biết: Tại khu lẻ bản Poọng, nhiều em học sinh phải bỏ học do bố mẹ đều qua đời, hoàn cảnh gia đình vô cùng bi đát. Giáo viên chia nhau đến nhà động viên các em đến lớp được một thời gian, nhưng rồi không đủ ăn, nên các em lại bỏ học để đi làm nương, rẫy…

Rời bản Poọng, trên đường về hình ảnh những khuôn mặt trẻ thơ nhem nhuốc, không được học hành... bởi ma túy khiến nhiều đứa mồ côi cả cha lẫn mẹ cứ hiện lên trong tâm trí chúng tôi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem